Việc nguồn vật liệu đất đắp nền đường khan hiếm đang là trở ngại, có thể khiến lỡ nhịp thi công các gói thầu của đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Máy móc phục vụ thi công cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN |
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) vừa thông tin, tính đến hết tháng 4/2021, tất cả 4 gói thầu của dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 101 km đã cơ bản được phát quang, dọn dẹp để thi công đồng loạt. Hệ thống đường công vụ cũng đang gấp rút hoàn thành, có thể đi từ đầu đến cuối tuyến. Các nhà thầu đã cào bóc đất hữu cơ 70/101 km toàn tuyến.
Các nhà thầu tham gia dự án đều là những doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm trong thi công các công trình trọng điểm quốc gia nên chỉ sau hơn hai tháng triển khai khối lượng công việc trên công trường cơ bản đã đáp ứng tiến độ đề ra. Mặc dù vậy, việc nguồn vật liệu đất đắp nền đường khan hiếm đang là trở ngại có thể khiến lỡ nhịp thi công các gói thầu của đoạn cao tốc này.
Theo thống kê của Ban Quản lý dự án 7, những ngày này, tận dụng thời tiết thuận lợi, các nhà thầu tại 4 gói thầu (XL01, XL02, XL03 và XL04) đã huy động hơn huy động 500 xe máy thiết bị và hàng nghìn cán bộ kỹ thuật, công nhân chia thành 51 mũi thi công đồng loạt trên toàn tuyến.
Là gói thầu có chiều dài chiếm tới 50 km, đại diện gói thầu XL 04 (Liên danh Tổng công ty Vinaconex và Công ty E&C) cho hay, đây là gói thầu có khối lượng lớn nhất của dự án khi phải thi công 2 nút giao liên thông, 20 hầm chui, hơn 72 km đường gom dân sinh… Hiện đơn vị đã thực hiện phát quang, làm đường công vụ được 38/50 km, còn một vài vị trí chưa giải phóng mặt bằng nên đơn vị chưa thể đưa máy móc vào thi công.
Để đẩy nhanh tiến độ, đại diện liên danh này cho hay, về thi công đường, đơn vị đã bố trí 12 mũi; trong khi đó về thi công cầu cũng đã bố trí 11 mũi cùng hàng trăm máy móc thiết bị và con người. Đại diện liên danh gói thầu XL 04 cho rằng, đây là thời điểm tốt nhất để thi công đắp đất nền đường, tuy nhiên nếu trong tháng 5 mà không giải quyết được việc thiếu nguồn đất đắp thì sẽ gặp khó khăn trong thi công khi mùa mưa đến, chắc chắn tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó các gói thầu còn lại (XL01, XL02, XL03) cũng gặp cảnh tương tự khi các nhà thầu huy động hàng trăm máy móc thiết bị nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc phát quang, cào bốc đất hữu cơ… Thí dụ, tại gói XL03, nhà thầu gói này cũng đã huy động hàng trăm thiết bị máy móc nhưng hiện một nửa số máy móc đó đang nằm chờ. Nhưng nhờ chủ động đào đắp điều phối nội tuyến gói thầu này hiện cũng đắp được được 50.000 m3 đất nền. Đại diện các nhà thầu cho rằng, công địa thi công trên tuyến hiện không vướng nhưng các nhà thầu đang phải thi công cầm chừng vì không có nguồn đất đắp.
Đánh giá chung của Ban Quản lý dự án 7 là hầu hết các nhà thầu đã chủ động và tích cực tập kết nhân sự, thiết bị và vật tư, thi công khoa học và hợp lý. Đến nay cơ tiến độ dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, với nguồn vật liệu đất đắp nền đường khan hiếm, mặc dù các đơn vị đã chủ động sử dụng vật liệu đất đắp tận dụng trong nội tuyến để thi công nền đường và nguồn vật liệu đắp mua tại mỏ đã đủ thủ tục pháp lý, nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của dự án.
Vì vậy, Ban Quản lý dự án 7 cho biết đang phối hợp tích cực làm việc với các bộ, ngành địa phương, các nhà thầu giải quyết từng vấn đề. Chẳng hạn, trước tình trạng khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp, Ban Quản lý dự án 7 đã chủ động phối hợp với các nhà thầu để nghiên cứu điều phối từ đào sang đắp đất nền. Tích cực làm việc với các chủ mỏ, địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục khai thác mỏ.
Đặc biệt là nghiên cứu đề xuất giải pháp xay đá đổ thải để đắp nền đường với kết quả khả quan, đang trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Nếu đề xuất này được chấp thuận, riêng gói thầu XL 01 của dự án sẽ chủ động được tới 50% vật liệu đất đắp. Theo kế hoạch, trong năm 2021 sẽ hoàn thành toàn bộ phần nền đường, đến cuối năm 2022 hoàn thành toàn bộ dự án.
Trước đó, tại buổi báo cáo báo đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội giám sát tình hình thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông diễn ra giữa tháng 4 vừa qua, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường của dự án cao tốc Vĩnh Hảo Phan Thiết vào khoảng 9,2 triệu m3 và yêu cầu cơ bản phải hoàn thiện nền đường trong năm 2021.
Như vậy, bình quân mỗi tháng cần khoảng 1 triệu m3 đất và tháng cao điểm cần khoảng 2 triệu m3 đất đắp. Trong khi đó, tất cả các mỏ có khả năng cung ứng đất đắp ổn định chỉ khoảng 70.000 m3/tháng là vấn đề nan giải với năng lực thực tế của các mỏ.
Để giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu đất đắp, Ban Quản lý dự án 7 kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét cấp phép mở rộng và nâng công suất mỏ đang khai thác để đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp. Đồng thời, chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu chủ động phối hợp với chủ mỏ thực hiện một số vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện.
Ban Quản lý dự án 7 kiến nghị đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có ý kiến tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát và xem xét quy định nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cấp phép khai thác hoặc gia hạn khai thác trong thời gian sớm nhất, đảm bảo nguồn cung ứng vật liệu cho dự án.
Dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận dài 101 km có điểm đầu tại phía trước nút giao Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm cuối dự án đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo); điểm cuối giao với Quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm đầu dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây).
Giai đoạn 1, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết xây dựng 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư 10.853 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư thành 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120 km/h.
Theo Quang Toàn (TTXVN)