Thứ tư 11/12/2024 15:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Cần xem lại báo cáo về việc làm rõ thông tin báo chí của Sở Xây dựng Kiên Giang

18:13 | 10/01/2024

(Xây dựng) - Ngày 28/12/2023, Sở Xây dựng Kiên Giang có Văn bản số 3545/BC-SXD gửi UBND tỉnh về việc làm rõ thông tin báo chí.

Cần xem lại báo cáo về việc làm rõ thông tin báo chí của Sở Xây dựng Kiên Giang
Qua nghiên cứu văn bản này, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần được làm sáng tỏ.

Thứ nhất, chúng tôi cho rằng, Sở Xây dựng đang “nhầm lẫn” giữa quy hoạch cấp nước cho khu công nghiệp và quy hoạch cấp nước dân sinh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nói chung và thành phố Rạch Giá nói riêng. Bởi vì theo diễn giải của Sở Xây dựng cho rằng, quy hoạch Khu công nghiệp Thạnh Lộc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt với quy mô 151,95ha; trong đó có xác định xây dựng nhà máy cấp nước với công suất giai đoạn 1 là 5.000 m3/ngày đêm; địa điểm thực hiện dự án tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Nếu hiểu cho đúng thì nhà máy cấp nước này chỉ được cung cấp nước trong phạm vi khu công nghiệp; việc đầu tư xây dựng do thẩm quyền của Ban quản lý khu công nghiệp.

Trong 4 bài viết của nhóm PV Báo điện tử Xây dựng không chỉ phản ánh một số sai phạm của Nhà máy nước Thạnh Lộc như đã nêu: Khai thác nước mặt trong khi giấy phép khai thác đã hết hạn; chất lượng nước không đảm bảo cấp nước phục vụ dân sinh; đặc biệt là việc bán nước của nhà máy này cho Công ty TNHH MTV cấp nước Kiên Giang là trái pháp luật, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của những người sử dụng nước và một số sai phạm khác. Việc mua bán nước không phải đơn phương bán nước của nhà máy cấp nước Thạnh Lộc mà trách nhiệm chính thuộc về Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước Kiên Giang.

Việc làm trên đang phá vỡ quy hoạch cấp nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt của tỉnh Kiên Giang nói chung và thành phố Rạch Giá nói riêng; Gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đối với hai nhà máy: Nhà máy cấp nước Rạch Giá và Nhà máy cấp nước Nam Rạch Giá, trong khi hai nhà máy này được xây dựng để cấp nước dân sinh cho thành phố Rạch Giá và những vùng lân cận, nước cấp đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh và đang thừa công suất.

Cũng xin nhắc lại, trong Quyết định số 2487/QĐ-UBND ngày 27/11/2014 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, trong danh mục cấp nước cũng đã nêu rõ tại Rạch Giá (vùng 1) tỉnh Kiên Giang nâng công suất Nhà máy nước Rạch Giá thêm 20.000 m3/ngày đêm (từ 50.000 m3/ngày đêm lên 70.000 m3/ngày đêm); xây dựng Nhà máy nước Nam Rạch Giá công suất 20.000 m3/ngày đêm năm 2020 lên 40.000 m3/ngày đêm năm 2025.

Ngày 03/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1289/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch cấp nước tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này cũng đã khẳng định về việc đầu tư xây dựng các nhà máy nước cụ thể trên địa bàn tỉnh, đối với Rạch Giá cũng chỉ có hai nhà máy nước nêu trên, không có Nhà máy cấp nước Thạnh Lộc.

Việc mập mờ trong báo cáo của Sở Xây dựng hoặc vì lý do không hiểu rõ bản chất của các loại quy hoạch. Có thể vì vậy Sở Xây dựng đang “lầm tưởng” là Nhà máy cấp nước Thạnh Lộc có trong quy hoạch. Cũng xin nhắc lại, Nhà máy cấp nước Thạnh Lộc nằm trong quy hoạch cấp nước Khu công nghiệp Thạnh Lộc, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang mà không nằm trong quy hoạch cấp nước phục vụ dân sinh do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Một vấn đề quan trọng cần phải được làm rõ nhưng Sở Xây dựng không nêu đó là trách nhiệm của ông Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước Kiên Giang trong việc phục hồi các giếng khoan cấp nước. Trong khi UBND tỉnh đã cấm thì vẫn ngang nhiên và cố tình mua nước của Nhà máy nước Thạnh Lộc để cấp nước cho nhân dân vùng thành phố Rạch Giá mặc dù nhà máy nước này không đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước, ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân về lâu dài; Không được cấp có thẩm quyền phê duyệt hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến phá vỡ quy hoạch cấp nước của tỉnh Kiên Giang nói chung và thành phố Rạch Giá nói riêng và gây lãng phí ngân sách Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng hai nhà máy nước trong quy hoạch đã nêu trên đang dư công suất.

Lĩnh vực cấp nước là một bộ môn khoa học chuyên sâu. Hầu hết các nhà máy cấp nước của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đều lựa chọn kỹ sư cấp nước để làm giám đốc. Vì vậy, họ mới hiểu được sự cần thiết trong quy hoạch cấp nước và vấn đề quan trọng là vệ sinh y tế trong việc cấp nước, vấn đề chính là phải đảm bảo các chỉ tiêu cơ lý, vi sinh cho phép mới được bán nước cho các hộ sử dụng.

Chúng tôi cho rằng, Sở Xây dựng là một cơ quan giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực cấp nước, cần phải hiểu rõ vấn đề này thì việc tham mưu của UBND tỉnh mới đảm bảo đúng và khách quan.

Duy Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load