Thứ ba 05/11/2024 05:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Nhà đầu tư đề xuất giải pháp rút ngắn còn nửa thời gian thực hiện

15:51 | 20/03/2020

(Xây dựng) - Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 23km, dự kiến tổng mức đầu tư 4.758 tỷ đồng, điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2. Nhưng đến nay, vì nhiều lý do mà Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư, mặc dù Bộ này đã tổ chức sơ tuyển từ tháng 4/2018.

cao toc my thuan can tho nha dau tu de xuat giai phap rut ngan con nua thoi gian thuc hien
Nhà đầu tư và tổ hợp các nhà thầu tập trung nguồn lực, thiết bị thi công 3 ca/ngày đưa Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thông xe kỹ thuật vào Tết năm 2021.

Trước tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, hạn mặn ở vùng Tây Nam Bộ cũng đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân trong vùng... Do vậy, cần sớm có giải pháp cụ thể, tối ưu để đồng bộ hóa tuyến đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ nhằm vực dậy, khai thông tiềm năng phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ quyết liệt

Mặc dù đang phải căng mình đối phó với đại dịch Covid-19, nhưng với tầm quan trọng và cấp thiết của hệ giao thông Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa qua đã yêu cầu các Bộ ngành tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội, trong đó có sự nhấn mạnh đến Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Đặc biệt, ngày 8/3, Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra công trường Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm có giải pháp để triển khai thi công đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, khẩn trương hoàn thành để kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ vào năm 2022.

Hiện nay, trên tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, ngoài đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đưa vào khai thác, các đoạn khác gồm Trung Lương – Mỹ Thuận đang triển khai, cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đều chỉ mới trong quá trình chuẩn bị. Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 triển khai bằng vốn vay ODA và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thì chưa lựa chọn được nhà đầu tư.

Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà đầu tư, các dự án triển khai theo phương thức PPP hiện nay điều khó khăn về nguồn vốn huy động từ các ngân hàng, đây chính là một “điểm nghẽn”, cần có giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ tình trạng này. Điển hình như Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, một công trình đầu tư giao thông tuy được Chính phủ đặc biệt quan tâm nhưng mãi đến gần đây mới hợp vốn của 4 ngân hàng cho vay.

Nhiều chuyên gia cũng lo ngại rằng, nếu Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ không có tính đột phá, giải pháp khả thi nếu để Bộ Giao thông vận tải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ dẫn tới các trình tự tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, việc thu xếp vốn sẽ khó khăn khi ngân hàng cho vay hợp vốn thực hiện bước thẩm định, hợp vốn, đàm phán ký hợp đồng, giải ngân… quy trình tương tự như Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận trước đây sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề về thủ tục, kéo dài thời gian, khó thực hiện và đảm bảo tiến độ để kết nối vào đoạn Thành phố Hồ Chí Minh đến Mỹ Thuận như mong đợi.

“Trình tự khi thực hiện dự án đầu tư công sẽ có nhiều thủ tục kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của toàn tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Nếu chuyển sang đầu tư công, việc quan trọng là phải rút được các bài học về việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công và chọn được những nhà thầu có năng lực”, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội VARSI nhận định.

Từ 41 tháng còn 24 tháng

Mới đây, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp triển khai dự án này đảm bảo thông toàn tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ đúng tiến độ.

Cụ thể, Công ty này cho rằng, đoạn tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ đi qua tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp nên được kết nối vào dự án Trung Lương - Mỹ Thuận khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là tỉnh Tiền Giang thì sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính, phát huy việc phối hợp điều hành tốt của tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư như trong thời gian qua.

Một trong những đề xuất đáng chú ý của Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là “Điều chỉnh, mở rộng phạm vi dự án do tỉnh Tiền Giang là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp tham gia thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định của Khoản 1, Điều 32, Nghị định 63/2018/NĐ-CP, tuân thủ theo quy định tại Khoản 1, Điều 61, Luật Xây dựng “khi ảnh hưởng bởi thiên tai, sự cố môi trường… hoặc xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội cho dự án thì được điều chỉnh dự án”.

cao toc my thuan can tho nha dau tu de xuat giai phap rut ngan con nua thoi gian thuc hien

Về cơ cấu vốn cho đoạn tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông Nguyễn Tấn Đông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho rằng: “Nếu vốn ngân sách Nhà nước tham gia 50% khoảng 2.400 tỷ đồng phần còn lại doanh nghiệp dự án sẽ cố gắng cùng các đối tác là các nhà đầu tư, nhà thầu… huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu, các nguồn vốn hợp pháp khác để quyết tâm thực hiện thông tuyến dự án 2021”.

Dựa trên những tính toán và đề xuất khá cụ thể của Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm tận dụng thiết bị sẵn có, sự phối nhịp nhàng của địa phương và nhà đầu tư sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án còn 24 tháng so với trình tự thông thường là 41 tháng, hoàn thành trong năm 2022, góp phần quan trọng trong việc tạo ra động lực, nguồn lực mới cho sự phát triển nhanh hơn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Phương Mai 

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load