Chủ nhật 03/11/2024 05:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Cần thiết hình thành khu xử lý chất thải tập trung

10:59 | 26/03/2020

(Xây dựng) - Thời gian qua, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ tập trung, cùng với tốc độ gia tăng dân số đã tạo nên những áp lực đối với công tác quản lý chất thải tại các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn. Ngay cả đối với chất thải được thu gom bởi chính quyền đô thị, phần lớn vẫn được xử lý trong các bãi chôn lấp với thiết kế không hợp vệ sinh và quản lý yếu kém, gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng.

can thiet hinh thanh khu xu ly chat thai tap trung
Thời gian qua, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ tập trung, cùng với tốc độ gia tăng dân số đã tạo nên những áp lực đối với công tác quản lý chất thải tại các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn (Nguồn: Internet).

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã đưa ra dự báo với Việt Nam về phát sinh chất thải rắn sinh hoạt là 8,4%/ năm đối với khu vực đô thị và tổng mức độ tăng dự báo khoảng 5% mỗi năm, tổng lượng chất thải ước trên cả nước tính tăng lên 54 triệu tấn vào năm 2030.

Theo đánh giá của WB, quản lý chất thải ở Việt Nam có đặc điểm là khá hạn chế trong việc thu gom, xử lý và tiêu hủy đối với hầu như tất cả các loại chất thải. Đối với các loại chất thải khác nhau, việc quản lý, hoạt động gắn liền với hạn chế trong giám sát và thiếu vốn để đầu tư, vận hành, khiến một lượng lớn các loại chất thải không được xử lý hoặc tiêu hủy một cách có kiểm soát.

Đặc biệt tại những địa phương có mức phát thải cao và mật độ dân số cao, dẫn nguồn nước bị nhiễm bẩn, ô nhiễm đất, lây lan bệnh tật và bị phơi nhiễm với ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ đốt chất thải.

Chưa kể, quá trình đô thị hóa, cùng với việc tăng trưởng kinh tế và dân số một cách nhanh chóng đang tạo ra lượng chất thải ngày càng tăng cao, với khối lượng phát sinh chất thải ở Việt Nam tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm trở lại đây.

Trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng đã đề ra một số điểm mới như cấm chôn trực tiếp chất thải, chỉ được phép chôn lấp chất thải khi đã qua xử lý nhằm tối đa hóa lợi ích từ chất thải thông qua các công nghệ xử lý hiện đại; Coi chất thải là tài nguyên nếu chất thải phát sinh có thể tái chế, tái sử dụng; Quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các bãi chôn lấp, quy trình vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại…

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việt Nam cũng khuyến khích các địa phương phát triển công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng. Để ứng dụng được công nghệ này, lượng chất thải phải đủ lớn, với công suất từ 300 - 400 tấn/ngày. Vì vậy, cần hình thành khu vực xử lý chất thải rắn tập trung, liên huyện, liên tỉnh.

Để thực hiện được yêu cầu trên, phải rà soát toàn bộ quy hoạch của các tỉnh, thành phố để hình thành các khu xử lý chất thải tập trung để đủ áp dụng công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng, tránh tình trạng phân tán nhỏ lẻ và không khuyến khích việc chôn chất thải không qua xử lý. Sẽ không để hình thành các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Đồng thời, Luật giao UBND cấp tỉnh lập kế hoạch, bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt do Nhà nước quản lý; phê duyệt kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường đối với các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không do Nhà nước quản lý và giao Chính phủ quy định về tạo ưu đãi đối với việc cải tạo, phục hồi môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

Theo khuyến nghị của WB, thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên các cơ sở xử lý quy mô lớn sử dụng công nghệ hiện đại và tập trung đáng kể vào việc tái chế và nâng cấp các bãi chôn lấp để ngăn chặn các tác động môi trường và sức khỏe.

Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để hướng tới các mục tiêu quản lý chất thải đã được phê duyệt, các chuyên gia cho rằng, cần phải xây dựng quy hoạch, lộ trình mang tính thực tế để quản lý chất thải trong tương lai, có xét đến tính bền vững tài chính của cơ sở hạ tầng, khả năng chi trả, cải cách thể chế và pháp lý và tăng cường năng lực và nhận thức/tiếp cận cộng đồng…

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load