Chuyển đổi số đô thị, xây dựng thành phố thông minh trở thành một điều tất yếu. Biến mỗi một người dân thành một cảm biến môi trường thông minh và sau chỉ hơn 3 tháng, đường phố Huế sạch như chưa bao giờ được như thế.
Con người là trung tâm
Các quốc gia đang trải qua quá trình chuyển đổi sâu sắc để trở thành "nền kinh tế số" và "xã hội số" với sự thúc đẩy bởi những tiến bộ của công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển doanh nghiệp và cải thiện cuộc sống của người dân.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, năm 2020, khi tất cả các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức từ đại dịch Covid-19 thì tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các hãng viễn thông đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc phòng chống dịch bệnh cũng như giúp người dân cuộc sống bình thường trong cả giai đoạn giãn cách xã hội lẫn giai đoạn "bình thường mới".
"Có thể nói, sau rất nhiều năm chúng ta nỗ lực triển khai công nghệ số, học trực tuyến, họp trực tuyến gặp vô vàn khó khăn. Song, chỉ trong vòng 2 tháng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, toàn bộ học sinh, sinh viên trên toàn quốc đều triển khai học trực tuyến. Điều này thể hiện sự phát triển rất rõ rệt của hoạt động viễn thông, cũng như việc ứng dụng nền tảng số ở Việt Nam", Thứ trưởng Duy nhận định.
Tiết kiệm 30 tỷ/năm từ chính quyền số |
Thứ trưởng khẳng định, không chỉ riêng các đô thị mà ngay cả ở những vùng nông thôn cũng đã phát triển rất nhanh công nghệ số. "Mặc dù còn rất nhiều vùng khó khăn, nhưng chúng ta đã có thể phủ sóng 4G trên toàn quốc, có thể nhìn thấy hình ảnh các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa học trực tuyến mà không bị gián đoạn".
Chuyển đổi số đô thị hay xây dựng Thành phố thông minh chính là hiện tượng tương tự diễn ra ở cấp độ địa phương. Quảng Ninh, địa phương đi đầu trên cả nước về chính quyền điện tử đã ứng dụng giải pháp Chính quyền số FPT.eGov 4.0, triển khai nền tảng hạ tầng và điều hành thành công nền tảng cơ sở dữ liệu cho Chính quyền điện tử; tạo môi trường làm việc liên thông cho các cơ quan hành chính; xây dựng Trung tâm dịch vụ Hành chính công hiện đại. Nền tảng này đã giúp giảm 40% thời gian đi lại của người dân, doanh nghiệp cũng như tiết kiệm 30 tỷ chi phí/năm cho ngân sách của tỉnh.
Tương tự, hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP.HCM (HCM LGSP) được đánh giá là một trong những cấu phần nền tảng của Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố, được xây dựng với tầm nhìn sẵn sàng 100% các nhu cầu nền tảng phục vụ Thành phố thông minh.
Tính đến nay, đã có 22 đơn vị kết nối vào hệ thống, với gần 200.000 hồ sơ liên thông, tích hợp được 6.260GB dữ liệu của thành phố. Gần 12 triệu người dùng được xác thực và định danh. Đặc biệt, cơ quan quản lý chỉ cần một nhân viên giám sát nền tảng và hơn một giờ để xuất báo cáo thay vì hai người làm toàn thời gian trong 4 ngày để xử lý mỗi GB dữ liệu.
Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt hiện nay, dự báo đến 2050 sẽ có hơn 70% dân số trên toàn thế giới sống trong các đô thị. Xu hướng chuyển đổi số đô thị, xây dựng Thành phố thông minh trở thành một điều tất yếu.
Không có cái áo nào vừa cho mọi thành phố
Bàn về giải pháp phát triển đô thị thông minh, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các thành phố đang đứng trước nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng các vấn đề này cũng khác nhau ở các thành phố khác nhau.
Bộ trưởng dẫn chứng, Huế là một thành phố du lịch, họ muốn đường phố xanh, sạch đẹp nên chọn vấn đề này để giải quyết trước. Họ có một sáng tạo rất độc đáo. Họ có một ứng dụng gọi là "phản ánh thị trường", để người dân chụp ảnh những vấn đề còn tồn tại trên đường phố báo chính quyền, chính quyền sẽ xử lý nhanh, biến mỗi một người dân thành một cảm biến môi trường thông minh. Sau chỉ hơn 3 tháng, đường phố Huế sạch như chưa bao giờ như thế.
Các chuyên gia tại diễn đàn Đô thị thông minh |
Hay như Bắc Ninh, nhiều khu công nghiệp, có rất nhiều công nhân đến từ nhiều thành phố khác nhau, và họ có nhiều vấn đề về an ninh trật tự. Thế nên thành phố đã triển khai một hệ thống camera an ninh. Sau khi triển khai, tình hình an ninh trật tự tốt hơn hẳn. Mới đây thành phố có một cậu bé bị bắt cóc, nhờ có hệ thống an ninh này mà trong vòng 24 tiếng, cậu bé đã an toàn trở về với gia đình.
Rất có thể, TP.HCM lại là vấn đề khác, về giao thông, tắc nghẽn và ngập lụt. Thành phố đã có dự án dùng công nghệ số để giải quyết những vấn đề này.
Đưa ra quan điểm tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT khẳng định, thành phố thông minh là cách lựa chọn duy nhất thông minh để phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Doanh nghiệp sẽ có môi trường thuận lợi để chuyển đổi số, từ đó phát triển bền vững; nhà nước có phương thức quản lý hiệu quả; người dân có môi trường sống và làm việc tốt nhất.
Song hành cùng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, xây dựng đô thị thông minh phải lấy lợi ích của người dân và phát triển bền vững làm trung tâm. Không có ai đứng ngoài trong cuộc đua này. Với lợi ích tổng thể, toàn diện như vậy, Thành phố thông minh là cơ hội cho tất cả mọi lực lượng trong xã hội!
Từ quan điểm của các nhà lãnh đạo FPT, xây dựng và triển khai các chương trình Chuyển đổi số đô thị và Thành phố thông minh không thể bắt đầu từ quy hoạch đô thị, mà phải từ chiến lược phát triển kinh tế xã hội, bao gồm 4 khía cạnh chính: hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách, và quan trọng nhất là phát triển nền tảng công nghệ.
Trong đó, một nền tảng công nghệ số với cốt lõi là cấu trúc dữ liệu mở, liên thông và xử lý theo thời gian thực sẽ đóng vai trò là trung tâm điều hành và là công cụ phân tích cho chiến lược Chuyển đổi số đô thị và xây dựng Thành phố thông minh bền vững.
Cùng với chính phủ và các bộ ban ngành, các doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng, công ty khởi nghiệp và người dân có thể cùng hợp tác bằng cách đóng góp dữ liệu, áp dụng và đổi mới các giải pháp Thành phố thông minh để tạo ra nhiều dịch vụ, giá trị gia tăng mới cho cộng đồng.
Theo Duy Anh/Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/tiet-kiem-30-ty-nam-tu-chinh-quyen-so-683194.html