Chủ nhật 03/11/2024 05:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam - 20 năm đồng hành cùng ngành Công nghệ thông tin

15:52 | 26/12/2023

(Xây dựng) - Ngày 26/12/2023, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức kỷ niệm 20 năm ra đời và phát triển. Tham dự có Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.

Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam - 20 năm đồng hành cùng ngành Công nghệ thông tin
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tặng hoa chúc mừng CLB nhà báo CNTT.

ICT Press Club được thành lập ngày 26/12/2003, theo quyết định của Hội Nhà báo Việt Nam. Trong suốt thời gian 20 năm ra đời và phát triển ICT Press Club đã tạo ra những diễn đàn, phản biện, đóng góp để góp phần xây dựng, phát triển ngành CNTT - viễn thông Việt Nam.

ICT Press Club đã trở thành chiếc cầu nối quan trọng giữa cơ quan chức năng với những nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) và các khách hàng. Các nhà báo trong ICT Press Club đã bền bỉ đồng hành, theo sát, cổ vũ, cũng như có nhiều tác phẩm báo chí, trao đổi, phản biện, tạo ra các diễn đàn, bàn tròn quanh các vấn đề, sự kiện… song hành cùng sự phát triển của ngành Công nghệ thông tin - viễn thông Việt Nam.

Hiện nay, câu lạc bộ có gần 50 thành viên, thuộc 43 cơ quan báo chí. Các thành viên của câu lạc bộ đều là các phóng viên, biên tập viên chủ chốt, theo dõi các hoạt động CNTT-VT tại Việt Nam trong nhiều năm.

Ông Nguyễn Việt Phú - Chủ nhiệm Vietnam ICT Press Club cho biết: “Trong suốt thời gian 20 năm qua, CLB Vietnam ICT Press Club đã đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân trong tuyên truyền, phổ biến, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; phản ánh hoạt động, giải pháp cho các doanh nghiệp trong ngành… thông qua các hội thảo, tọa đàm và các hoạt động sôi nổi, đa dạng khác”.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ những kỷ niệm với Vietnam ICT Press Club khi bắt đầu triển khai công nghệ trong lĩnh vực báo chí. Trong hành trình bền bỉ 20 năm với những đóng góp của Vietnam ICT Press Club đã đem lại hiệu quả thực sự cho lĩnh vực CNTT với cuộc sống và hoạt động báo chí.

Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam - 20 năm đồng hành cùng ngành Công nghệ thông tin
CLB nhà báo CNTT nhận bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam.

Việc bảo vệ bản quyền báo chí sẽ được Hội Nhà báo Việt Nam tích cực triển khai, hiện Hội Nhà báo đang phối hợp với Google để triển khai việc bảo vệ bản quyền trong báo chí. Các nhà báo ICT không chỉ thuần túy đưa thông tin mà sẽ đóng góp, gợi mở cùng Hội Nhà báo Việt Nam gắn kết hỗ trợ nhau phát triển về nội dung và công nghệ. Việc xếp hạng 10 cơ quan báo chí chuyển đổi số vừa qua là một khẳng định của Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện nay, ICT không chỉ là tư liệu cho báo chí tác nghiệp mà đã trở thành là một yếu tố quan trọng hỗ trợ báo chí phát triển. Việc sử dụng công nghệ để nắm bắt người dùng, hiểu nhu cầu người dùng, đồng thời đẩy các nội dung đến với người dùng thì vai trò của công nghệ càng ngày càng quan trọng. Nếu không có công nghệ đi cùng với nội dung, cộng thêm có phong cách riêng thì báo chí hiện đại sẽ hết sức khó khăn. Cơ hội cho báo chí có nhiều nhưng khó khăn còn nhiều hơn. Trong bể thông tin hàng triệu kênh thông tin hiện nay, nếu không quyết liệt thì các kênh thông tin báo chí chính thống sẽ rất dễ bị lu mờ bởi những kênh thông tin không chính thống và như thế sức mạnh truyền thông của chúng ta sẽ bị mất đi đáng kể.

Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam - 20 năm đồng hành cùng ngành Công nghệ thông tin
Vinh danh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động của CLB nhà báo CNTT Việt Nam.

Trong cuộc làm việc gần đây với Google, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn về việc Google phải giúp báo chí Việt Nam làm được ba việc: Đầu tiên, Google phải bảo đảm được vấn đề bản quyền báo chí. Google có công cụ, có nền tảng nên phải là nơi hỗ trợ báo chí bảo vệ bản quyền. Những đối tượng lấy trộm, xào nấu nội dung cần phải được dán nhãn để giúp báo chí bảo vệ bản quyền.

Thứ 2 là Google phải giúp báo chí bảo vệ nguồn thu. Việc Google trả cho báo chí Canada 100 triệu đô la Canada (CAD) là cú huých, động lực để các cơ quan báo chí thấy và nhận thức rõ quyền lợi được hưởng một phần từ nguồn thu của Google. Báo chí Việt Nam cũng sẽ phải đoàn kết với nhau để cùng có tiếng nói về vấn đề này.

Thứ 3 là Google phải giúp báo chí về đào tạo. Vừa qua, Google đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trương trình đào tạo rất quy mô, kéo dài trong 5 tháng và mang lại nhiều hiệu quả.

Riêng về góc độ các nhà báo ICT, theo đồng chí Lê Quốc Minh, chúng ta sẽ không chỉ thuần tuý là người đưa tin về ICT nữa mà với những kinh nghiệm, hiểu biết cần nhìn vào bức tranh lớn hơn của công nghệ với đất nước để đưa ra những ý kiến gợi mở, đề xuất cho các đơn vị quản lý liên quan cũng như Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông Lê Quốc Minh cũng cho biết: Trong nhiệm kỳ này, Hội Nhà báo Việt Nam đang hoạt động rất đoàn kết và mang lại nhiều hiệu quả. Các đơn vị từ cơ quan báo chí lớn của Trung ương đến các tờ báo địa phương đều có sự trao đổi qua lại, hỗ trợ nhau cùng phát triển về nội dung lẫn công nghệ, giúp dần thu hẹp khoảng cách giữa các đơn vị báo chí. Hy vọng là báo chí Việt Nam tiếp tục phát huy được sự đoàn kết này, tương trợ lẫn nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn của báo chí trong thời gian tới, phát huy lợi thế, giúp nền báo chí nước nhà phát triển. Nếu báo chí chính thống mất vị thế, giảm tiếng nói sẽ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như đưa thông tin hữu ích đến cho người dùng.

Lê Mỹ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load