Thứ bảy 20/04/2024 13:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chính quyền Hà Giang nói gì về dự án Chùa Lũng Cú?

16:20 | 05/11/2019

(Xây dựng) - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Lũng Cú là xã thuộc huyện Đồng Văn, nằm trên đỉnh cao nguyên Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang khoảng 200km. Là điểm cực Bắc của Việt Nam, nằm ở khu vực có độ cao trên 1.400m so với mực nước biển.

chinh quyen ha giang noi gi ve du an chua lung cu
Khu vực xã Lũng Cú nằm sát đường biên giới, điểm cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng (Ảnh Internet).

Xã Lũng Cú có 9 thôn bản, đồng bào sinh sống tại đây chủ yếu là dân tộc Mông và Lô Lô, với tỷ lệ hộ nghèo trên 54%; sinh kế của người dân chủ yếu là canh tác nông nghiệp thuần túy (với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu đất, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt) và đi lao động qua bên kia biên giới.

Khu vực xã Lũng Cú nằm sát đường biên giới, điểm cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng với 10 cột mốc quốc gia chính (không có mốc phụ), đa số là người dân tộc thiểu số sinh sống có trình độ dân trí hạn chế, dễ bị các thế lực thù địch kích động và lôi kéo, tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông” và truyền đạo trái pháp luật, xuất cảnh trái phép, buôn bán người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự.

Hạ tầng xã hội thiết yếu của xã (trạm xá, trường học, nhà văn hóa, cơ sở tín ngưỡng...) còn chưa đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Hạ tầng dịch vụ du lịch còn yếu kém, hầu hết du khách đến thăm quan Khu di tích Cột cờ Lũng Cú không có điểm dừng chân, đặc biệt là khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ sạt lở đất đá vào mùa mưa và giá rét vào mùa đông.

Xuất phát từ thực tiễn trên, việc đầu tư dự án Chùa Lũng Cú là rất cần thiết. Dự án được đầu tư xây dựng với mục tiêu hoàn thiện về xây dựng cơ sở hạ tầng nâng cao chất lượng phục vụ cho phát triển du lịch để phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương; khẳng định chủ quyền của đất nước bằng nền tảng văn hoá tinh thần của nhân dân các dân tộc tại nơi biên cương cực Bắc, đáp ứng tâm nguyện của người dân trong sinh hoạt văn hóa tinh thần trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; tạo việc làm cho người lao động địa phương, giảm dần tình trạng di dân và xuất cảnh trái phép đi lao động; góp phần phát triển kinh tế xã hội của huyện Đồng Văn nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung; đảm bảo sự ổn định an ninh quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Mông của Hà Giang.

Tại thời điểm triển khai, dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú huyện Đồng Văn (dự án Chùa Lũng Cú) do Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang đề xuất đầu tư phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1646/QĐ-UBND ngày 20/7/2014; Phù hợp với đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm xã Lũng Cú đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4565/QĐ-UBND ngày 31/12/2015; Tỉnh Hà Giang phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo tỉnh vận động doanh nghiệp và các cá nhân đầu tư từ nguồn xã hội hoá. Sau khi đầu tư hoàn thiện dự án sẽ được bàn giao cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang quản lý vận hành để phục vụ các yêu cầu nêu trên.

Về quá trình triển khai dự án: Sau khi tỉnh và Giáo hội Phật giáo tỉnh vận động, thu hút Nhà đầu tư đã có Văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc đề xuất triển khai dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nhà đầu tư đã thuê Tổng Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Việt Nam và Công ty Cổ phần Kiến trúc và Xây dựng công trình văn hoá Việt là các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm hoàn thiện thủ tục hồ sơ đề xuất chủ trương trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 1522/SKHĐT-KHVX ngày 6/10/2016 xin ý kiến các sở, ban, ngành và các bên có liên quan về việc thẩm định đề xuất dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Các sở, ban, ngành đã có ý kiến góp ý đồng thuận gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 951/STNMT-CCBVMT ngày 11/10/2016; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có Văn bản số 809/VHTTDL-QLDL ngày 14/10/2016; Sở Xây dựng có Văn bản số 236/SXD-QLXD ngày 10/10/2016; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có Văn bản số 1553/BCH-TM ngày 12/10/2016; Sở Tài chính có Văn bản số 1875/STC-ĐT ngày 20/10/2016; UBND huyện Đồng Văn có Văn bản số 920/UBND-KTN ngày 17/10/2016; Công an tỉnh có Văn bản số 381/CAT-PA81 ngày 24/10/2016; Sở Công Thương có Văn bản số 1052/SCT-QLCN ngày 21/10/2016; Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn có Văn bản số 204/BQL-QLDSDV ngày 24/10/2016.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất nội dung của Hồ sơ đề xuất dự án của các sở, ban, ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang đã tổng hợp và có Báo cáo thẩm định số 1674/BC-SKHĐT ngày 26/10/2016 trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2676/QĐ-UBND ngày 04/11/2016; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy CNĐKĐT số 0243636174 ngày 06/11/2016. Tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án được thực hiện đúng quy định pháp luật.

Bước lập thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư: Khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chủ đầu tư đã tiến hành thuê Tổng Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Việt Nam và Công ty Cổ phần Kiến trúc và xây dựng công trình văn hoá Việt là đơn vị có đủ năng lực tiến hành khảo sát, lập hồ sơ dự án đầu tư trình chủ đầu tư để thẩm tra và đã có Văn bản số 1711-01/TTr-PLHG ngày 17/11/2016 trình UBND tỉnh Hà Giang thẩm định, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì thẩm định dự án theo quy định.

Ngày 13/12/2016, Sở Xây dựng đã có Văn bản số 154/TB-SXD thông báo kết quả thẩm định Thiết kế cơ sở của dự án, trên có sở kết quả thẩm định; ngày 14/12/2016 Công ty Cổ phần Phúc Lộc Hà Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt số 1412-01/QĐ-PLHG.

Trên cơ sở dự án đã được phê duyệt, chủ đầu tư đã tiến hành thuê đơn vị tư vấn khảo sát lập thiết kế bản vẽ thi công, thuê tư vấn thẩm tra và trình Sở Xây dựng thẩm định tại Văn bản số 170808/03/Ttr-PLHG ngày 08/08/2017, Sở Xây dựng đã có Văn bản số 110/TB-SXD thông báo kết quả thẩm định hồ sơ Thiết kế bản vẽ thi công của dự án. Căn cứ Báo cáo thẩm định của Sở Xây dựng, dự án được chủ đầu tư tiến hành phê duyệt theo đúng quy định, đồng thời tiến hành phê duyệt hồ sơ Thiết kế kỹ thuật, Bản vẽ thi công làm cơ sở triển khai dự án.

Bước triển khai thực hiện: Dự án đã được UBND tỉnh Hà Giang, chủ đầu tư triển khai thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, trong đó tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành, ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Báo cáo đánh giá tác độ môi trường được duyệt với mật độ xây dựng khu vực Chùa Lũng Cú là 5,09%; mật độ xây dựng của toàn dự án là 1,3%, đảm bảo theo đúng ý kiến đóng góp của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong các văn bản nêu trên.

Quá trình thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được triển khai đúng quy định theo các trình tự thủ tục sau: Công ty Cổ phần Phúc Lộc Hà Giang là chủ đầu tư dự án đã thuê Công ty Cổ phần Tư vấn môi trường Việt Nam Xanh là đơn vị có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ngày 27/11/2017, Công ty Cổ phần Phúc Lộc Hà Giang đã có Văn bản số 171101/PLHG gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu du lịch sinh thái văn hoá tâm linh xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; Ngày 17/01/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Trong thành phần Hội đồng thẩm định có đại diện Cục Di sản Văn hoá thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ngày 08/02/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp chính thức và có Biên bản chính thức về Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, trong đó đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ngày 17/04/2018, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 1569/BVHTTDL gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị làm rõ một số nội dung của dự án; Ngày 24/04/2018, UBND tỉnh Hà Giang đã có Văn bản số 1327/UBND-KTN trả lời Văn bản số 1569/BVHTTDL ngày 17/04/2018 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ngày 11/06/2019, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 2532/ BVHTTDL gửi UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu một số nội dung:

Trong quá trình thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, tỉnh đã có báo cáo và hồ sơ giải trình cụ thể các nội dung của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu, tại Văn bản số 1327/UBND-KTN ngày 24/4/2018, trong đó chủ đầu tư chuyển kết cấu từ bê tông giả gỗ sang kết cấu gỗ để đảm bảo yêu cầu về mỹ thuật và sinh thái; về kiến trúc thực hiện theo đúng hoa văn thời Lê Sơ đảm bảo theo văn hoá truyền thống Bắc Bộ. Đồng thời, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo hoàn thành việc cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú vào tháng 11/2017 (05 cột mốc giới), hoàn thành Báo cáo đánh giá tác động môi trường và được phê duyệt tại Quyết định số 3342/QĐ-BTNMT ngày 02/11/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị nghiêm túc tiếp thu các nội dung trong quá trình thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư dự án.

Như vậy, UBND tỉnh Hà Giang đã tiếp thu các ý kiến của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong quá trình triển khai dự án đúng quy định. Theo quy định tại Điều 32, Luật Đầu tư, dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND tỉnh, trong quá trình triển khai tỉnh đã giao cho cơ quan chuyên môn thực hiện thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt theo đúng quy định và hiện nay dự án đang thực hiện theo đúng quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Đối chiếu hiện trạng dự án đã được triển khai, số liệu kiểm tra, rà soát hồ sơ, bản đồ các quy hoạch liên quan, dự án nằm ngoài khu vực vành đai II - Khu vực khoanh vùng bảo vệ Di tích lịch sử, Danh thắng Lũng Cú, phù hợp với: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1646/QĐ-UBND ngày 20/7/2014; đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm xã Lũng Cú đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4565/QĐ-UBND ngày 31/12/2015; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Đồng Văn 2015-2020; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn giai đoạn 2011-2030; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 310/2013/QĐ-TTg ngày 07/02/2013; Thời điểm dự án bắt đầu triển khai chưa có các Quy hoạch 438/QĐ-TTg và 2057/QĐ-TTg của Thủ tướng nhưng trong quá trình triển khai, dự án đã được thực hiện đảm bảo phù hợp với: Quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 07/4/2017; Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2057/QĐ-TTg ngày 21/12/2017.

Về thông tin dư luận cho rằng: Dự án sử dụng một phần đất vành đai cột cờ Lũng Cú: Qua báo cáo tại các nội dung nêu trên, dự án Chùa Lũng Cú không sử dụng đất thuộc vành đai cột cờ Lũng Cú, vị trí hiện trạng khu vực thực hiện dự án (5,8ha) nằm ngoài khu vực II - khu vực khoanh vùng bảo vệ Di tích lịch sử, Danh thắng Lũng Cú khoảng 150m. Mật độ xây dựng khu vực Chùa Lũng Cú là 5,09%; Mật độ xây dựng bình quân của toàn dự án là 1,3%; Chuyển kết cấu từ bê tông giả gỗ sang kết cấu gỗ để đảm bảo yêu cầu về mỹ thuật và sinh thái, thân thiện với môi trường. Sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ hoàn trả lại cảnh quan khu vực dự án đẹp hơn trước khi xây dựng, trong dự án có phương án trồng cây cảnh quan và thảm thực vật với những loài cây bản địa nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. Dự án tạo dựng lên một cảnh quan hài hoà với thiên nhiên vốn có, một khuôn viên ghi dấu đậm nét lịch sử, truyền thống, mang tính nghệ thuật và giáo dục cao, góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng Nông thôn mới, tạo thêm ngành nghề, công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, giảm dần tình trạng du canh du cư, di dân tự do, đồng thời thu hút nguồn nhân lực từ những nơi khác đến làm việc, sinh sống, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Dự án được xây dựng sẽ là điểm nhấn cho khu vực, góp phần tạo thêm “Cột mốc Văn Hoá” hiện hữu nơi địa đầu Tổ quốc. Khi dự án đưa vào sử dụng sẽ bổ sung thêm một hướng đi mới trong du lịch của địa phương, đồng thời làm thay đổi rõ rệt khu vực vùng biên giới. Mục tiêu Dự án để Hộ Quốc An Dân cũng là một cột mốc văn hoá Tâm linh thuần Việt.

Hải Đăng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load