Thứ tư 15/01/2025 12:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Cảng biển duy trì tăng trưởng đến từ việc đầu tư hạ tầng bài bản

21:01 | 27/10/2021

Với quy hoạch cảng biển mới vừa được quy hoạch cùng dự kiến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thời gian tới, vẫn có dư điều kiện để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực cảng biển.

cang bien duy tri tang truong den tu viec dau tu ha tang bai ban
Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam, ngành hàng hải, trong đó có cảng biển là một trong những điểm sáng của nền kinh tế khi tiếp tục giữ được đà tăng trưởng.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang xung quanh vấn đề này.

Thứ trưởng có thể chia sẻ những yếu tố giúp ngành hàng hải; trong đó có cảng biển vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch COVID-19 nhưng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Đây được xem là điểm sáng của nền kinh tế và của ngành giao thông vận tải nói riêng.

Để có được kết quả này, tôi cho rằng, phải nhìn nhận vào gốc của vấn đề. Trước tiên về phía ngành hàng hải, cơ sở hạ tầng cảng biển, dịch vụ cảng biển đã có nền nếp, có sức bật từ nhiều năm. Năng lực hệ thống cảng biển của Việt Nam hiện nay có thể khẳng định là đang dư thừa, đủ khả năng đáp ứng được tăng trưởng lượng hàng hóa hơn nữa.

Chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực hàng hải cũng càng ngày được cải thiện. Tàu vào làm hàng, trả hàng không phải chờ đợi nhiều khi năng suất bốc xếp tại các cảng không ngừng được nâng lên.

Cùng với đó, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải thời gian qua thu được những kết quả tích cực. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải hiện tại được đánh giá là nhanh gọn, hiệu quả.

Thủ tục hành chính về hải quan, biên phòng, cảng vụ, kiểm dịch… tại khu vực cảng biển được cải thiện, hoạt động nhịp nhàng giúp các doanh nghiệp giảm được thời gian và tiền bạc, qua đó góp phần nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, giá dịch vụ xếp dỡ tại các cảng biển Việt Nam đang ở mức thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Điều này góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống cảng biển Việt Nam.

Yếu tố tiếp góp phần vào sự tăng trưởng của hệ thống cảng biển Việt Nam đó là sự vào cuộc quyết liệt ứng phó với đại dịch COVID-19. Đảm bảo dịch bệnh không lây lan trong cảng, qua đó góp phần quan trọng vào hoạt động cảng biển không bị đình trệ.

Về góc độ phát triển kinh tế-xã hội nói chung, có thể nói, xuất phát từ việc Chính phủ đã làm tốt việc phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua nên tốc độ phát triển kinh tế vẫn được duy trì tốt, thể hiện qua sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng cao.

Điều này minh chứng cho việc cảng biển có phát triển tốt như thế nào nhưng nền kinh tế không phát triển thì lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển sẽ không thể cao.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tuy nhiên, để hiện thực hóa quy hoạch trên cần một lượng vốn khổng lồ. Vậy Thứ trưởng có thể chia sẻ giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này?

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: Trong 10 năm vừa qua, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực hàng hải rất hạn hẹp. Tuy nhiên, vốn ngoài ngân sách lại thu hút được rất lớn đủ sức để bù đắp thiếu hụt vốn từ ngân sách nhà nước.

Số liệu vốn thu hút ngoài ngân sách chiếm tới 86% tổng số vốn đầu tư cho lĩnh vực hàng hải trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, số vốn chỉ chiếm 14% từ nguồn ngân sách cũng đã phát huy hiệu quả khi nguồn vốn này tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng công cộng và đầu tư vào các bến khởi động.

Nguồn vốn này đã điểm “đúng huyệt” cần thiết nhất, từ đó có sức lan tỏa như dự án cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) hay cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Từ đó thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.

cang bien duy tri tang truong den tu viec dau tu ha tang bai ban
Tàu container tải trọng 165.375 DWT, có chiều dài 365,5m cập cảng Germalink tại hạ lưu sông Cái Mép bốc dỡ hàng hóa. (Ảnh: TTXVN phát)

Để huy động được nguồn vốn lớn ngoài ngân sách là nhờ hệ thống cảng biển của nước ta từ nhiều năm qua đã được quy hoạch tốt, phù hợp với nhu cầu phát triển. Bởi vì nguyên lý là có quy hoạch tốt thì sẽ có dự án tốt, từ đó, thu hút được các nhà đầu tư tốt từ trong và ngoài nước.

Một điểm tiếp theo là cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực hàng hải cộng với quy mô nền kinh tế Việt Nam ngày cảng mở rộng, tạo hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp cảng biển vào lĩnh vực hàng hải sinh lời tốt.

Đây chính là yếu tố tác động vào các nhà đầu tư tới đây. Điều này tạo niềm tin, động lực cho các nhà đầu tư mới tiếp tục tham gia vào các dự án trong lĩnh vực hàng hải.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải thấy rằng, cơ chế chính sách của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam về áp dụng các giải pháp khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện hữu, làm cho hiệu quả đầu tư của những dự án hiện hữu càng tăng lên. Từ đó, tạo ra sức hấp dẫn cho lĩnh vực cảng biển.

Với những yếu tố trên, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào việc huy động các nguồn vốn để hiện thức hóa những dự án được đề ra trong quy hoạch cảng biển mới.

Với quy hoạch cảng biển mới vừa được quy hoạch, với các dự kiến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới thì vẫn có dư điều kiện để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực vào lĩnh vực cảng biển trong thời gian tới.

Trong thời gian vừa qua, các công ty vận tải biển của Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực khi liên tiếp báo lãi. Có phải đây là thời điểm chúng ta đẩy mạnh việc tái cơ cấu đội tàu và đẩy mạnh phát triển hoạt động vận tải biển của Việt Nam hay không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: Với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống cảng biển Việt Nam thời gian qua và định hướng trong quy hoạch thì chúng tôi đang hy vọng, cảng biển sẽ là đầu kéo để kéo theo sự phát triển của đội tàu.

Có thể nói những năm qua, nhiều công ty vận tải biển; trong đó có đội tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có lãi, cho thấy sự khởi sắc của ngành vận tải biển Việt Nam sau nhiều năm làm hoạt động chưa tốt. Sự khởi sắc này do thị trường vận tải biển thế giới có sự phát triển khi giá cước tăng.

Về tái cơ cấu đội tàu, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng đề án Phát triển đội tàu vận tải biển Việt Nam.

Tại đề án này, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ có định hướng và giải pháp để phát triển đội tàu đảm bảo đủ sức cạnh tranh và sự chủ động trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam...

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.

Theo Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load