Chủ nhật 07/07/2024 22:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cát nhiễm mặn đáp ứng các tiêu chí về cơ lý, các điều kiện để có thể san lấp

14:14 | 30/05/2024

(Xây dựng) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đề cập nội dung này khi giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận ở hội trường về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Cát nhiễm mặn đáp ứng các tiêu chí về cơ lý, các điều kiện để có thể san lấp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình các vấn đề liên quan đến đất đai, biến đổi khí hậu, vấn đề năng lượng, vật liệu xây dựng…

Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Đảng và Nhà nước đều hết sức quan tâm. Sau khi Thủ tướng tham dự COP26, từ Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đến Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã được điều chỉnh, từ đó xác định rõ mục tiêu, quan điểm liên quan đến thích ứng, giảm phát thải khí nhà kính và các giải pháp tăng trưởng xanh...

Đồng thời, chúng ta cũng đã ban hành rất nhiều và tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành những nghị quyết liên quan đến vấn đề năng lượng như Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong thời gian vừa qua, về vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp có rất nhiều chỉ đạo. Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) cùng với các đối tác phát triển các nước G7 và một số nước khác. Từ đây đã xác định được nhu cầu của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi công bằng và cần có sự tham gia một cách công bằng của các nước phát triển. Vấn đề này đã công bố tại COP 28.

Đồng thời, Việt Nam đã thành lập các Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, các tổ công tác liên quan đến các vấn đề giảm nhẹ phát thải nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư…

Liên quan đến vấn đề giảm phát thải nhà kính, Thủ tướng đã chỉ đạo và đã trình Quốc hội đưa vào chương trình và mong Quốc hội ủng hộ, sớm sửa đổi Luật Điện lực, trong đó có đề cập vấn đề năng lượng tái tạo và các chính sách phát triển kinh tế xanh liên quan đến năng lượng.

Chính phủ cũng đang tích cực triển khai nghị định liên quan đến mua, bán điện trực tiếp đối với khách hàng lớn, tập trung cho năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trong tháng này phải ban hành được nghị định về vấn đề liên quan đến điện áp mái, với tinh thần là khuyến khích người dân tham gia để có đóng góp bổ sung cho nguồn điện và đồng thời xác định đối với các hộ sử dụng điện áp mái trong các khu công nghiệp không đưa điện này lên dây mà hoàn toàn mua, bán điện trực tiếp.

Cơ chế mua, bán điện trực tiếp là tiền đề để hướng đến thị trường điện cạnh tranh với các nguồn điện - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định.

Cát nhiễm mặn đáp ứng các tiêu chí về cơ lý, các điều kiện để có thể san lấp
Quốc hội thảo luận về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024…ngày 29/5.

Về vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, rất bài bản. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những đánh giá tổng thể tác động từ thượng nguồn, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt xác định trung tâm của ảnh hưởng là vấn đề tài nguyên nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ - CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…

Thực hiện quy hoạch tổng thể về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta đã ban hành Kế hoạch triển khai với gần 60 dự án. Trong đó có 16 dự án vừa được Thủ tướng Chính phủ ký một Nghị quyết của Chính phủ về việc huy động 2,5 tỷ USD để tập trung phát triển, từ vấn đề thích ứng trong nông nghiệp đến xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ…

Các dự án được ưu tiên là hạ tầng liên quan đến cấp nước tập trung; giải quyết vấn đề lũ lụt ở thượng nguồn; cung cấp nước cho trung tâm đồng bằng và khu vực ven biển.

Về nguồn lực dự án, Phó Thủ tướng cho biết đã được tính toán, vấn đề chỉ còn lại thời gian, nỗ lực của các địa phương, liên kết, điều phối vùng…

Nhiều giải pháp trước mắt có thể khắc phục được tình trạng thiết vật liệu xây dựng

Liên quan đến đất đai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, những vấn đề hạn chế tồn tại yếu kém, đùn đẩy, sợ trách nhiệm liên quan đến thủ tục hành chính, lãng phí nguồn lực, không tiết kiệm mà các đại biểu nêu cũng đều liên quan đến 3 bộ luật, gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.

Quốc hội đã thông qua 3 bộ luật này. Nếu 3 bộ luật này đi vào cuộc sống từ ngày 1/7 này thì những vấn đề hạn chế, yếu kém sẽ giải quyết được về cơ bản.

Trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cá nhân Phó Thủ tướng dành thời gian làm việc với tất cả 63 tỉnh, thành, các hiệp hội và doanh nghiệp ở các địa phương để xem các dự thảo nghị định đã phản ánh đầy đủ và triển khai được cụ thể các nội dung của Luật hay chưa? Nếu được Quốc hội cho phép 3 luật có hiệu lực sớm từ 1/7, Chính phủ cũng quyết tâm làm đầy đủ, ban hành kịp thời 14 Nghị định triển khai luật, các Bộ cũng ban hành trên 10 thông tư hướng dẫn.

Đối với vấn đề vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng cho biết, đây là một vấn đề có lẽ không phải lớn đối với đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án cao tốc đang được đẩy rất nhanh tốc độ, tiến độ và quy mô, bởi vậy các địa phương không đáp ứng được nguồn vật liệu.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề vật liệu xây dựng đã phân cấp quy hoạch, phân cấp về quản lý, khai thác, kiểm soát là địa phương nhưng vừa qua Quốc hội đã ban hành nghị quyết về các cơ chế đặc thù, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết để giải quyết. Đồng thời, Thủ tướng đang chỉ đạo sửa Luật về địa chất và khoáng sản…

Thủ tướng đã 2 lần vào để trực tiếp chỉ đạo và Phó Thủ tướng thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã cùng các Bộ trưởng triển khai 3 cuộc họp và thậm chí đã đến khảo sát tận nơi.

Phó Thủ tướng nhận định, nếu tích cực thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ thì sẽ không có khó khăn về vật liệu xây dựng.

Đến nay, mọi vấn đề đã được giải quyết theo 3 giải pháp. Giải pháp thứ nhất là tuyệt đối áp dụng các quy chế đặc thù Quốc hội và Chính phủ đã ban hành. Thứ hai là nắm thật sát nhu cầu theo tiến độ và công suất. Thứ ba là mở rộng thêm các nguồn cát.

Nghị định 157 vừa được Chính phủ ký ban hành đã giải quyết việc nạo vét luồng lạch kết hợp với khai thác cát có thể bổ sung thêm 45 triệu m3 cát, như vậy đã đảm bảo dư thừa nguồn vật liệu so với nhu cầu hiện nay.

Hơn nữa, hiện có 145 triệu m3 cát nhiễm mặn ở Sóc Trăng. Bộ Giao thông Vận tải đã thí điểm, nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp, qua đó cho thấy cát nhiễm mặn đáp ứng các tiêu chí về cơ lý cũng như các điều kiện để có thể san lấp và đảm bảo kiểm soát được vấn đề môi trường khi san lấp.

“Như vậy, vấn đề vật liệu xây dựng về lâu dài chúng ta sẽ tính toán để có cái nhìn lâu dài và khoa học hơn, nhưng trước mắt những giải pháp đó đã đủ giải quyết” – Phó Thủ trướng Trần Hồng Hà cho biết.

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load