(Xây dựng) - Mùa Thu tháng Tám 79 năm trước, Cần Thơ đã cùng với cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Thắng lợi Cách mạng tháng Tám rực rỡ, đổi đời của nhân dân Việt Nam, từ nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, lịch sử bước sang trang mới… Trải qua 79 năm biến cố thăng trầm lịch sử, Cần Thơ vẫn vang danh hào khí ngày nào và hôm nay thành phố Cần Thơ đã là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, đang phấn đấu trở thành đô thị hạt nhân, thành phố đáng sống Đồng bằng sông Cửu Long.
Con đường mang tên Trần Văn Khéo, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Cần Thơ 1945, tại thành phố Cần Thơ. |
Lưu danh phố phường đô thị…
Mùa Thu tháng Tám 1945, Cần Thơ đón nhận tin khởi nghĩa thắng lợi ở khắp nơi: Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn - Gia Định, Chợ Lớn, Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Vĩnh Long (25/8)… Chiều 25/8/1945, Tỉnh ủy Cần Thơ họp bất thường bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền và cử các ông Trần Ngọc Quế, ông Nguyễn Thượng Tư, ông Huỳnh Cẩm Chương đến gặp Sato chỉ huy Nhật tại Cần Thơ để tranh thủ không can thiệp vào việc giành chính quyền của cách mạng.
Sáng hôm sau, ngày 26/8/1945, hơn 20.000 đồng bào trong thị xã, các quận dương cao băng cờ, khẩu hiệu tập trung tại sân vận động Cần Thơ (nay là Thành ủy Cần Thơ), hô vang các khẩu hiệu “Chính quyền về tay nhân dân”, “Nước Việt Nam độc lập muôn năm”. Ủy ban Giải phóng Dân tộc tỉnh Cần Thơ lên lễ đài ra mắt nhân dân, ông Huỳnh Phan Hộ thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh Cần Thơ đọc lời hiệu triệu. Sau đó, cuộc biểu tình vũ trang tuần hành khắp đường phố trong thị xã và tập trung tại dinh xã Tây, đòi Tỉnh trưởng giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh Cần Thơ. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, Tỉnh trưởng Lưu Văn Tào lo sợ, chấp nhận yêu cầu của nhân dân, ra lệnh giải tán chính quyền bù nhìn trong tỉnh và xin chính quyền cách mạng cho làm công dân nước Việt Nam độc lập.
Thành ủy Cần Thơ 79 năm trước là sân vận động Cần Thơ nơi tập trung hơn 20.000 đồng bào trong thị xã, các quận trương cao băng cờ, khẩu hiệu, hô vang các khẩu hiệu “Chính quyền về tay nhân dân”. |
Ngày 26/8/1945, Ủy ban Dân tộc Giải phóng đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền trong tỉnh. Ngày 28/8/1945, ông Trần Văn Khéo, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Cần Thơ năm 1945, (nay được đặt tên đường Trần Văn Khéo - con đường đi qua Trung tâm thương mại Cái Khế, thành phố Cần Thơ, đông đúc xe cộ qua lại) đã thành lập Ủy ban Hành chính tỉnh Cần Thơ. Cùng với cả nước nhân dân tỉnh Cần Thơ đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám 1945 đã thắng lợi rực rỡ, viết nên trang sử vẻ vang, đưa đất nước bước sang trang sử mới.
“… Ôi tháng Tám! Tháng Tám!
Ôi tháng Tám
Giữa âm u người hiện lóe hào quang
Ôi oai hùng! Ôi kiêu hãnh! Ôi hiên ngang
Cùng một lúc, hai khoen xiềng Pháp Nhật
Ghép chặt lại tưởng vô cùng vững chắc
Phải tan tành với sức mạnh vô biên”.
(Nhà thơ Rum Bảo Việt – Báo Tiếng súng kháng địch miền Tây).
Hôm nay, những nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã hóa thiên cổ nhưng tên tuổi vẫn còn lưu danh trên các con đường phố phường đô thị thành phố Cần Thơ. Đó là Lê Văn Nhung (Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ năm 1940), Ngô Hữu Hạnh (Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ năm 1940) những nhà lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ cuộc tổng diễn tập cho Cách mạng tháng Tám 1945, đã bị Pháp bắt và hành quyết nhưng vẫn trung kiên, hiên ngang. Ngày 03/6/1941, trước khi đi xử bắn, cho linh mục đến rửa tội. Cả 2 ông dõng dạch nói: “Chúng tôi không có tội gì hết” và ung dung hát bài “Quốc tế ca” trước sự kinh ngạc của quân thù. Nghe tin ông Lê Văn Nhung và Ngô Hữu Hạnh tử hình, từ sớm sáng ngày 04/6/1941, quần chúng tập trung rất đông ở phía sau Khám lớn Cần Thơ nơi xử bắn. Đúng 9 giờ 30 phút, ngày 04/6/1941, địch đưa 2 ông ra pháp trường. Hai ông kiên quyết không cho kẻ thù bịt bắt để nhìn lần cuối đồng bào và quê hương yêu dấu của mình.
Di tích lịch sử Khám lớn Cần Thơ - Di tích quốc gia. |
Ông Ngô Hữu Hạnh bước lại bàn, ghi mấy dòng chữ để lại: “Hãy vững lòng tin vào thắng lợi cách mạng…”. Giữa pháp trường vang lên “Đả đảo thực dân Pháp. Cách mạng…”, một loạt súng nổ vang, hai đảng viên cộng sản đã vĩnh viễn ra đi thành người con bất tử quê hương. Hôm nay, tượng Lê Văn Nhung và Ngô Hữu Hạnh vẫn đứng sừng sững, hiên ngang nơi Khám lớn Cần Thơ - Di tích Quốc gia, và đã thành tên đường của thành phố Cần Thơ, Đường Trần Ngọc Quế - Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ 1945; Trần Văn Khéo, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Cần Thơ năm 1945; Nguyễn Văn Cừ, Trần Văn Hoài (Ban Chấp hành Tỉnh ủy Cần Thơ 1945); Huỳnh Phan Hộ… trở thành những tên đường trung tâm thành phố Cần Thơ.
Cần Thơ đang hướng đến đô thị hạt nhân
Chiến tranh đi qua, nước nhà thống nhất, xây dựng đất nước đàng hoàng, to đẹp hơn như ước nguyện Bác Hồ. Dẫu trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm lịch sử nhưng Cần Thơ vẫn xứng danh là Tây Đô. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm đô thị của vùng, thúc đẩy phát triển toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistiscs, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của cả vùng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và và hiện thực hóa Quy hoạch của thành phố Cần Thơ vừa được phê duyệt, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ hết sức nỗ lực, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết tâm huy động các nguồn lực nhất là các nguồn lực của xã hội, của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài thành phố, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, thương mại; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030 trở thành “Thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về công nghiệp công nghệ cao; về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc” như Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố Cần Thơ hôm nay. |
Thành phố Cần Thơ sẽ quyết liệt triển khai nhanh các kế hoạch, chương trình hành động, các đề án nhằm cụ thể hóa Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Chú trọng ưu tiên nguồn lực, nhân lực để triển khai việc lập quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng phân khu 1/5000, làm cơ sở để chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai theo quy định; cam kết thực hiện cải cách hành chính, thủ tục đầu tư thuận tiện, thông thoáng, kịp thời, đúng quy định pháp luật để thực hiện xúc tiến đầu tư, đấu thầu chọn nhà đầu tư, đấu giá những vị trí đất sạch, nhằm khơi thông nguồn lực đất đai của thành phố, tạo động lực mới để thành phố phát triển nhanh và bền vững; bên cạnh việc tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược về giao thông, đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố”.
Huỳnh Biển
Theo