Thứ tư 13/11/2024 16:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Câu chuyện về sản xuất xi măng P600 xây dựng Lăng Bác

20:35 | 30/12/2019

(Xây dựng) - Tấm lòng với Bác kính yêu cộng với quyết tâm không gì là không thể làm được, ban lãnh đạo Nhà máy Xi măng Hải Phòng hứa trước Phó Thủ tướng Đỗ Mười quyết tâm làm được xi măng P600 để xây dựng Lăng Bác.

cau chuyen ve san xuat xi mang p600 xay dung lang bac
Hình ảnh công trường xây dựng Lăng Bác.

Nhà máy Xi măng Hải Phòng là nhà máy xi măng duy nhất cả nước được đón Bác Hồ muôn vàn kính yêu về thăm vào ngày 30/5/1957. Thật tự hào, sau khi Bác về cõi vĩnh hằng, vào năm 1973, Xi măng Hải Phòng được giao trọng trách sản xuất xi măng mác P600 phục vụ xây dựng lăng Bác.

Lần đầu tiên nghiên cứu sản xuất xi măng mác cao mà thế giới có Liên Xô làm được, vượt qua muôn vàn khó khăn về công nghệ, thiếu thốn, với ý chí quyết tâm và tình yêu vô vàn với Bác, cán bộ công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng đã làm được xi măng P600 xây lăng Bác.

Một buổi chiều cuối năm trời đột ngột trở lạnh, mưa tí tách như mang hơi thở mùa Xuân đến rất gần, chúng tôi đến thăm nhà bác Nguyễn Văn Thiện - nguyên Tổng giám đốc Nhà máy Xi măng Hải Phòng giai đoạn 1975 - 1978. Trong căn nhà bình yên, ấm áp, câu chuyện về việc nghiên cứu, sản xuất xi măng cho xây dựng Lăng Bác được hồi tưởng đầy xúc động, sâu lắng, nghẹn ngào.

Bác Thiện nhớ lại: Đầu năm 1972, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho cán bộ, các ngành, các địa phương tham gia xây dựng công trình Lăng Bác mà lực lượng nòng cốt là Bộ Kiến trúc (sau này là Bộ Xây dựng) và Bộ Quốc phòng. Nhưng ngày 16/4/1972, Mỹ ném bom bắn phá lại miền Bắc nên kế hoạch xây dựng Lăng phải tạm dừng.

Đến đầu năm 1973, Phó Thủ tướng Đỗ Mười gọi Bộ trưởng Bộ Kiến trúc, Giám đốc Nhà máy Xi măng Hải Phòng lúc đó là đồng chí Bùi Đình Đổng cùng tôi lên gặp.

Phó Thủ tướng Đỗ Mười nói: Chắc các anh biết công trình xây dựng Lăng Bác có ý nghĩa như thế nào đối với nhân dân cả nước. Công trình cần gần 8 nghìn tấn xi măng mác cao PC600. Nước ta chưa sản xuất được xi măng này và phải nhập từ Liên Xô. Bác Đỗ Mười quay sang hỏi ông Nguyễn Mạnh Kiểm, ngày ấy là Viện phó Viện VLXD, người được giao phụ trách phòng nghiên cứu chất lượng xây Lăng Bác: Có thể thay thế xi măng Liên Xô bằng xi măng sản xuất trong nước không?

Chúng tôi nhìn nhau lo lắng. Vấn đề đặt ra rất khó khăn bởi Nhà máy Xi măng Hải Phòng lúc đó sử dụng công nghệ ướt; các thiết bị lạc hậu; qua chiến tranh bị tàn phá nặng nề; các thiết bị lạc hậu; nhiều khâu phải làm thủ công là chủ yếu, kể cả pha trộn và tính phối liệu cũng bằng thủ công.

Phó Thủ tướng Đỗ Mười quay sang nói: Cậu Thiện! Đảng và Chính phủ cho cậu đi học. Cậu là phó tiến sĩ, cậu phải cố làm ra được xi măng mác 600.

Tấm lòng với Bác kính yêu cộng với quyết tâm không gì là không thể làm được. Ban lãnh đạo Nhà máy Xi măng Hải Phòng hứa trước Phó Thủ tướng quyết tâm làm được xi măng P600.

cau chuyen ve san xuat xi mang p600 xay dung lang bac
Các kỹ sư bàn biện pháp sản xuất xi măng P600 xây Lăng Bác.

Ngay sau đó, về Nhà máy, chúng tôi bắt tay vào công việc: Tổ chức cuộc họp và thành lập Ban chỉ đạo sản xuất xi măng P600 xây Lăng Bác; đồng thời phát động phong trào thi đua toàn nhà máy lao động sản xuất xi măng P600. Đây là loại xi măng mác cao có cường độ chịu nén của xi măng là 600kg/cm2. Việt Nam chưa sản xuất xi măng này và nếu không sản xuất được bắt buộc chúng ta phải nhập từ Liên Xô.

Không khí toàn nhà máy nô nức, hồ hởi, vui vẻ, phấn khởi. Đảng ủy, Ban giám đốc, Công đoàn, Đoàn thanh niên, tất cả cán bộ, công nhân nhà máy cùng vào cuộc. Nhà máy dành dây chuyền hiện đại nhất để thử nghiệm xi măng xây dựng Lăng Bác.

“Đảng và Chính phủ cho cậu đi học. Cậu là phó tiến sĩ, cậu phải cố làm ra được xi măng mác 600”.

Chúng tôi lựa chọn nguyên liệu đá vôi chất lượng tốt nhất;

cử cán bộ kỹ thuật đứng giám sát chất lượng từng xe gòng rồi phối liệu để cho ra clinker. Tất cả đều làm thủ công; cân đong tính toán bằng thủ công. Sau khi clinker đi vào băng tải. Ở đó có một số công nhân túc trực, kiểm tra bằng mắt; clinker nào không đạt thì lấy xẻng loại bỏ ngay; clinker nào đạt cho về kho chứa. Kết quả ½ đạt và ½ clinker loại bỏ. Lò 200 tấn; lấy được 100 tấn. Nhưng sau 28 ngày thử mẫu thì kết quả không đạt P600 mà chỉ đạt P500.

Chưa sản xuất loại xi măng này bao giờ, công nghệ máy móc thì lạc hậu cũ kỹ sau chiến tranh và việc thử nghiệm để tìm ra công thức cho ra loại xi măng P600 được ví như cuộc đãi cát tìm vàng.

Không nản chí, cả nhà máy lại họp lại, bàn bạc, tính toán, phân tích phối liệu và tính toán lại. Kết quả đã thử nghiệm thành công và xi măng sản xuất lần này đạt mác PC600. Qua ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, cán bộ công nhân nhà máy thực hiện theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và sản xuất được 200 tấn xi măng mác P600. Cả nhà máy mừng vui xúc động vô cùng. Xe chở bao xi măng P600 được chở lên Hội đồng Bộ trưởng để báo cáo. Phó Thủ tướng Đỗ Mười cẩn thận đưa mẫu sang Viện Khoa học Liên Xô để thử nghiệm. Một tháng sau họ trả lời: Xi măng Hải Phòng sản xuất đạt mác tiêu chuẩn P600.

Cả nhà máy vui như ngày hội, anh em cán bộ công nhân xúc động muốn khóc. Ngày 29/9/1973, Nhà máy Xi măng Hải Phòng bước vào đợt sản xuất chính thức xi măng P600. Công trình xây dựng Lăng Bác đã sử dụng gần 8 nghìn tấn xi măng do Nhà máy Xi măng Hải Phòng sản xuất.

Sau câu chuyện Việt Nam tự sản xuất xi măng mác cao xây dựng Lăng Bác, với trách nhiệm Trưởng ban xây dựng Lăng, ông Đỗ Mười lại có băn khoăn lo lắng lượng phóng xạ của các loại vật liệu để xây dựng Lăng có ảnh hưởng đến thi hài của Bác không? Ông Đỗ Mười lại giao nhiệm vụ này cho ông Nguyễn Mạnh Kiểm tập hợp mẫu các VLXD sang Liên Xô nhờ thử phóng xạ. Kết quả các loại vật liệu xây dựng Lăng Bác qua kiểm nghiệm phóng xạ tại Liên Xô “thấp dưới mức cho phép”.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình xây dựng không thể tính bằng tiền mà tính bằng những tấm lòng của nhân dân; những gỗ, đá của cả non sông, trang trọng dành cho một con người đã hy sinh, dành trọn đời cho nền độc lập của Tổ quốc. Trong đó, cán bộ công nhân viên Nhà máy Xi măng Hải Phòng cũng được đóng góp một phần công sức, tình yêu với Bác kính yêu!

Vũ Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load