Thứ hai 06/01/2025 09:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Chủ động quản lý yếu tố rủi ro trên công trường

14:14 | 09/11/2024

(Xây dựng) - Thời gian qua, mặc dù tai nạn lao động (TNLĐ) trong lĩnh vực xây dựng đã giảm dần, nhưng tỷ lệ về tai nạn gây thiệt hại về người còn ở mức cao hơn so với các ngành nghề khác. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng cho cấp quản lý để giúp công tác an toàn lao động trên công trường được thực thi đầy đủ.

Chủ động quản lý yếu tố rủi ro trên công trường
Thi công trong không gian hạn chế hoặc ở trên cao cần đảm bảo an toàn lao động nghiêm ngặt. (Ảnh: Ngọc Hà)

Môi trường làm việc và những tác động

Theo thông báo tình hình TNLĐ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ về số vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng gây thiệt hại về người giai đoạn 2021 - 2023 chiếm 13,2% trên tổng số vụ TNLĐ của các ngành nghề đã giảm so với giai đoạn 2016 - 2020 chiếm 18,75%, nhưng tỷ lệ về tai nạn gây thiệt hại về người còn ở mức cao hơn so với các ngành nghề khác.

Các vụ việc liên quan đến ngã cao; máy thiết bị cán, kẹp; đổ, sập; điện giật và trong không gian hạn chế xảy ra trong các công trình ngầm, đường hầm, khu vực kín, chật hẹp, thiếu ánh sáng, khu vực có hơi/khí độc, thiếu oxy…

Trong năm 2023, lĩnh vực xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng chiếm khoảng 28% tổng số vụ việc, với khoảng 29% tổng số người chết. Trong đó, tai nạn do nguyên nhân rơi ngã, trượt ngã từ trên cao cũng luôn ở vị trí tốp đầu theo số liệu thống kê (khoảng 18% tổng số vụ việc với khoảng 17% tổng số người chết). Bên cạnh đó, môi trường làm việc hạn chế cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động.

Chủ động quản lý yếu tố rủi ro trên công trường
Trên công trường: An toàn là trên hết.

Có thể kể đến một số vụ TNLĐ nghiệm trọng trong thời gian qua như: Ngày 25/5/2022, tại nhà số 12, ngõ 523 Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, vụ tai nạn rơi thang máy khiến 2 người chết. Ngày 25/5/2023, tại công trình nhà ở kết hợp dịch vụ kinh doanh ẩm thực (Đà Nẵng) xảy ra vụ sập dầm sàn khi đang đổ bê tông làm 5 người bị nạn (trong đó có 2 người chết và 3 người bị thương). Ngày 12/12/2023, tại công trình xây dựng nhà ở (Thái Bình), tời bị đứt cáp khiến 10 người bị nạn (trong đó có 3 người chết và 7 người bị thương)…

Đánh giá về nguyên nhân, ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định) cho biết, những nguyên khách quan như: Hoạt động thi công xây dựng là hoạt động không theo quy trình nhất định, rất đa dạng, điều kiện về không gian, vị trí luôn thay đổi; quá trình thi công xây dựng được chia thành nhiều giai đoạn, do nhiều chủ thể khác nhau thực hiện; nguồn nhân lực lao động ngành Xây dựng phổ biến là lao động nông nhàn, thời vụ… Những đặc thù này của ngành Xây dựng làm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn lao động (ATLĐ).

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan như: Công tác quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng (TCXD) chưa được quan tâm đúng mức ở một số công trường và trong một số chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATLĐ còn hạn chế về số lượng, tần suất; công tác xử lý các hành vi vi phạm quy định về ATLĐ chưa nghiêm túc, chưa triệt để, mức xử lý vi phạm còn thấp; một số chủ thể tham gia hoạt động xây dựng chưa thực sự quan tâm, chú trọng công tác ATLĐ…

Sớm có tài liệu hướng dẫn chuyên sâu về an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế

Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã lãnh đạo, chỉ đạo, có hiệu quả công tác đảm bảo ATLĐ trong TCXD, đã hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo hành lang pháp lý, hành lang kỹ thuật để hướng dẫn các cơ quan, tổ chức và người dân thực hiện, góp phần làm giảm tỷ lệ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng…

Đến nay, Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN 18:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong TCXD, trong đó quy định việc thực hiện đảm bảo an toàn đối với người làm việc trên cao và làm việc trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng.

Chủ động quản lý yếu tố rủi ro trên công trường
Hội thảo “Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng”.

“Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Bộ Xây dựng, hiện nay các nước phát triển (châu Âu, Anh, Mỹ, Nhật, Singapore...) đều có các tài liệu kỹ thuật chuyên sâu, hướng dẫn chi tiết, cụ thể một số công việc xây dựng có nguy cơ mất an toàn cao. Mặt khác, theo thống kê, các tai nạn lao động chủ yếu tập trung vào các nhóm công việc liên quan đến: Làm việc trên cao; làm việc trong không gian hạn chế; sử dụng giàn giáo; sử dụng máy, thiết bị thi công. Vì vậy, các hướng dẫn dưới dạng chỉ dẫn kỹ thuật chuyên sâu là rất cần thiết để áp dụng trong thực tế và để cụ thể hóa các nội dung có liên quan quy định trong QCVN 18:2021/BXD” - ông Ngô Lâm nhấn mạnh.

Để giảm thiểu sự cố, TNLĐ và đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã phê duyệt nhiệm vụ xây dựng 2 tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng” .

Trình bày về nội dung bộ tài liệu này tại Hội thảo “Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng” diễn ra mới đây tại Hà Nội, TS. Lê Trường Giang, Phó Trưởng phòng Quản lý an toàn xây dựng, Cục Giám định cho biết: Bộ tài liệu được soạn thảo có điểm nhấn quan trọng về quy định người quản lý lao động phải kiểm soát, cấp phép cho người lao động trước khi thực hiện công việc. Ngoài ra, phải đánh giá và quản trị các yếu tố rủi ro ngay từ đầu. Còn việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân là biện pháp cuối cùng.

Chủ động quản lý yếu tố rủi ro trên công trường
TS. Lê Trường Giang, Phó Trưởng phòng Quản lý an toàn xây dựng trình bày nội dung bộ tài liệu Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và công trình hạn chế. (Ảnh: Ngọc Hà)

Trong bộ tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế” sẽ áp dụng cho các công việc trong thi công xây dựng công trình. Đưa ra các chỉ dẫn để người sử dụng lao động và những người có thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ, công việc liên quan đến bảo vệ, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, giám sát hoặc chỉ huy, cấp phép ra vào… thông qua: Quản lý rủi ro; lập và thực hiện kế hoạch phòng chống rơi ngã hoặc làm việc an toàn trong không gian hạn chế; hệ thống cấp phép làm việc…

Để góp phần đáp ứng yêu cầu, điều kiện an toàn trong thi công trên công trường xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn Tú, Trưởng phòng Quản lý an toàn xây dựng (Cục Giám định) cho biết: Thông qua góp ý của chủ đầu tư, nhà quản lý, chuyên gia, chúng tôi sẽ cấu trúc bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật để dễ hiểu hơn cho nhiều đối tượng sử dụng; cố gắng đề cập nhiều nội dung chi tiết để sử dụng được ngay. Trong đó, tham chiếu đến các tài liệu có liên quan hiện hành, các tài liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã được ban hành. Đồng thời, chuẩn hóa thuật ngữ, khái niệm để thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn tiêu chuẩn quốc gia đang có.

Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu biên soạn các tiêu chuẩn về công tác an toàn, ban hành các quy định về chi phí an toàn lao động… để phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo tính hội nhập quốc tế, tập trung vào các nội dung nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người làm việc trên công trường, đặc biệt ở môi trường có nhiều yếu tố rủi ro như không gian hạn chế và trên cao.

Ngọc Hà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load