(Xây dựng) – Theo các đại biểu Quốc hội, cần có những chế định mới quyết định chặt chẽ hơn về công tác quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, chăm sóc trẻ em. Vì mầm non chính là mầm xanh của đất nước.
Tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em. |
Cần có trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục trẻ
Theo ghi nhận, thời gian gần đây đã xảy ra không ít những vụ việc học sinh bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón, dẫn đến nhiều hậu quả thương tâm. Đó là vụ bé trai 6 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón của Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, có cơ sở tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội vào ngày 6/8/2019.
Hay ngày 29/5 vừa qua, tại thành phố Thái Bình cũng đã xảy ra vụ bé trai 5 tuổi học trường Mầm non Hồng Nhung bị nhân viên phụ trách đưa đón bỏ quên trên xe suốt từ đầu giờ sáng đến gần 17 giờ chiều cùng ngày dẫn đến tử vong.
Những vụ việc trên tiếp tục gióng lên hồi chuông đáng báo động về sự tắc trách của một bộ phận giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục trong việc đưa đón trẻ đến trường. Bên cạnh đó là trách nhiệm đối với trẻ em, đặc biệt là trong công tác quản lý, giáo dục trẻ.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khẳng định vụ việc bé trai 5 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong là một tình trạng rất đáng báo động. |
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, trường hợp xảy ra trước đây bởi sự tắc trách trong quy trình quản lý của nhà trường. Nhà trường có nhiệm vụ tổ chức xe đưa đón học sinh, thế nhưng khi xuống xe, giáo viên chủ nhiệm, phụ trách xe và tài xế lại không rà soát lại, dẫn đến tình trạng bỏ quên học sinh trên xe.
“Vụ việc xảy ra là do sự tắc trách của người lớn. Đây cũng là hồi chuông báo động về công tác quản lý giáo dục, tổ chức đưa đón học sinh tại các trường học nói chung và trường Mầm non nói riêng. Nhà trường vốn được coi là môi trường an toàn nhất cho con trẻ, mà bây giờ lại xảy ra rất nhiều vụ việc thương tâm, những tai nạn học đường xảy ra cũng không phải là hiếm”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.
Cần xây dựng một môi trường sống an toàn cho trẻ em
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, từ vụ việc của bé trai tại Thái Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải nhanh chóng có những chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhà trường vốn được coi là môi trường an toàn nhất cho con trẻ mà bây giờ lại xảy ra rất nhiều các vụ việc thương tâm.
“Việc đảm bảo một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em lớn lên là nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả người lớn chúng ta. Điều này cũng đã được quy định rất rõ trong các dự án luật liên quan đến trẻ em, trong Công ước quốc tế quyền trẻ em mà Việt Nam là một trong những quốc gia ký từ rất sớm. Tuy nhiên, thực hiện điều này đến đâu thì chúng ta vẫn còn rất nhiều lỗ hổng, rất nhiều hạn chế cần phải bàn đến”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nói.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là câu chuyện liên quan đến tính mạng con người và tương lai của đất nước. Công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương đối với công tác giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng cần được quan tâm hơn bằng những quy định cụ thể, hành lang pháp lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. |
“Không phải đến khi có vụ việc xảy ra thì mới can thiệp, khi ấy thì đã muộn rồi. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng liên quan đến giáo dục Mầm non cần có sự rà soát, có những chế định mới quyết định chặt chẽ hơn về công tác quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, chăm sóc trẻ. Vì mầm non chính là mầm xanh của đất nước. Chuẩn bị cho tương lai mà chuẩn bị tốt từ giáo dục sẽ tạo tiền đề vững chắc cho giáo dục phổ thông”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu khẳng định.
Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan Nhà nước tiếp tục nỗ lực hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm thắt chặt hơn nữa việc quản lý hoạt động đưa đón học sinh, đặc biệt là học sinh mầm non. Việc thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và những quy định mới về quản lý xe đưa đón học sinh được kỳ vọng sẽ giúp cho những vụ việc đau lòng như vậy không còn xảy ra trong thời gian tới.
Đồng thời nhấn mạnh, để tạo ra được một môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em cần có trách nhiệm và sự chung tay, góp sức của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Phát động “Tháng hành động vì trẻ em” với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, mỗi cá nhân; các cấp, ngành; gia đình và cộng đồng cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong công tác bảo vệ trẻ em để đảm bảo quyền trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển đất nước.
Hà Trần
Theo