(Xây dựng) - Trường hợp dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì các trường hợp được điều chỉnh dự toán xây dựng quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet). |
Ông Ngô Sỹ Hải (Hà Nội) công tác tại ban quản lý dự án của doanh nghiệp nhà nước, sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách. Đơn vị ông đang triển khai một dự án đầu tư xây dựng (quản lý chi phí theo Nghị định số 32/2015/NĐ-CP) và gặp phải vấn đề gây tranh cãi như sau:
Trong quá trình đấu thầu gói thầu thiết bị (2 giai đoạn 1 túi hồ sơ) bên mời thầu đề nghị cắt giảm phần thiết bị dự phòng trong gói thầu này và đã được chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư phê duyệt về mặt chủ trương. Hiện có 2 quan điểm khác nhau về các bước triển khai nội dung điều chỉnh này:
Quan điểm thứ nhất cho rằng việc cắt giảm thiết bị dự phòng sẽ làm giảm giá trị thiết bị trong dự toán công trình dẫn đến thay đổi cơ cấu chi phí trong dự toán công trình. Đây là trường hợp được điều chỉnh dự toán công trình, và do vậy phải điều chỉnh dự toán công trình sau đó điều chỉnh dự toán gói thầu.
Quan điểm thứ hai cho rằng đây thuần túy là giảm khối lượng công việc thực hiện, không phải là trường hợp thay đổi cơ cấu chi phí dự toán, chỉ cần phê duyệt dự toán gói thầu điều chỉnh.
Những người theo quan điểm thứ hai lập luận: Hầu hết giá các gói thầu khi cập nhật giá 28 ngày trước ngày mở thầu đều thay đổi so với giá trong dự toán xây dựng công trình, nếu coi đây là thay đổi cơ cấu thì mỗi lần cập nhật giá gói thầu nếu có thay đổi thì đều phải phê duyệt dự toán công trình, thực tế không đơn vị nào làm như vậy.
Ông Hải hỏi, vậy quan điểm nào nêu trên là đúng?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Theo nội dung câu hỏi của ông Ngô Sỹ Hải, trường hợp dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì các trường hợp được điều chỉnh dự toán xây dựng quy định tại Điều 11 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP:
"1. Dự toán xây dựng công trình đã phê duyệt chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp:
a) Điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;
b) Thay đổi, bổ sung thiết kế nhưng không trái với thiết kế cơ sở hoặc thay đổi cơ cấu chi phí trong dự toán kể cả chi phí dự phòng nhưng không vượt tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt.
2. Dự toán xây dựng công trình điều chỉnh gồm dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt cộng (hoặc trừ) phần giá trị tăng (hoặc giảm). Phần giá trị tăng (hoặc giảm) phải được thẩm tra, thẩm định làm cơ sở để phê duyệt dự toán xây dựng công trình điều chỉnh.
3. Chủ đầu tư tổ chức xác định dự toán xây dựng công trình điều chỉnh làm cơ sở để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu và điều chỉnh tổng mức đầu tư.
4. Trường hợp chỉ điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí nhưng không làm thay đổi giá trị dự toán xây dựng đã được phê duyệt bao gồm cả chi phí dự phòng thì chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh.
5. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình điều chỉnh thực hiện theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng".
Theo đó ông Hải cần làm rõ việc cắt giảm phần thiết bị dự phòng của dự án có thuộc trường hợp được điều chỉnh dự toán xây dựng quy định tại Điều 11 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP hay không trước khi triển khai các bước tiếp theo.
Khánh Diệp
Theo