(Xây dựng) - Trên mặt cầu xuất hiện các “ổ gà”, một số đoạn lan can trật ra khỏi thành cầu. Thậm chí, trên mặt cầu còn có những lỗ thủng, người qua cầu có thể nhìn xuyên xuống mặt nước sông Hồng. Các tấm thép khổ lớn đã được sử dụng để “vá” các lỗ thủng này nhưng lại nhô cao hơn mặt đường, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Dù đã trải qua nhiều lần chỉnh trang, nhưng do không được sửa chữa triệt để, nên tình trạng hư hỏng mặt cầu Long Biên vẫn tiếp tục diễn ra, tiềm ẩn nguy hiểm với người và phương tiện tham gia giao thông.
Tấm bê tông nhựa mặt cầu nứt toác và rung lên “bần bật” mỗi khi phương tiện giao thông di chuyển qua.
Trên cầu, các hộp cầu dao điện không được bảo vệ, cửa hộp bị mở tung, vỏ hoen gỉ, thủng lỗ chỗ, không có khóa, với hệ thống dây điện chằng chịt, không đảm bảo an toàn, không chuyên nghiệp…
Lan can gỉ sét, nhiều đoạn bị mất hẳn rất nguy hiểm.
Tại nhiều vị trí trên làn đường đi bộ xuất hiện tình trạng "hở hàm ếch”.
Phần chân của nhiều lan can theo thời gian bào mòn đã đứt rời khỏi kết cấu ban đầu.
Dù nghiêm cấm bán hàng, họp chợ trên cầu, nhưng các hàng rong vẫn luôn có mặt. Vào các buổi tối, cầu Long Biên là nơi tụ tập trà chanh giải khát của các bạn trẻ.
Các phương tiện luôn phải đánh lái, phanh gấp trước những điểm gồ ghề.
Tính đến nay, cầu Long Biên đã được đưa vào sử dụng được 119 năm. Do lưu lượng giao thông ngày một tăng, cộng với việc không được tu sửa thường xuyên cho nên mặt cầu Long Biên xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn cho người đi đường.
Trần Hoàng Diệu Linh
Theo