(Xây dựng) - “Hiện tượng nhận “chung chi” khi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn rất phổ biến” là khẳng định của chuyên gia phân tích chính sách công của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam. Đó là một trong những lý do khiến Chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh chỉ xếp thứ 34/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Chỉ số PAPI của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạt 41,99/80 điểm, xếp vào nhóm 3 (Nhóm đạt điểm trung bình - thấp) xếp thứ 34/63 tỉnh, thành trong cả nước (ảnh minh hoạ). |
Mới đây, tại Hội nghị về giải pháp để nâng cao các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính của tỉnh năm 2023 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các chuyên gia đã phân tích, đánh giá khách quan về bức tranh cải cách hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, qua khảo sát từ tổ chức, người dân và doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí cụ thể; từ đó chỉ ra những ưu, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế và đưa ra giải pháp, khuyến nghị cho địa phương.
Theo các báo cáo trình bày tại hội nghị cho thấy, năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 70,26 điểm xếp hạng 4/63 tỉnh, thành và xếp thứ nhất trong khu vực Đông Nam Bộ, tăng 5 bậc so với năm 2021.
Kết quả cải thiện, nâng cao chất lượng các chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 87,47 điểm, xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2021, dẫn đầu trong nhóm các tỉnh vùng Đông Nam Bộ); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2021.
Để có những kết quả trên, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, triển khai các mô hình ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ năm không chờ”, “Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn”. Trong đó, mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, các cơ quan, đơn vị sẽ chọn ra những thủ tục hành chính đơn giản để tập trung giải quyết xong trong ngày, sớm hơn quy định pháp luật, nhờ đó giúp người dân và doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần làm thủ tục.
Tuy nhiên Chỉ số PAPI của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạt 41,99/80 điểm, xếp vào nhóm 3 (Nhóm đạt điểm trung bình - thấp) xếp thứ 34/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Bà Đỗ Thanh Huyền – chuyên gia phân tích chính sách công của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Mức độ hài lòng của người dân trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về thủ tục hành chính công liên quan đến cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất thấp; việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân còn hạn chế, tỷ lệ dưới 20%. Nguyên nhân là do nhiều địa phương chưa công khai quy hoạch sử dụng đất trên cổng thông tin điện tử (thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa, huyện Xuyên Mộc); chưa công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022 (huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ). Hiện tượng nhận “chung chi” khi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn rất phổ biến. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu mức độ “chịu đựng” của người dân tới gần 35 triệu đồng mới tố giác, trong khi quy định pháp luật 2 triệu đồng đã đủ mức truy cứu trách nhiệm. Hầu hết, người dân được khảo sát cho rằng chưa được tham gia giám sát việc thực hiện các dự án, công trình công cộng. Việc doanh nghiệp phản ánh phải đón tiếp nhiều Đoàn thanh tra xây dựng và an toàn cháy nổ cũng được chuyên gia nêu tại hội nghị.
Sau khi nghe phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương rà soát lại các nội dung còn tồn tại, hạn chế, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân, có kế hoạch, giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính trong năm 2023; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, nhằm giảm thời gian, chi phí cho người dân; đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó chú trọng bồi dưỡng đạo đức văn hóa, kỹ năng ứng xử công vụ, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, kiên quyết không để xảy ra nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính; rà soát lại hồ sơ thanh tra, kiểm tra thuế, không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm trùng lặp nội dung.
Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết thêm: Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới thành lập “tổ công tác đặc biệt” giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trên nguyên tắc giải quyết vấn đề tới cùng, hy vọng sẽ góp phần cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Mai Thanh
Theo