Thứ năm 28/03/2024 16:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cần tập trung phát triển hạ tầng dành cho xe đạp tại Việt Nam

21:16 | 11/11/2021

(Xây dựng) - Trước áp lực giao thông, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng cao và tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xe đạp đang dần trở thành phương tiện di chuyển được nhiều người sử dụng trong nước và trên thế giới bởi tính tiện dụng và giá cả vừa túi tiền. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay chính là việc đảm bảo cơ sở hạ tầng cho xe đạp.

can tap trung phat trien ha tang danh cho xe dap tai viet nam
Đi xe đạp giúp rèn luyện sức khỏe và bảo vệ môi trường (Ảnh: Internet).

Xu hướng sử dụng xe đạp ngày càng phát triển

Những ngày qua, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội thường xuyên duy trì ở mức kém, có thời điểm còn ở mức nguy hại. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao là do việc gia tăng phương tiện giao thông cá nhân với lượng phát thải chưa kiểm soát được. Điều này đòi hỏi thành phố cần sớm đẩy nhanh phát triển giao thông xanh và hạ tầng dành cho xe đạp để bảo vệ môi trường.

Là phương tiện đáng tin cậy, sạch, thân thiện với môi trường và “vừa túi tiền”, xe đạp tạo ra phong cách sống lành mạnh, lại vừa là giải pháp hữu hiệu trong việc tránh ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, nhiều người dân Hà Nội đã lựa chọn cách đạp xe trên các tuyến phố để rèn luyện sức khỏe. Không chỉ là đạp xe để vận động thể chất, phương tiện này còn được nhiều người chuyển sang sử dụng làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Thay vì sử dụng ôtô để đi làm như trước, anh Trần Văn Đức (quận Ba Đình) quyết định chuyển sang dùng xe đạp làm phương tiện đi làm. Anh Đức chia sẻ: “Tôi mua chiếc xe đạp thể thao gần 10 triệu đồng để đi làm và tập thể dục mỗi buổi chiều. Hơn nữa, từ khi đi làm bằng xe đạp, tôi cũng ít gặp phải tình trạng tắc đường mỗi khi tham gia giao thông”.

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng và vấn nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội, các chuyên gia đô thị cho rằng, để tạo thói quen đi xe đạp và khuyến khích được người dân sử dụng phương tiện giao thông xanh di chuyển thường xuyên chứ không chỉ là hình thức tập luyện thể thao thì hạ tầng dành cho loại hình phương tiện này cần được tính đến ngay từ khâu quy hoạch và được đầu tư xây dựng bài bản.

Thời gian qua, Hà Nội đã chú trọng phát triển giao thông công cộng như mở rộng mạng lưới xe buýt và đưa vào hoạt động tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Tuy nhiên, với một thành phố có tới hơn 8 triệu dân thì các loại hình vận tải công cộng này sẽ không thể đáp ứng nổi trong khi sự kết nối hạ tầng chưa đồng bộ. Trước áp lực giao thông đang ngày một lớn, việc phát triển phương tiện xe đạp đang được xem là giải pháp hiệu quả để giảm ách tắc giao thông.

Việc thiếu hạ tầng cho xe đạp đã phần nào ngăn cản người dân sử dụng thường xuyên hơn loại phương tiện này, cũng như khiến dịch vụ xe đạp công cộng khó phát triển. Do vậy, trong quá trình quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng, cần tính toán tới việc sử dụng xe đạp. Đây sẽ trở thành giải pháp kết nối giao thông công cộng, giảm phương tiện cơ giới cá nhân, mang lại nhiều ý nghĩa cho hệ thống giao thông, môi trường đô thị ở Thủ đô và các đô thị lớn trong cả nước.

Hà Nội cần gì để phát triển xe đạp trong tương lai?

Là một người yêu thích và tham gia nhiều hoạt động thể thao bằng xe đạp, anh Nguyễn Tuấn Minh (quận Thanh Xuân) cho biết: “Ở nhiều nước phát triển, xe đạp đã trở thành phương tiện di chuyển thường xuyên của người dân do tính tiện dụng của nó. Tuy nhiên, ở Hà Nội, xe gắn máy và ôtô vẫn được sử dụng nhiều gây ùn tắc giao thông kéo dài, kèm ô nhiễm không khí do hạ tầng dành cho xe đạp chưa được phát triển. Tôi mong muốn trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có những làn đường dành riêng cho xe đạp để người dân sử dụng xe đạp như một phương tiện giao thông chính, góp phần giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông kéo dài như hiện nay”.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, vẫn còn khoảng cách giữa mục tiêu và thực tế. Muốn phát triển vận tải công cộng thì phải phát triển hệ thống vận tải kết nối trong đó có xe đạp. Muốn như vậy phải có ưu tiên về hạ tầng, cơ chế chính sách, chúng ta phải hỗ trợ, ưu tiên bảo vệ cho người đi xe đạp. Phát triển xe đạp là thêm một phương tiện, thêm một lựa chọn cho người dân, tiến tới kết hợp giữa xe đạp với giao thông công cộng thì sẽ đạp mới được sử dụng thường xuyên. Kinh nghiệm của các thành phố xe đạp trên thế giới cho thấy ngoài vấn đề tiện lợi, quyền ưu tiên khi lưu thông trên đường, cơ sở hạ tầng an toàn dành cho người đi xe đạp là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương tiện của người dân sống trong các thành phố.

Hiện nay, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đang phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), Tổ chức HealthBridge (Canada), World Resouces Institue (WRI, Mỹ) để nghiên cứu, xây dựng dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị ở Việt Nam. Dự thảo này được thực hiện nhằm cung cấp cơ sở khoa học để bổ sung, hoàn thiện các quy định về kết cấu hạ tầng cho phương tiện xe đạp trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hiện nay, qua đó góp phần thúc đẩy người dân đô thị sử dụng phương tiện xe đạp.

Để thực hiện được mục tiêu xây dựng thành phố xanh, Hà Nội cần nhiều giải pháp như sử dụng nhiên liệu sạch, trồng cây xanh, kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm, phát triển hệ thống giao thông xanh. Mục tiêu lớn của việc phát triển xe đạp công cộng là giúp người dân dễ dàng sử dụng xe đạp với chi phí thấp để thực hiện các chuyến đi ngắn trong đô thị. Xe đạp công cộng sẽ đóng vai trò như một dạng phương tiện thay thế, bên cạnh xe buýt, tàu điện hoặc xe riêng, qua đó giúp giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, tiếng ồn, khói bụi và ô nhiễm. Các hệ thống chia sẻ xe đạp cũng được xem như cầu nối tốt giúp đưa người dùng tới gần hơn với các mạng lưới vận tải công cộng. Trong đó, cần chú đặc biệt trọng xây dựng được hệ thống đường xe đạp nhằm tăng cường khả năng kết nối, khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng.

Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load