(Xây dựng) - Trạm dừng nghỉ đường bộ là công trình không thể thiếu thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng dọc theo tuyến quốc lộ hoặc tỉnh lộ, cao tốc để đảm bảo nhu cầu nghỉ ngơi của người dân và tài xế trên những lộ trình dài. Tuy nhiên, trạm dừng nghỉ ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tại nhiều tỉnh, thành việc xây dựng trạm dừng nghỉ còn mang tính tự phát, đã dẫn đến nhiều hệ lụy, tiềm ẩn rủi ro đối với tính mạng của du khách.
Trạm dừng nghỉ đèo Thung Khe với những công trình xây dựng bên vực núi đá vô cùng nguy hiểm. |
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc quy định, khoảng cách từ 50-60km phải bố trí 1 trạm dừng nghỉ, trạm xăng... phục vụ người dân nghỉ ngơi, đổ xăng và giải quyết các nhu cầu cá nhân. Thế nhưng trong quá trình xây dựng các hệ thống cao tốc, các nhà đầu tư luôn đưa ra rất nhiều lý do khác nhau về độ trễ xây dựng các trạm dừng nghỉ, thậm chí bỏ quên luôn công trình phụ trợ này.
Một số cao tốc như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng cũng chưa có trạm dừng nghỉ. Bộ Giao thông Vận tải hiện mới chỉ có quy hoạch trạm dừng nghỉ trên quốc lộ mà chưa có quy hoạch trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, cũng chưa có quy hoạch các trạm dừng nghỉ trên toàn quốc. Chính vì vậy, tại nhiều địa phương đã xuất hiện các trạm dừng nghỉ tự phát, nếu không được quan tâm đúng mức có thể gây ra những hệ lụy, tiềm ẩn rủi ro đối với tính mạng của du khách. Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng tại chợ đèo trên dốc Trắng, điểm dừng chân Thung Khe nằm giữa huyện Tân Lạc và Mai Châu (tỉnh Hòa Bình). Đây là một điểm dừng chân tự phát bên đường gần Dốc Trắng (Dốc Trắng là tên gọi của đoạn đèo này vì sau khi mở đường giữa hai vách đá vôi trắng toát, một loạt đất đá vôi tiếp tục sạt xuống trắng xóa cả một vách núi, đi từ xa đã thấy, kể cả trong ngày sương mù bao phủ Thung Khe).
Buổi ban đầu, chợ đèo Thung Khe chỉ có vài chiếc lán xơ xác, bán ngô luộc là chủ yếu. Sau này khách du lịch đi ngang dừng chân ngắm cảnh, thưởng thức chút quà quê dân dã đông dần lên, bà con thấy có thể làm kinh tế nên sản vật cũng vì thế mà trở nên phong phú. Họ bẻ ngô mới, bán sống cho khách mua làm quà, bán rau rừng, măng rừng, bán ngô luộc, ngô nướng, cơm lam cho khách ăn tại chỗ, bán phong lan rừng, thỉnh thoảng có chút thịt tươi, có ốc đá bắt về từ trên núi... Bất kể thứ gì bà con có thể kiếm được từ nhà, từ rừng đều được mang ra bán, khách dừng chân thấy lạ, thấy hấp dẫn thì mua làm quà, đôi khi đơn giản chỉ là mua ủng hộ cho bà con.
Việc xây dựng một cách tự phát liệu có đảm bảo an toàn với địa hình núi đá nơi đây? |
Những lán nghỉ tại trạm dừng chân ở khu vực này được xây dựng bám vào vách đá và được dựng bằng những cột bê tông. Theo người dân địa phương, ở những vị trí các trạm dừng chân chọn xây dựng đều là vị trí đẹp, du khách dễ dàng phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh đồi núi, sương mù phía dưới và mỗi ngày đều có rất đông du khách đến quay phim, chụp ảnh. Vì vậy, nơi đây không chỉ là nơi du khách nghỉ chân, uống trà mà còn phát triển dịch vụ ăn uống như một “nhà hàng” chuyên nghiệp.
Theo quan sát của phóng viên, các quán tự phát mọc lên nằm chông chênh, vắt vẻo trên vực núi đá thu hút nhiều du khách dừng chân, chụp ảnh, cách xây dựng ở đây không đảm bảo an toàn, đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với tính mạng của du khách. Bên cạnh đó, một số hạng mục như lan can được thiết kế rất sơ sài, gây nguy hiểm đặc biệt đối với đối tượng là trẻ em.
Trạm dừng nghỉ tự phát đèo Thung Khe được xây dựng sơ sài, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với du khách. |
Chia sẻ về vấn đề này, TS.KTS Trương Ngọc Lân – Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết: Các trạm dừng nghỉ tự phát sẽ có nhiều rủi ro về mặt an toàn giao thông, an toàn vận hành cũng như dễ làm hỏng cảnh quan do không làm theo quy hoạch. Đặc biệt ở những vùng núi có quan tự nhiên đặc thù và địa hình dốc khó xây dựng thì việc mất an toàn và phá hỏng cảnh quan là dễ xảy ra tương tự như vụ nhà hàng ở Mã Pì Lèng vài năm trước. Tuy nhiên nếu có giải pháp quy hoạch hợp lý thì sẽ phát huy được lợi thế cảnh quan, vừa phục vụ được nhu cầu dừng nghỉ vừa tạo thành điểm thu hút khách du lịch, thậm chí có thể biến thành một sản phẩm du lịch và biểu tượng của địa phương, đem lại cả lợi ích kinh tế và văn hóa.
Theo tôi, để làm được như vậy đối với các trạm nghỉ ở khu vực cảnh quan miền núi đặc thù nói riêng và các hệ thống các trạm nghỉ nói chung thì đầu tiên cần quy hoạch một cách cẩn trọng trên cơ sở khảo sát kỹ, tôn trọng cảnh quan địa phương và các quy định an toàn giao thông. Đưa ra các quy định kiến trúc xây dựng rõ ràng. Đối với những khu có cảnh quan đẹp, danh thắng đã được cộng đồng và xã hội thừa nhận thì cần tổ chức thi tuyển kiến trúc nhằm chọn ra phương án chất lượng nhất.
Trước thực trạng này, phải chăng chính quyền địa phương cần nhanh chóng có biện pháp quản lý, hướng dẫn bà con hoạt động đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, nếu trạm dừng nghỉ này được quan tâm đầu tư đúng mức, trạm dừng nghỉ đèo Thung Khe sẽ phát huy vai trò điểm nhấn về cảnh quan và quảng bá sản phẩm địa phương. Thiết nghĩ, các ngành chức năng nên khởi động lại chủ trương khảo sát, quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ đường bộ để nó được phát huy hết thế mạnh vốn có.
Khánh Hòa
Theo