(Xây dựng) - Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng nghìn công trình xây dựng sử dụng cẩu tháp để vận chuyển vật liệu xây dựng thi công. Trong số đó có nhiều công trình xây dựng nằm trong khu dân cư, sát với tuyến giao thông có mật độ phương tiện qua lại đông đúc. Đây là một mối nguy hiểm luôn rình rập, treo lơ lửng trên đầu người dân.
Những chiếc cẩu tháp thi công vươn hẳn ra ngoài đoạn đường đông đúc ô tô, xe máy qua lại (Ảnh: Anh Quỳnh). |
Theo quy định của thành phố Hà Nội, trường hợp cẩu tháp hoạt động quá phạm vi công trình chỉ được phép vận hành từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau và phải đảm bảo đủ hệ thống cảnh báo, người hướng dẫn. Quy định là vậy, nhưng nhiều đơn vị thi công vẫn cho cẩu tháp hoạt động bất chấp thời gian quy định. Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng nhận được phản ánh của người dân về hiện tượng cẩu tháp của Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được triển khai xây dựng, hoạt động trong giờ cao điểm, khiến nhiều người lo ngại.
Theo phản ánh, tại công trình xây dựng Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, các cẩu tháp của dự án này thường xuyên quay ngang ra khu vực cầu Vĩnh Tuy, nơi có rất nhiều xe cộ qua lại, gây mất an toàn cho người đi đường.
Cẩu tháp “lơ lửng” suốt cả khung giờ cao điểm buổi chiều ngày 14/2/2023. |
Có mặt tại dự án ngay khi nhận được phản ánh của người dân, phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận được hình ảnh cẩu tháp của Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang “lơ lửng” trên tuyến đường đông đúc người qua lại vào khoảng 15 giờ ngày 14/2/2023. Cẩu tháp giữ nguyên vị trí như vậy trong suốt một thời gian dài, khiến nhiều người dân đi qua khu vực cầu Vĩnh Tuy được một phen “nơm nớp” lo sợ khi đi ngang qua đây.
Theo anh Q - người dân sinh sống tại quận Long Biên, hàng ngày đều đi làm qua cầu Vĩnh Tuy cho biết: Những cẩu tháp tại Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thường xuyên quay ngang như vậy khiến tôi hết sức lo ngại. Đây là hành động nguy hiểm, xem nhẹ tính mạng của người dân. Trong trường hợp này, nếu không may cẩu tháp gặp sự cố khi đường phố đông người qua lại, hậu quả sẽ không thể đong đếm được.
Theo thống kê, năm nào trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra tai nạn từ cẩu tháp, cần vận thăng cũng như các thiết bị hoạt động ở trên cao. Để giảm nguy cơ gây tai nạn, nhất là vào mùa mưa bão, thời gian qua Sở Xây dựng Hà Nội cùng nhiều ban ngành, quận, huyện thường xuyên kiểm tra, xử lý các công trình có hoạt động của cẩu tháp. Tuy vậy, những tai nạn từ thiết bị này vẫn thường xuyên xảy ra trên địa bàn Hà Nội mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ ý thức của đơn vị thi công.
Đặc biệt, để đảm bảo hoạt động của cẩu tháp, UBND Thành phố Hà Nội có Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, UBND thành phố phân rõ trách nhiệm cho các đơn vị liên quan Sở Lao động Thương binh-Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân các quận huyện, nhà thầu thi công... có trách nhiệm trong an toàn của cẩu tháp.
Người dân không khỏi băn khoăn về trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị thi công Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khi vi phạm quy định an toàn trong thi công, vận hành cẩu tháp, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và công trình lân cận. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xác minh, qua đó, kịp thời xử lý các sai phạm (nếu có), trả lại sự an toàn cho người dân khi đi qua khu vực này.
Được biết, Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5 km, mặt cắt ngang 19,3 m; điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và phố Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh. Đến nay, đã giải ngân được 62,5% kế hoạch vốn, dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông. Dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào tháng 9/2023.
Khánh An
Theo