Thứ hai 09/12/2024 23:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Cần Thơ: Đến năm 2030 đạt 48.000ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp

14:38 | 10/05/2024

(Xây dựng) – UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Theo Kế hoạch này, thành phố Cần Thơ phấn đấu đến năm 2025, xây dựng được vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao với quy mô diện tích 38.000ha và đến năm 2030 đạt 48.000ha.

Cần Thơ: Đến năm 2030 đạt 48.000ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Thành phố Cần Thơ có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 144.000ha, trong đó gần 80% diện tích đất nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 205.000ha, sản lượng lúa hàng năm đạt trên 1,3 triệu tấn, trong đó tập trung tại 3 huyện (Vĩnh Thạnh, Thới Lai và Cờ Đỏ) với diện tích gieo trồng trên 181.000ha, sản lượng trên 1,1 triệu tấn/năm, chiếm 88% tổng diện tích gieo trồng của thành phố.

Theo Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Cần Thơ hình thành vùng sản xuất lúa tập trung chuyên canh với quy mô diện tích 48.000ha, tập trung trên địa bàn 3 huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.

Thông qua kết quả của Dự án VnSAT trình độ sản xuất lúa của người dân được nâng lên, trong đó, cơ cấu giống lúa chất lượng cao và các giống lúa thơm, đặc sản được nông dân trên địa bàn sử dụng để gieo trồng với tỷ lệ trên 95%. Tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận chiếm trên 95%; lượng lúa giống gieo sạ từ 80 - 120 kg/ha; lượng phân hóa học, chủ yếu là phân đạm nguyên chất từ 90-100 kg/ha; tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học chiếm từ 10-15%; tỷ lệ áp dụng giải pháp tưới ngập khô xen kẻ đạt trên 75% diện tích trong vùng thực hiện dự án VnSAT, tương đương 28.000 ha - 21.600 hộ.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ có 34 tổ chức nông dân được thành lập và cơ cấu lại tổ chức, hoạt động; 08 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu tiêu thụ lúa hàng năm, với quy mô diện tích liên kết 25.959ha. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa theo từng khâu: Khâu gieo sạ trên 95%, khâu chăm sóc khoảng 95%, trong đó: Bón phân 100%, phun thuốc trừ sâu, bệnh 90%, khâu thu hoạch 100%.

Ngoài ra, tỷ lệ áp dụng máy bay không người lái (drone) trong phun thuốc, bón phân và gieo sạ chiếm khoảng 30% trong khâu chăm sóc. Các vùng sản xuất lúa hầu hết đã có đê bao nhưng chưa được kiên cố phải duy tu, bảo dưỡng, gia cố hàng năm; về trạm bơm điện chỉ một số vùng được đầu tư trạm bơm tại các xã như: Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi... các vùng còn lại đa số sử dụng máy bơm dầu, đường giao thông nông thôn được đầu tư bê tông hóa thuận lợi cho giao thông đi lại nhưng chưa thuận lợi cho logictic, vận chuyển máy móc, lúa ra khỏi đồng bằng đường bộ.

Mục tiêu tới là triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng được vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao với quy mô diện tích 38.000ha và đến năm 2030 đạt 48.000ha.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025: Diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 38.000ha. Tại các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100 kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững như 1 phải, 5 giảm, SRP, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận (GAP và tương đương) và được cấp mã số vùng trồng.

Tổ chức lại sản xuất là 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, Hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích và trên 32.000 hộ nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; có 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%. Lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp đạt trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Mục tiêu đến năm 2030: Diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 48.000ha. Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, SRP, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng. 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70%; trên 42.000 hộ nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; có 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Địa bàn triển khai Đề án tại 03 huyện trọng điểm trồng lúa của thành phố là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, với diện tích thực hiện đến năm 2030 là 48.000ha. Giai đoạn 1 (2024-2025): Tập trung vào củng cố diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT).

Giai đoạn này tập trung công tác xây dựng kế hoạch, thiết lập mã vùng trồng, tập huấn, củng cố các hợp tác xã (HTX), duy tu bảo dưỡng một số công trình; xây dựng một số công trình, mô hình điểm để nhân rộng và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030.

Vùng thực hiện Dự án VnSAT (2024-2025): Diện tích 38.000ha (huyện Vĩnh Thạnh 17.237ha, huyện Cờ Đỏ 10.995ha và huyện Thới Lai 9.768ha); với số xã tham gia dự án 25 xã (huyện Vĩnh Thạnh 11 xã, huyện Cờ Đỏ 8 xã và huyện Thới Lai 6 xã và hỗ trợ phát triển 38 Hợp tác xã/Tổ hợp tác (HTX/THT) (huyện Vĩnh Thạnh 20 HTX/THT ha, huyện Cờ Đỏ 12 HTX/THT và huyện Thới Lai 6 HTX/THT).

Triển khai rà soát, thiết lập các vùng canh tác quy mô tối thiểu 50ha/vùng. Thực hiện quy trình canh tác phù hợp, thống nhất từng vùng trồng gắn với tổ chức truy xuất nguồn gốc từng vùng (nhật ký sản xuất, định danh vùng trồng…).

Giai đoạn 2 (2026-2030): Xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập Đề án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp; nâng chất ngoài vùng Dự án VnSAT và mở rộng thêm 10.000ha. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng thuộc Dự án VnSAT và vùng diện tích mở rộng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, triển khai ứng dụng hệ thống MRV, đồng thời duy trì bền vững ở những vùng Dự án trong giai đoạn 2024-2025.

Theo Kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố và UBND quận, huyện và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch này; thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương kịp thời tham mưu, trình UBND thành phố điều chỉnh Kế hoạch cho phù hợp.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố, UBND huyện tổ chức triển khai, khảo sát các hạng mục cần đầu tư hạ tầng, thiết bị để hoàn thiện vùng canh tác lúa theo Đề án, vận động doanh nghiệp, nông dân và các thành phần kinh tế tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Chủ trì thực hiện một số mô hình mẫu đồng bộ cả về hạ tầng, thiết bị, liên kết sản xuất để nhân rộng trong vùng Dự án. Hàng năm, tổng hợp danh mục dự án đầu tư hạ tầng theo đề xuất của địa phương và doanh nghiệp trình UBND thành phố phê duyệt; đồng thời, căn cứ nội dung Kế hoạch này và các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng Kế hoạch và dự trù kinh phí thực hiện gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND thành phố cấp kinh phí triển khai thực hiện...

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load