Thứ năm 07/11/2024 23:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Cần thiết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

20:39 | 03/06/2024

(Xây dựng) – Đó là nội dung chính được đề cập tại Tờ trình dự thảo Nghị quyết và Báo cáo thẩm tra về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An tại phiên họp chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Cần thiết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Quốc hội)

Đề xuất thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/07/2023 của Bộ Chính trị nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên 04 quan điểm chỉ đạo: Thứ nhất, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; bám sát mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thứ hai, việc đề xuất các cơ chế, chính sách dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn, khoa học, pháp lý đầy đủ và tình hình thực tế của tỉnh.

Thứ ba, các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật hiện hành; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị, Quốc hội.

Thứ tư, tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền tỉnh Nghệ An, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh Nghệ An.

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết quy định 04 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước (04 chính sách); Quản lý đầu tư (06 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên rừng (02 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (02 chính sách).

Đáng chú ý có 04 chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An.

Cụ thể, Chính sách 1, cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 3 điều 3 dự thảo Nghị quyết).

Cần thiết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh. (Ảnh: Quốc hội)

Chính sách 2, cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên (khoản 2 điều 5 dự thảo Nghị quyết).

Chính sách 3, tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 4 điều 3 dự thảo Nghị quyết).

Chính sách 4, UBND tỉnh Nghệ An có không quá 05 (năm) Phó Chủ tịch (khoản 1 điều 6 dự thảo Nghị quyết).

Thống nhất sự cần thiết xây dựng Nghị quyết

Trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh khẳng định, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là cần thiết, có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng Nghị quyết; đồng thời đề nghị lưu ý cần bám sát Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm”.

Các chính sách cần thể hiện được tính đặc thù riêng biệt trong phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh; có tính đột phá hơn nữa theo mục tiêu Nghị quyết số 39-NQ/TW “Tạo sức bật mới nhằm phát triển Nghệ An xứng đáng với vai trò là trung tâm của vùng Bắc Trung bộ”.

Cơ bản nhất trí các chính sách tương tự đã áp dụng cho địa phương khác hoặc tương tự nhưng có điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn tỉnh Nghệ An

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với nhóm chính sách tương tự đã được áp dụng tại các địa phương khác hoặc tương tự nhưng có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn tại Nghệ An.

Về chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (khoản 5 Điều 4), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với chính sách vì việc tách riêng công tác bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể có thể đẩy nhanh được tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, chính sách này đã được áp dụng cho tỉnh Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và ở một số dự án, đã phát huy hiệu quả tích cực trên thực tế.

Cần thiết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Đối với chính sách hỗ trợ ngân sách giữa các cấp, các địa phương (khoản 2 Điều 3), đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với dự thảo Nghị quyết và cho rằng việc áp dụng chính sách sẽ góp phần tăng cường nguồn lực cho tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An. Chính sách này cũng tương tự với chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế (Quỹ bảo tồn di sản Huế).

Về chính sách cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 3 Điều 3), đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với chính sách trên để bổ sung nguồn lực cho tỉnh Nghệ An trong đầu tư phát triển miền Tây Nghệ An.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên ấn định tỉ lệ và số tuyệt đối khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An.

Liên quan đến chính sách cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 4 Điều 3), đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí và cho rằng, việc cho phép phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương nói trên sẽ bảo đảm tính ổn định và công khai, minh bạch, rõ ràng của chính sách; tạo sự chủ động cho địa phương trong việc cân đối, lập kế hoạch bố trí nguồn lực cho các dự án…

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load