Thứ sáu 10/05/2024 03:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cấp nước an toàn: Cần thiết phải xây dựng Luật Cấp nước

19:00 | 14/02/2017

(Xây dựng) - Cấp nước an toàn là một chu trình xuyên suốt từ việc thu dẫn nước đến điểm tiêu thụ nước. Thế nhưng với đặc thù quản lý của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cũng như lãnh đạo các tỉnh không khỏi lo ngại chu trình này khó được đảm bảo nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành.

Vai trò cốt lõi của nguồn nước

Có thể nói, nguồn nước đóng vai trò cốt lõi trong chu trình cấp nước an toàn. Thực tế ở nhiều tỉnh thành trong cả nước hiện nay cho thấy, nếu như Vũng Tàu hay TT-Huế có nguồn nước dồi dào và chỉ sử dụng một nguồn nước, thì việc đảm bảo cấp nước an toàn không quá khó khi UBND các tỉnh có sự quan tâm nhất định trong chỉ đạo điều hành cũng như đầu tư ngân sách của tỉnh cho hệ thống cấp nước. Tuy nhiên, đối với các tỉnh phụ thuộc vào nhiều nguồn nước khác nhau hay không kiểm soát được chất lượng nguồn nước như: Sơn La, Lào Cai… thì vấn đề cấp nước an toàn rất nan giải, nhất là khi nguồn vốn ngân sách của các tỉnh là rất hạn chế.

Tại Sơn La, mặc dù đã thành lập Ban chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước từ năm 2013, công suất khai thác, cung cấp của các nhà máy trên địa bàn cũng không hề khiêm tốn 50 nghìn m3/ngđ, nhưng hệ thống nguồn nước thì lại nằm rải rác ở 30 trạm cấp nước của 30 nguồn nước khác nhau, có nguồn nước chỉ khai thác được vài trăm mét khối một ngày. Do đó, đảm bảo cấp nước an toàn là nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với tỉnh Sơn La. Từ năm 2013 đến nay, năm  nào Nhà máy cấp nước Sơn La cũng phải ngưng hoạt động một vài lần do ô nhiễm nguồn nước, mà nguyên nhân chủ yếu do nước từ đầu nguồn đổ về nơi sản xuất chứa nhiều tạp chất bốc mùi hôi thối trong quá trình sơ chế cà phê của các hộ dân ở đầu nguồn nước. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Sơn La nhiều lần tổ chức họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ, nhưng khó khăn vẫn hiện hữu. Chỉ tính riêng trong tháng 9 đến đầu tháng 11/2016 không dưới 7 lần Xí nghiệp cấp nước số 1 của TP Sơn La phải ngưng cấp nước cho gần 12 nghìn hộ dân, vì nguồn nước bị ô nhiễm.

Tại Lào Cai, mặc dù nguồn nước khá dồi dào, không phải phụ thuộc vào nhiều nguồn nước riêng lẻ như Sơn La, nhưng vấn đề cấp nước an toàn của tỉnh này cũng khá nan giải khi có một nhà máy cấp nước của tỉnh, công suất khoảng 14 nghìn m3/ngđ, phải lấy nguồn nước từ sông Nậm Thi (bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc hợp lưu với sông Hồng tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu). Vì không thể chủ động trong việc bảo vệ nguồn nước, UBND tỉnh Lào Cai đang dự kiến bỏ nhà máy nước này, để xây dựng nhà máy đặt sâu trong lãnh thổ Việt Nam, cách xa biên giới, nhưng lại gặp vấn đề rất nan giải bởi trở ngại là các mỏ khai thác khoáng sản và DN tại KCN Tằng Loỏng chủ yếu sản xuất hóa chất, luyện kim và phân bón sẽ có tác động rất mạnh đến nguồn nước. Việc quản lý nguồn nước xả thải từ các đơn vị này phụ thuộc vào Bộ TM&MT.

Trách nhiệm đến đâu?

Có thể nói, nguồn nước đóng vai trò cốt lõi trong vấn đề cấp nước an toàn, bởi vậy, để cấp nước an toàn cần sự phối hợp, hợp tác của rất nhiều bên tham gia. Hiện, nguồn nước tại Việt Nam đang được quản lý bởi hai Bộ chính là TN&MT và NN&PTNT. Tuy nhiên, chu trình cấp nước an toàn lại có thêm sự tham gia của các Bộ: Xây dựng, Y tế, KH&CN, trong đó Bộ Xây dựng đóng vai trò chủ chốt, điều phối. Như vậy, vấn đề đặt ra với Bộ Xây dựng không hề đơn giản, không chỉ là vấn đề chuyên môn, bên cạnh đó phải làm sao khớp nối hoạt động quản lý điều hành của các Bộ trên.

Về vấn đề cấp nước an toàn, ông Đào Công Thiên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tỏ ra khá lo lắng khi Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đều quản lý nước, nhưng trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý của các Bộ này đến mức độ nào thì chưa rõ.

Trước thực trạng cấp nước của các tỉnh thành trên toàn quốc hiện nay, ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Cần thiết phải xây dựng Luật Cấp nước để làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan cũng như đảm bảo chất lượng nước sạch cho người sử dụng. Trong thời gian tới, Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ tập trung xây dựng đề cương và dự thảo nội dung cơ bản Luật Cấp nước để đến năm 2018 sẽ đăng ký vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội.

Chia sẻ những khó khăn trong cấp nước an toàn của Cty CP Cấp nước tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Hồng Tiến cũng cho biết, do có liên quan đến hướng dẫn của Bộ TN&MT nên Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ phải làm việc thêm với Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), để xây dựng phương án cụ thể tham vấn cho tỉnh Lào Cai.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load