Thứ sáu 03/01/2025 00:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Chính phủ sẽ kiểm soát được lạm phát của năm 2018

15:22 | 27/03/2018

9 tháng còn lại của năm 2018 sẽ có một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá, nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá khẳng định, Chính phủ sẽ đủ khả năng để điều hành chỉ số giá tiêu dùng tăng 4% theo đúng yêu cầu của Quốc hội.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng 27/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp quý I/2018 của Ban Chỉ đạo điều hành giá (BCĐ) đánh giá kết quả thực hiện công tác điều hành 3 tháng đầu năm, cập nhật phương hướng điều hành từ nay tới hết năm.

Dự kiến tháng 3 CPI giảm 0,28%

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3 không tăng như 2 tháng đầu năm, mà dự kiến giảm 0,28% so với tháng trước đó. Còn so với cùng kỳ năm 2017 thì CPI tháng 3 tăng 2,65%. Như vậy, tổng hợp số liệu 3 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017.

Bộ Tài chính chỉ ra nguyên nhân tăng CPI trong quý I/2017 là do nhu cầu gia tăng tiêu dùng trong dịp Tết và lễ hội đầu năm, giá cả các mặt hàng thiết yếu thế giới tăng trở lại như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép... gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước; điều chỉnh một số mặt hàng thiết yếu trong nước tại một số tỉnh (giá khám chữa bệnh không thẻ BHYT tăng 34,19% làm CPI tăng chung khoảng 1,32%, giá dịch vụ giáo dục tăng 7,38% làm CPI tăng 0,38%, giá điện sinh hoạt tăng 6,08%, mức lương tối thiểu vùng tăng 6,5% làm tăng giá một số loại dịch vụ từ 2-8% so với cùng kỳ năm trước).

Ở chiều ngược lại, trong 3 tháng đầu năm cũng có nhiều nguyên nhân kiềm chế tốc độ tăng CPI là giá thịt lợn, rau tươi, dịch vụ viễn thông, khí đốt giảm so với đầu năm trước. Các bộ, địa phương phối hợp chặt chẽ trong bảo đảm cân đối cung cầu các nguồn hàng; công tác điều hành tỉ giá trung tâm linh hoạt, giúp ổn định thị trường ngoại tệ; phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khoá và các chính sách vĩ mô khác để ổn định giá trị đồng tiền và lạm phát cơ bản. Bộ Công Thương sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng trong nước...

Tuy nhiên, Bộ Tài chính và nhiều ý kiến thành viên BCĐ cho biết, từ nay tới cuối năm cũng xuất hiện một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá. Đó là 8 địa phương sẽ điều chỉnh giá khám chữa bệnh đối với người không có thẻ BHYT (dự kiến tác động CPI khoảng 0,07%), dự kiến điều chỉnh chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, lương cơ sở cơ cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh (tác động 0,42%), điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục (tác động 0,3%), giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo luật, xu hướng biến động của giá xăng dầu, điều chỉnh tiền lương trong khối doanh nghiệp và khu vực công, rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi, giá các mặt hàng thiết yếu như vật liệu xây dựng (thép), thực phẩm có xu hướng tăng...

Từ tính toán trên, nhóm giúp việc của BCĐ xây dựng 3 kịch bản cho điều hành giá, dựa trên các kịch bản điều chỉnh giá các mặt hàng. Theo đó, dự báo CPI bình quân cả năm 2018 sẽ tăng ở mức từ 3,41-3,55% và 3,9%, dưới chỉ tiêu Quốc hội giao tăng lạm phát 4% cho năm 2018.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, lạm phát cơ bản hiện nay là 1,36%, vẫn thấp hơn quy định chung trong năm nay là từ 1,6-1,8%. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của lạm phát cơ bản, việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, tập trung tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp cân đối tiền-hàng, hỗ trợ cho tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Bà Nguyễn Thị Hồng và Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng lưu ý việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lớn năm nay dự kiến sẽ tương đối nhiều, nên Chính phủ cần điều tiết việc hút vốn nước ngoài để cung ứng tiền đồng ra thị trường phù hợp, không gây áp lực lên lãi suất và tỉ giá.


Ảnh: VGP/Thành Chung

Mở rộng danh mục đấu thầu thuốc, xem xét điều chỉnh bước 3 giá dịch vụ y tế

Tổng kết cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao Bộ Công Thương đã điều hành tốt giá xăng dầu thông qua Quỹ bình ổn xăng dầu, góp phần hạn chế tăng giá các dịch vụ liên quan trong 3 tháng đầu năm.

Về điều hành giá trong 9 tháng cuối năm, Trưởng BCĐ yêu cầu các bộ, ngành bám sát kịch bản tăng CPI năm 2018 ở mức 3,55% để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. “Với kinh nghiệm trong quản lý, phối hợp điều hành của các bộ, ngành đối với giá cả các mặt hàng, Chính phủ tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra”, Phó Thủ tướng nói.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành lạm phát cơ bản linh hoạt, kiểm soát tín dụng về cơ cấu và chất lượng, cung tiền, tiếp tục biện pháp trung hoà ngoại hối thu được từ nước ngoài, cổ phần hoá bán vốn Nhà nước.

Bộ NN&PTNT bám sát nhu cầu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là thịt lợn, muối, đường... để tổ chức sản xuất phù hợp, ổn định thị trường, đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng giá dịch vụ thuỷ lợi ngoài công ích (theo quy định của Luật Thuỷ lợi có hiệu lực từ 1/7/2018).

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu, ổn định thị trường xăng dầu trong nước, công bố giá cơ sở của xăng A95 trong tháng 4, xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 để khuyến khích tiêu dùng; điều hành ổn định giá điện trong năm 2018 và tăng cường truyền thông trong sử dụng và tiết kiệm điện, tránh tạo ra “lạm phát kỳ vọng”.

Bộ Y tế tính toán kỹ việc điều chỉnh bước 3 giá dịch vụ y tế, tránh việc tăng đột biến giá dịch vụ y tế, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong tháng 4, Bộ Y tế trình Chính phủ Nghị định 105/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật BHYT và trong tháng 5 sửa xong Thông tư 37 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Nghiên cứu ban hành các thông tư liên quan tới đấu thầu thuốc và quản lý vật tư y tế, xem xét đấu thầu thuốc có biệt dược gốc hoặc có generic thay thế, tiến tới đấu thầu vật tư y tế trong các bệnh viện, kể cả bệnh viện trong khối lực lượng vũ trang.

Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH phối hợp với địa phương đánh giá thực trạng mức thu học phí hiện nay, xác định tỉ lệ đã thực hiện so với khung, mức trần quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; nghiên cứu quy chế điều hành, chủ động phối hợp với các địa phương trong việc nắm bắt thông tin đăng ký lộ trình tăng giá, phân bổ và kiểm soát mức độ, thời điểm tăng học phí.

Bộ GTVT tiếp tục rà soát các dự án, hoàn tất đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng để điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian hoàn vốn. Nghiên cứu xây dựng nguyên tắc xác định mức giá cho các đối tượng phù hợp với chất lượng và mức độ sử dụng dịch vụ mà chủ phương tiện sử thực tế sử dụng để sớm sửa đổi Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý cho phù hợp.

Bộ GTVT sớm triển khai xây dựng Thông tư thay thế Quyết định số 3863/QĐ-BGTVT ngày 1/12/2016 về biểu khung giá dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam và Quyết định số 3946/QĐ-BGTVT ngày 9/12/2016 về biểu khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam cho phù họp với thực tế thị trường.

Theo Thành Chung/Baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load