Việc lấn chiếm ao hồ ở Hà Nội không phải hiếm gặp nhưng mỗi khi Hồ Tây, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất của Thủ đô, bị tác động hay bị thu hẹp diện tích, không ít người dân lại xót xa.
Bờ kè chia ngăn mặt nước Hồ Tây với hồ Thủy Sứ, vào các thời điểm trước, trong và sau quá trình triển khai chỉnh trang. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Tình trạng lấn chiếm ao hồ, nhất là ao hồ ở trong nội thành không phải là chuyện hiếm gặp, nhưng mỗi khi Hồ Tây - hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất của Thủ đô bị “tác động” hay bị thu hẹp một phần diện tích, người dân lại xót xa.
Gần đây, việc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ triển khai chỉnh trang lại bờ kè chia ngăn mặt nước Hồ Tây với một góc hồ nhỏ sát bên cạnh có tên là hồ Thủy Sứ, ở ven đường Quảng Bá, phường Quảng An khiến không ít người lo lắng cho “số phận” của góc hồ này, nhất là khi một số đầm sen ở xung quanh đã và đang bị xâm lấn
Chỉnh trang bờ kè thành “đường”?
Sáng sớm tới Hồ Tây, lảng bảng sương phủ mới thấy Hà Nội được trời phú cho phong cảnh hữu tình không phải nơi cũng có được.
Vậy nhưng, có một thực tế đáng buồn là Hồ Tây đang gặp phải những thách thức chưa từng có như ô nhiễm nguồn nước, thu hẹp diện tích, và một hệ sinh thái của hồ đã và đang bị tổn thương sâu sắc bởi các hoạt động của con người.
Ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại khu vực Hồ Tây (đoạn ven đường Quảng Bá), suốt từ cuối tháng 4/2023 đến nay, cho thấy một số ao, đầm sen ở ven Hồ Tây đã bị xâm lấn, vùi lấp một phần “da thịt.”
Hoạt động cải tạo tại một góc đầm sen ở ven Hồ Tây thuộc phường Quảng An. (Ảnh: HV/Vietnam+) |
Có đầm sen đã được chủ thầu cho máy xúc bốc bùn lên chất xung quanh, với la liệt vật liệu xây dựng, khiến diện tích mặt nước của đầm ngày càng nhỏ hẹp. Thậm chí, có góc đầm như cái “ao tù” đã dần bị bê tông hóa xâm lấn.
Cách đó không xa, tại một góc Hồ Tây (đối diện tòa nhà Citadines sang trọng đang dần hoàn thiện) ở ven đường Quảng Bá, từ giữa tháng Tư đến đầu tháng 5/2023, một nhóm thợ khoảng 4-6 người cũng đang hì hục đổ đất, cát mở rộng bờ kè đất, rồi lát gạch lên trông như con đường nối dài tới hai góc bờ hồ.
Theo ghi nhận của phóng viên, bờ kè như con đường trên có chiều dài khoảng gần 200m2, chiều ngang rộng khoảng 1,5m2). Đến thời điểm giữa tháng 5/2023, công trình trên đã cơ bản hoàn thiện, xung quanh được trồng thêm cỏ.
Công trình chia ngăn diện tích mặt nước Hồ Tây với góc hồ nhỏ sát bên cạnh ở phía trong - có tên là hồ Thủy Sứ. Dù rằng cả Hồ Tây và hồ Thủy Sứ đều được bao bọc bởi một hàng lan can màu xanh bao quanh khu vực Hồ Tây.
Công trình chỉnh trang bờ kè chia ngăn mặt nước Hồ Tây với hồ Thủy Sứ. (Ảnh: HV/Vietnam+) |
Chị Nguyễn Thị Mai, người dân đi dạo mát ở Hồ Tây chia sẻ việc chỉnh trang làm bờ kè đường trên khiến chị không khỏi băn khoăn: Liệu hồ Thủy Sứ có phải là một phần “da thịt” của Hồ Tây xưa và số phận của góc hồ này rồi sẽ ra sao? Sẽ thành đầm sen hay chiếc “ao tù” như những ao/đầm sen đang dần bị thu hẹp, hay bị bê tông hóa vùi lấp diễn ra ở xung quanh khu vực?
“Chưa kể, phần góc hồ bị ngăn tách trên, rồi đây nếu không được vệ sinh, khơi thông, thì nguy cơ ô nhiễm nguồn nước là điều rất đáng lo,” chị Mai chia sẻ.
Về diện tích của Hồ Tây, theo cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, hồ rộng 538ha. Tác giả Nguyễn Văn Uẩn hoàn thành bộ sách này năm 1983-1984, nên diện tích Hồ Tây trong sách là số liệu trước khi bộ sách hoàn thành. Còn theo bản đồ do Liên Xô chụp tháng 12/1981 qua vệ tinh, Hồ Tây rộng 526,16ha.
Tuy nhiên, số liệu của Công ty Đầu tư và khai thác thủy sản Hồ Tây lại cho thấy năm 1987, hồ rộng 516ha. Sau khi việc kè bờ Hồ Tây hoàn thành vào năm 2010, diện tích hồ đã bị thu hẹp gần hơn 50ha, hiện chỉ còn 460ha.
Cơ quan quản lý địa phương nói gì?
Để làm rõ thực trạng trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Danh Thụ - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Quảng An (quận Tây Hồ) theo gợi ý của người đứng đầu ủy ban nhân dân phường này.
Đất được sử dụng để đổ bằng xung quanh phần gạch lát kè đường. (Ảnh: HV/Vietnam+) |
Tại buổi làm việc diễn ra ngày 5/5/2023, ông Nguyễn Danh Thụ cho rằng chính quyền phường Quảng An không được giao hay trực tiếp tổ chức việc cải tạo, chỉnh trang thi công bờ kè ngăn mặt nước giữa Hồ Tây và hồ Thủy Sứ.
Vì thế, phóng viên phải liên hệ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ, bởi việc cải tạo, chỉnh trang trên do ban này triển khai.
“Còn với các ao, đầm sen ở quanh hồ, người dân/các chủ thầu đã thuê để phục vụ mục đích nuôi trồng thủy sản, trường hợp có hành vi san lấp hay xây dựng trái phép, chúng tôi sẽ xử lý ngay,” ông Thụ nói.
Trong khi đó, tại buổi làm việc với người viết vào ngày 11/5, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ cho rằng việc đơn vị này triển khai là dọn vệ sinh, chỉnh trang lại bờ kè giữa Hồ Tây với hồ Thủy Sứ.
“Trước đây là bờ đất, nhìn rất bẩn, nhếch nhác. Bây giờ cải tạo lại, ghép gạch trên bề mặt, về sau trên bờ kè, cỏ vẫn mọc lên được,” vị lãnh đạo trên chia sẻ.
Công trình sau khi hoàn thiện. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Cũng theo vị lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ, việc chỉnh trang bờ kè trên được thực hiện theo “chỉ đạo của cấp trên.” Tuy nhiên, việc chỉ đạo của cấp trên mà vị này chia sẻ không được ghi trong văn bản chính thức nào, mà trên cơ sở “chỉ đạo trực tiếp.”
Vị lãnh đạo trên cũng xác nhận bờ kè cải tạo trên có tổng chiều dài khoảng gần 200m2, bề ngang rộng khoảng 1,5m2. Tuy nhiên, khi được hỏi về tổng kinh phí để triển khai công trình duy tu, chỉnh trang bờ kè trên, cũng như nguồn kinh phí từ đâu (từ ngân sách hay xã hội hóa), thì vì lãnh đạo trên không tiết lộ, bởi theo ông thì kinh phí thực hiện là không đáng kể.
Nêu quan điểm về thông tin trên, một chuyên gia môi trường từng nhiều năm công tác tại Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhấn mạnh rằng Hồ Tây là “lá phổi” - hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Hà Nội. Vì thế trước khi triển khai việc chỉnh trang cũng cần phải có nghiên cứu, có văn bản cụ thể.
Đầm sen nằm ở ven Hồ Tây (phường Quảng An) bị thu hẹp một phần diện tích mặt nước.(Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Từ thực tế phóng viên tìm hiểu, cũng như cách thông tin của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân phường Quảng An và lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ, thiết nghĩ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ cần kiểm tra và có câu trả lời rõ hơn để rộng đường dư luận.
Quan trọng hơn là để đảm bảo Hồ Tây được bảo vệ nghiêm ngặt, qua đó góp phần ngăn chặn các nguy cơ thu hẹp diện tích “lá phổi” tự nhiên của Thủ đô./.
Theo PV (Vietnam+)
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/chinh-trang-bo-ke-thanh-duong-ven-ho-tay-nen-mung-hay-lo/863118.vnp