Chủ nhật 03/11/2024 03:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Chủ tịch COP26 trở lại Việt Nam để thúc đẩy tiến độ chuyển đổi năng lượng sạch trước thềm COP27

15:53 | 29/08/2022

(Xây dựng) – Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) - Alok Sharma hiện đang có chuyến thăm tại Việt Nam từ ngày 27 đến ngày 30/8 để gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Bộ trưởng chủ chốt nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận về Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng.

chu tich cop26 tro lai viet nam de thuc day tien do chuyen doi nang luong sach truoc them cop27
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch COP26 Alok Sharma tại cuộc họp ở Hà Nội.

Trong khuôn khổ Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng - một thỏa thuận chính trị dài hạn giữa Chính phủ Việt Nam và Nhóm đối tác Quốc tế (IPG) của các quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, các thành viên Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ dự kiến sẽ được ký kết.

Việt Nam sẽ là quốc gia chủ trì thực hiện. Chương trình đối tác này sẽ hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm dần than, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và triển khai Quy hoạch điện 8 (PDP8) đầy tham vọng của mình. Chương trình đối tác sẽ được củng cố bởi các kế hoạch rõ ràng, nhằm mang lại một tiến trình chuyển dịch năng lượng công bằng và xúc tác đầu tư vào năng lượng sạch, mang lại cho Việt Nam cơ hội trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo.

Trong chuyến thăm này, Chủ tịch COP26 cũng gặp gỡ đại diện các thành viên nhóm G7 và các nhà tài trợ là các đối tác phát triển, doanh nghiệp và các bên liên quan trong khối tư nhân, nhằm giúp thúc đẩy sự tham gia của khối nhà nước và khu vực tư nhân trong việc huy động tài chính cho tiến trình chuyển dịch năng lượng.

Ông Sharma cũng gặp gỡ với các tổ chức xã hội dân sự, để nghe và hiểu rõ hơn về quan điểm của họ về tiến trình kể từ COP26, về Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng cũng như về các cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng các-bon thấp của Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba này với tư cách là Chủ tịch COP, ông Sharma tiếp tục vai trò và trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy các cam kết mới về khí hậu từ tất cả các quốc gia trước thềm COP27 như đã thỏa thuận trong Hiệp ước Khí hậu Glasgow tại COP26. Ông Sharma kêu gọi Việt Nam hoàn thành việc sửa đổi và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đến năm 2030, phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ông Sharma cũng đến thăm Cần Thơ - một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long - cùng với các nhà nghiên cứu từ Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Dragon-Mekong), Đại học Cần Thơ để quan sát tác động của tình trạng xói lở bờ sông và tác động của mực nước biển dâng đối với các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng cao. Ông Sharma đã trò chuyện cùng và lắng nghe những chia sẻ trực tiếp từ người dân ở cộng đồng địa phương về dự án tăng cường khả năng chống chịu của đô thị trước lũ lụt và tác động của biến đổi khí hậu.

chu tich cop26 tro lai viet nam de thuc day tien do chuyen doi nang luong sach truoc them cop27
Chuyến thăm tại Đồng bằng sông Cửu Long để quan sát tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực.

Ông Alok Sharma - Chủ tịch COP26 chia sẻ: “Cần có hành động khẩn cấp để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C và giúp xây dựng những cộng đồng thịnh vượng, sử dụng nguồn năng lượng các-bon thấp và có khả năng phục hồi trên toàn thế giới. Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng được đề xuất tạo cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng khỏi than đá nhằm thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tôi rất vui được trở lại Việt Nam để gặp Thủ tướng và các Bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam, các cơ quan nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và xã hội dân sự để thảo luận về cách chúng ta có thể cùng nhau hành động hiệu quả vì khí hậu”. Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, công bằng không chỉ thúc đẩy hành động vì khí hậu mà còn giúp tạo ra nhiều việc làm mới, tăng trưởng kinh tế, không khí sạch và một tương lai thịnh vượng, bền vững.

Sau chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch COP26 sẽ tới Indonesia để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường G20 tại Bali.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tán thành sáu sáng kiến, bao gồm Tuyên bố Glasgow về sử dụng Rừng và Đất, Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF), cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch, Chương trình hành động chính sách để chuyển đổi sang nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững và Lời kêu gọi hành động: Nâng cao tham vọng thích ứng và chống chịu với khí hậu.

Diệu Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load