Theo thống kê của cơ quan chức năng, 8 tháng đầu năm nay trên địa bàn TP.HCM đã có 430 cây ngã đổ, tét nhánh làm 5 trường hợp bị thương, hỏng 35 xe gắn máy, 9 ôtô và tốc nóc nhiều căn nhà. Chỉ tính riêng từ ngày 3 đến 7/8 do ảnh hưởng của mưa bão đã có 75 cây đổ, 57 vụ gãy nhánh làm hỏng 5 xe ôtô, 37 xe gắn máy, hư 3 mái nhà.
Chỉ qua một trận mưa và gió lớn, nhiều cây cổ thụ đã bị bật gốc.
Việc cây gãy, tét nhánh đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân, cùng nỗi lo nơm nớp của những hộ gia đình “sống chung” với cây đại thụ. Các đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn TP khuyến cáo, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, người dân không nên ra ngoài khi trời mưa bão hoặc xảy ra giông gió lớn. Dự kiến sắp tới các cơ quan quản lý sẽ công bố danh sách các tuyến đường nhiều cây xanh có nguy cơ đổ ngã để người lưu thông đề phòng.
Theo ông Trần Thiện Hà - Giám đốc Cty Công viên cây xanh, TP.HCM có nhiều con đường bị bê tông hoá và nhựa hoá làm rễ không phát triển được nên cây dễ bị đổ. Đây chỉ là một trong những nguyên nhân, vì khảo sát các gốc cây bị đổ cho thấy, dưới các gốc cây là đường ống cấp thoát nước, vì vậy khi mưa nhiều đất mềm, gặp cơn gió nhẹ là có thể bật gốc. Cây đổ gây thiệt hại thì Cty Công viên cây xanh phải đền bù. 6 tháng đầu năm 2007, tổng số kinh phí đã trích từ quỹ của Cty để hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn do cây xanh chỉ khoảng 20 triệu đồng. 8 tháng đầu năm nay lượng cây đổ, tét nhánh gây hư hại lớn như vậy, tiền bồi thường chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều. Theo ông Hà, Cty tự trích kinh phí riêng của mình cho công tác bồi thường tai nạn đổ cây do mưa giông gây ra. Chính vì vậy nên mức chi trả cũng phụ thuộc điều kiện của Cty và rất hạn chế. Cty buộc phải căn cứ vào từng tình huống cụ thể để có mức hỗ trợ phù hợp, mặc dù người bị nạn lúc nào cũng đòi hỏi được hỗ trợ đền bù ở mức cao nhất.
Làm sao cây đẹp mà không nguy hiểm ?
Biết rằng, cây xanh tạo nên cảnh quan môi trường đô thị và điều tiết không khí nhưng phải làm sao để cho cây không hại đến con người. Việc đó, phụ thuộc vào các cơ quan chức năng và cả người dân. Lý giải một phần cho nguyên nhân cây đổ, kỹ sư lâm nghiệp Trần Thuận - Chủ nhiệm CLB Sinh vật cảnh TP.HCM cho biết: “Hiện nay tại các vườn ươm, những cây con được ươm trong thời gian 4 - 5 năm, sau đó cây con được đưa vô bầu. Rễ cọc (rễ cái) bị cắt chỉ còn lại rễ chùm (rễ con). Nguyên nhân rễ cái sẽ ăn sâu phá vỡ các công trình ngầm, nhưng với rễ con còn lại khi xuống đất gặp mực nước ngầm (thuỷ cách) cao làm thối rễ khiến cho rễ không xuống sâu hơn để giữ vững thân cây. Những cây này muốn tránh đổ ngã phải thường xuyên cắt tỉa”.
Một điều đáng lo ngại những cây to, lâu năm thường tập trung tại các tuyến đường đông dân cư và lưu lượng giao thông cao. Vì vậy, kỹ sư Trần Thuận đưa ra ý kiến: “Những cây cổ thụ trồng từ thời Pháp bộ lá ít, mà rễ tỷ lệ thuận với lá nên rễ cũng ít đi, cây rất dễ bị đổ. Muốn khắc phục cần phải hạ độ cao, tỉa nhánh để cây kích thích ra lá. Có nghĩa là có thêm rễ sẽ hạn chế bị đổ ngã”. Tuy vậy, cũng cần phải hạn chế tuổi của cây, việc chăm sóc, đánh giá “sức khoẻ” cây cần được thực hiện theo định kỳ và bằng những máy móc hiện đại chứ không thể bằng mắt thường và bằng kinh nghiệm. Việc theo dõi cần phải thường xuyên, kịp thời hơn, thông qua việc kết hợp giữa cơ quan chức năng và người dân.
Hiện Cty Công viên cây xanh đang chăm sóc, duy tu bảo dưỡng khoảng 60 nghìn cây xanh. Ngay từ tháng 3, Cty đã bắt đầu kiểm tra tình trạng cây xanh trên toàn TP, đặc biệt là những khu vực thường xuyên có cây ngã đổ, cắt thấp 110 cây, lấy nhánh khô 642 cây, đốn hạ 1.035 cây chết, cây sâu bệnh, cây tạp. Trong mùa mưa, những khu vực cây xanh thường ngã đổ là: bến Bạch Đằng, bến Bình Đông, sân Phú Thọ, đường Trần Văn Kiểu, Trần Xuân Soạn… do ở khu vực các bến sông, bến cảng, khu vực ven sông, rạch, ngã tư, ngã 5, vòng xoay cường độ gió rất mạnh.
Thanh Mai (BXD số 69/2008)
Theo baoxaydung.com.vn