Thứ sáu 26/04/2024 12:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chim cu gáy gọi chiều

19:54 | 23/10/2020

(Xây dựng) - Tiết thu êm ả những sớm mai tầng không trong vắt. Chớm hanh hao nắng phía trời đông bảng lảng mây lọc qua rặng tre xanh mướt đầu làng. Tiếng chim cu gù hối hả như trong tầm tay lại như rất xa vời. Cữ gáy đầu hôm như là tiếng chuông báo hiệu gọi bạn. Nhiều giọng gáy thiết tha bồi hồi đáp lại từ những làng mạc xung quanh. Với làng quê Bắc bộ thì tiếng chim cu gáy dường như cũng là một đơn vị phân chia lãnh thổ. Những ngôi làng cổ có lũy tre dày bao bọc và những cổng làng uy nghi bề thế dù nằm không quá xa nhau nhưng phân biệt địa giới rất rõ ràng. Tiếng chim cu gáy như một cầu nối vô hình sẻ chia thương nhớ.

chim cu gay goi chieu
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Người Hà Nội vài mươi năm trước chỉ cần quá bộ qua bên kia cầu Long Biên vài ba cây số là đã có thể bắt gặp những ngôi làng cổ kính nằm dọc theo hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống. Những cánh đồng màu ngoài bãi xanh mướt ngô non. Cây lạc, cây đậu, cây vừng trồng xen vào những khoảnh ruộng nhỏ. Cây kê và cỏ hạt cũng chen chân hoang dã không cần gieo trồng. Bên trong đê là những ruộng lúa liền bờ mơn mởn hai vụ chiêm mùa. Thức ăn tự nhiên của chim gáy chỉ có ngần ấy thôi. Loài chim ăn trường chay suốt cuộc đời luôn có đủ lương thực cho cả bốn mùa. Như một lẽ tự nhiên, làng quê suốt bốn mùa được nghe tiếng gáy thân thương của loài chim gần gũi nhất với con người. Loài chim có sức lực bay xa này còn một nơi cư trú khác trên những tàng cây cổ thụ trong thành phố. Những hàng cây gạo ven đê chỗ nhà Bác Cổ. Vườn cây cổ thụ trong khu vực Bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện 108. Những cây đa cây sưa khổng lồ trên phía vườn Bách Thảo. Vài mươi năm trước thành phố vẫn vang tiếng chim cu gáy nhắc nhở những thời khắc mùa vụ làng quê.

Buổi trưa là lúc giọng cu gáy sung sức nhất. Con trống gù vang. Con mái mềm mại dịu dàng đáp lời. Có lẽ đây cũng là loài chim duy nhất cả con trống và con mái đều cất giọng tình tự. Hình như đó là thói quen nguyên thủy đồng hành với trò chơi hát xướng dân gian của cư dân đồng bằng Bắc bộ. Hát Quan họ, hát Xoan, hát Ghẹo, hát Cửa đình, hát Phường vải… Có khác chăng chỉ là cu gáy suốt đời không đổi giọng và âm. Giọng trơn, giọng một, giọng hai, giọng ba. Âm thổ, âm đồng, âm son, âm kim. Ngày mùa, chim cu gáy no nê kéo về thành phố từ lúc quá trưa sang chiều. Cất tiếng gáy râm ran trong những vòm cây rậm rạp. Thành phố yên tĩnh có thể nghe được tiếng chim gù từ những vùng ô cửa vọng vào mà hình dung ra kích thước phố phường. Người sành chơi nghe tiếng con chim cu hoang dã ở nơi nào đó trong thành phố gáy vài lần là có thể nằm lòng. Nó có thể bỏ đi, nhiều năm sau quay lại vẫn có thể nhận ra đúng giọng con chim cũ.

Thành phố bây giờ đã hoàn toàn vắng tiếng chim cu hoang dã. Dù cho những tàng cây cổ thụ trong phố vẫn còn nguyên. Những người cho chim sành sỏi vẫn ngày một nhiều lên. Quanh bán kính mười lăm cây số thành phố bây giờ không còn ai trồng trọt nữa. Khoảng cách đã trở nên quá sức với loài chim hàng ngày phải ra đồng ruộng kiếm ăn. Tiếng chim cu gọi chiều chỉ còn thảng hoặc trong những chiếc lồng bụi bặm ai đó treo trên gác cao. Tiếng cu gáy trầm bổng xao lòng bị giam hãm trong những khoảng không gian bức bối gạch đá, bê tông, sắt thép và kính. Bị giam hãm trong cái ồn ào bất tận người và xe suốt đêm ngày.

Chiều quê nhung nhớ vời vợi xa…

Đỗ Phấn

Theo

Cùng chuyên mục
  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

  • Khai hội đền Đô: Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

    (Xây dựng) - Sáng 23/4, tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng diễn ra Lễ khai hội đền Đô 2024 và hướng tới kỷ niệm 1014 năm Vua Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load