(Xây dựng) – Tại Hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho ý kiến: “Đã đến lúc đầu tư cho vùng nào có khả năng sinh sôi nguồn lực cho cả nước, chỗ nào sinh lời, hiệu quả cao cần tập trung đầu tư”.
Hạ tầng tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam bộ vẫn chưa đồng bộ trong khi nguồn thu tại khu vực này lại chiếm tỷ trọng khá lớn trong cả nước. |
Hội thảo này nhằm thảo luận, hiến kế các giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy nhanh các kết nối hạ tầng, giúp phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ do Cổng thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với các cơ quan tổ chức ngày 22/11 tại thành phố Vũng Tàu. Sự kiện có sự tham dự của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ, các hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp.
Theo đánh giá, khu vực Đông Nam bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, “cửa ngõ” kinh tế và cầu nối của Việt Nam ra thế giới. Các tỉnh vùng Đông Nam bộ có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đặc biệt, có nhiều chỉ đạo về việc hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông Đông Nam bộ, bao gồm cả đường bộ với hàng loạt tuyến cao tốc đã và đang được triển khai, đường hàng không, đường sắt, đường thủy, chú trọng hệ thống cảng nước sâu đưa hàng hóa ra thị trường thế giới.
Không ít công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, đường Vành đai 2, mở rộng xa lộ Hà Nội, mở rộng Quốc lộ 51…
Gần đây, nhiều dự án trọng điểm mới được đầu tư và có kế hoạch thực hiện thời gian sắp tới cũng mở ra cơ hội cho kết nối vùng, như cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, đường Vành đai 3, các cây cầu lớn, cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành…
Nhiều chuyên gia về giao thông nhận định, việc quy hoạch cơ sở hạ tầng mà trọng tâm là hạ tầng giao thông chưa được đồng bộ giữa các địa phương trong vùng. Cơ sở hạ tầng giao thông những năm qua mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song chưa thể đáp ứng tốc độ phát triển nhanh của vùng, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa; hiện nay hệ thống giao thông đang trở thành một trong nhiều nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển không chỉ của vùng mà cả một đất nước.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cần đầu tư nhiều hơn cho vùng này, vì cả vùng Đông Nam bộ có thế mạnh lớn, dân số chiếm 18,6% dân số cả nước, có tỷ lệ đô thị cao gấp 1,84 lần tỷ lệ đô thị hóa của cả nước, đóng góp 38% GDP (GDP bình quân đầu người đạt 115,2 triệu đồng, cao gấp 1,84 lần bình quân cả nước), 48% kim ngạch xuất khẩu, 40,73% ngân sách, chiếm 46,5% số dự án đầu tư và 43,23% vốn FDI, tương đương 16.840 triệu USD.
Trước những con số chứng minh cho sự phát triển khá mạnh của vùng Đông Nam bộ, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng cần tuyên truyền và nâng cao nhận thức về lợi ích mang lại của việc kết nối hạ tầng trong vùng; xây dựng và cập nhật, chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng; nghiên cứu và nhanh chóng thành lập Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối; ban hành quy chế chia sẻ lợi ích giữa các địa phương trong vùng khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch và nâng cao trách nhiệm của bộ, ngành Trung ương.
“Đã đến lúc đầu tư cho vùng nào có khả năng sinh sôi nguồn lực cho cả nước, chỗ nào sinh lời, hiệu quả cao cần tập trung đầu tư”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng, tạo ra cực phát triển trọng điểm thúc đẩy nền kinh tế của cả nước, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, cần xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương; tăng phân bổ đầu tư cho địa phương từ nguồn ngân sách phải nộp về Trung ương đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cùng với đó, Chính phủ phải đẩy nhanh xử lý tồn đọng đối với các dự án đầu tư đối với các dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 – 2020.
Theo số liệu, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các công trình giao thông trọng điểm được đầu tư từ ngân sách Trung ương như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên… Cầu Phú Mỹ dài hơn 2.000m nối các địa phương phía Bắc và phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là dự án BOT với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; Đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 18km, rộng 120m, có tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Đại lộ Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt (đại lộ Đông – Tây) dài 22km, rộng 70m, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng từ vốn ODA Nhật Bản... Xây dựng thành phố phía Đông là thành phố trong lòng thành phố với mô hình là đô thị sáng tạo, công nghệ cao, hạ tầng hiện đại và đồng bộ, tạo cực tăng trưởng cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, đánh giá lại sau rà soát tiến độ triển khai các dự án kết nối hạ tầng giao thông, có thể thấy tiến độ còn khá chậm, chưa đạt mong đợi, gồm những nguyên nhân chủ quan và khách quan, quan trọng nhất là nguồn lực đầu tư. Làm sao đầu tư hiệu quả để các khu vực phát triển, nhưng khi nguồn lực có hạn, phải lựa chọn khu vực có tiềm năng sinh lời cao. Do đó, cần sự nỗ lực, tâm huyết của từng địa phương trong thời gian tới. Cần sự hỗ trợ từ các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trong tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, giao thông là “điểm nghẽn" nghiêm trọng của vùng Đông Nam bộ, nghẽn trên cả 3 tuyến: Đường bộ, đường không và đường biển để tháo được điểm nghẽn về kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ, các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ cấp bách và là lợi ích quốc gia chứ không thuộc địa phương hay của vùng.
Phải nhận thức được rằng, Đông Nam bộ là tọa độ quan trọng nhất về mặt kinh tế của đất nước, giúp cho Đông Nam bộ phát triển là giúp cho đất nước tăng được vị thế, tăng được hiệu quả và lôi kéo được cả đất nước phát triển.
Đồng quan điểm trên, TS. Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính Phủ, thời điểm này phải thay đổi tư duy về thể chế nhà nước đối với vùng kinh tế trọng điểm, xem vùng Đông Nam bộ là nơi tạo sức bật cho lợi ích chung nên việc đầu tư tại đây là nhiệm vụ cấp bách.
Thành Nam
Theo