Chủ nhật 22/12/2024 12:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo vượt chướng ngại vật

09:27 | 17/02/2023

(Xây dựng) – Cả nước hiện có 3 dự án thuộc đại dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP, trong đó dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo tuy ký hợp đồng chậm hơn nửa năm so với 2 dự án còn lại nhưng có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách (VGF) của lại cao nhất đạt 99,3% kế hoạch vượt dự án Nha Trang - Cam Lâm là 97,6% và dự án Diễn Châu - Bãi Vọt chỉ mới được thông vốn VGF từ đầu tháng 9, giải ngân chưa đến 50% kế hoạch năm 2022.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo vượt chướng ngại vật
Đoàn khảo sát, kiểm tra công tác đào hầm trên cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, công tác giải ngân vốn VGF tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo kế hoạch năm 2022 đã đạt khoảng 1.177/1.178 tỷ đồng, đáp ứng kế hoạch đăng ký. Còn lại khoảng 0,978 tỷ đồng vốn GPMB dự kiến sẽ được giải ngân trong tháng 1/2023.

Nhận định về tiến độ thực hiện dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, ông Đỗ Quang Minh, Phó Giám đốc Ban QLDA 85 cho rằng: “Nhìn vào kết quả đạt được của dự án này không chỉ ký hợp đồng muộn hơn mà còn phải thấy quy mô dự án này so với các dự án được đầu tư PPP lớn hơn gấp rưỡi (Cam Lâm - Vĩnh Hảo 80km, Nha Trang - Cam Lâm 49km) trong đó có các hạng mục hầm cấp đặc biệt dài 2,2km, cầu cấp 1 với trụ cao trên 40m và các vị trí đào sâu đến 50m đặc biệt là hệ thống điện, nước, đường tiếp cận ban đầu rất khó khăn, để thấy nhà đầu tư đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn”.

Cam Lâm - Vĩnh Hảo bắt đầu thực hiện từ 30/9/2021. Tính đến đầu tháng 2/2023, giá trị sản lượng thực hiện là 2.982/7.587 tỷ đồng, tương đương 39,30% tổng giá trị các gói thầu xây lắp chính.

Cam Lâm - Vĩnh Hảo là dự án có thời gian đàm phán hợp đồng BOT kéo dài nhất trong 3 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam nhưng lại là dự án đầu tiên thu xếp xong nguồn vốn, ký hợp đồng tín dụng thực hiện dự án. Tính đến hết tháng 1/2023, lũy kế giá trị giải ngân vốn vay của dự án này là 716,5/1.700 tỷ đồng.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo vượt chướng ngại vật
Công nhân điều khiển xe cơ giới tất bật thi công trên công trường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Ngoài ra, trong cơ cấu vốn dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo còn có thành phần vốn huy động từ các hợp đồng BCC với tổng hạn mức là 1.056 tỷ đồng. Đây là điểm sáng tạo trong đa dạng hóa nguồn vốn thực hiện dự án của nhà đầu tư, giúp nhanh chóng thu xếp đủ nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đến nay, lũy kế giá trị giải ngân vốn huy động khác là 584,7 tỷ đồng.

Hiện nay, đánh giá tổng thể dự án đảm bảo tiến độ nhưng bên phía nhà đầu tư cũng là nhà thầu 194 còn chậm nguyên nhân bởi giá vật tư, vật liệu biến động.

Tuy nhiên, hiện còn một số gói thầu gặp khó khăn do các điều kiện khách quan như gói DC-XL09 thi công nửa phía Nam hầm Núi Vung do trong quá trình đào hầm gặp đới địa chất dị thường sai khác so với TKKT, mưa lũ lớn liên tục cuốn trôi cầu tạm phục vụ thi công cầu sông Dinh. Hiện nay, doanh nghiệp dự án đã có giải pháp điều chuyển khối lượng của các gói thầu này sang cho Đèo Cả thực hiện.

Ông Đỗ Quang Minh cho biết thêm, ngay từ đầu thu xếp vốn cho Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nhà đầu tư Đèo Cả đã thu xếp theo mô hình 3P: “Điều quan trọng nhất của việc thực hiện dự án là thu xếp được vốn. Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã được thu xếp vốn với cách hoàn toàn mới so với các dự án đang cùng thực hiện và tính khả thi thì đã thấy rồi, họ đã thu xếp xong chỉ trong một thời gian ngắn. Đèo Cả là đơn vị có kinh nghiệm giải cứu các vấn đề trong thực hiện dự án, cho nên tôi tin họ sẽ đưa dự án về đích đúng hẹn”.

Về vấn đề khắc phục những vấn đề hiện tại tại dự án, ông Nguyễn Tấn Đông - Phó Chủ tịch HĐQT khẳng định, trong bất kỳ dự án nào Tập đoàn Đèo Cả tham gia đều chủ động sẵn sàng hỗ trợ xử lý hoặc thay thế nhà thầu yếu kém để đảm bảo tiến độ chung nhưng cũng xác định không giành việc của nhà thầu khác.

Khi được đặt câu hỏi trước việc có một doanh nghiệp tuyên bố bảo hành công trình 10 năm, quan điểm của Đèo Cả về việc bảo hành công trình như thế nào, ông Nguyễn Tấn Đông cho rằng:“Đèo Cả tuân thủ và thực hiện theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký. Chúng tôi có trách nhiệm quản lý vận hành, bảo trì suốt vòng đời dự án. Vòng đời dự án PPP thường kéo dài khoảng trên dưới vài chục năm”.

Nguyễn Nga – Lê Cương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load