(Xây dựng) – Trước những yêu cầu phát triển rất cao của Nghị quyết Đại hội Đảng, nhiều đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng cần thúc đẩy cơ chế tăng cường giám sát tối cao để tạo động lực cho việc ban hành chính sách mới đáp ứng yêu cầu và kịp thời với sự phát triển của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho biết, cần tăng cường giám sát về cơ chế, chính sách. |
Cách nào nâng cao hiệu quả giám sát?
Trong phiên họp tại tổ của đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, các đại biểu đồng tình, nhất trí cao với báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội, đánh giá Quốc hội khóa XIV đổi mới toàn diện, sáng tạo trên các lĩnh vực lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là hoạt động đối ngoại có nhiều điểm đáng ghi nhận.
Quốc hội nhiệm kỳ này để lại nhiều suy nghĩ và đánh giá tốt đẹp đối với các đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước: Trong xây dựng chương trình và điều hành cuộc họp có nhiều cải tiến, thời gian sử dụng rất nhiều, không có thời gian trống, chương trình hợp lý, biến phát biểu thành tranh luận, chất vấn hiệu quả và đi thẳng vào vấn đề; chương trình giám sát tối cao cụ thể, thiết thực, toàn diện và minh bạch; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mang tính khoa học, dân chủ, lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, nhiều tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội; xây dựng pháp luật có rất nhiều cải tiến...
Tuy nhiên, trước những yêu cầu phát triển rất cao trong những năm tới của Nghị quyết đại hội Đảng lần này, Quốc hội cần tạo động lực thúc đẩy và có cơ chế tăng cường giám sát chính sách để các cơ quan hành pháp ban hành những chính sách mới kịp thời và đáp ứng yêu cầu sự phát triển.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình – nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Hanel cho biết, cần tăng cường giám sát về cơ chế, chính sách bởi kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cơ chế, chính sách là tài nguyên trí tuệ rất quan trọng đối với sự phát triển của bất cứ quốc gia nào.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần có sự theo đuổi đến cùng những vấn đề được phát hiện trong quá trình giám sát. |
Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Quốc hội có hoạt động giám sát tại hội trường, đoàn giám sát chuyên đề, đoàn giám sát tối cao và có những báo cáo giám sát được đánh giá cao nhất là vấn đề về đất đai. Tuy nhiên, trong hoạt động giám sát, Quốc hội chưa có đủ thời gian tiếp cận đến trực tiếp các đối tượng chịu tác động của các hoạt động nên phần lớn những nội dung báo cáo giám sát chủ yếu được nghe thông qua tổng hợp văn bản, phản hồi, trao đổi, tọa đàm đối với đơn vị giám sát. Nếu Quốc hội trực tiếp đi giám sát để gặp các đối tượng chịu tác động, chịu ảnh hưởng thì đảm bảo khách quan hơn. Sau khi giám sát, cần có sự theo đuổi đến cùng những vấn đề được phát hiện trong quá trình giám sát, nêu vấn đề ra mà không theo đuổi thì hiệu quả giám sát chưa tốt.
Ban hành luật phải thực thi được ngay
Bên cạnh đó, trong hoạt động xây dựng pháp luật cần nâng cao hơn nữa đánh giá tác động của luật một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn, khoa học hơn và cụ thể hơn.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, vừa qua tất cả các đạo luật đều có đánh giá tác động ban hành luật nhưng chưa thực sự có chất lượng. Việc lấy ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp cũng như các đối tượng điều chỉnh chính của luật cũng cần được làm tốt hơn. Đặc biệt, rất nhiều đại biểu đã đề nghị từ Quốc hội khóa XIIV, khi trình luật thì trình luôn văn bản hướng dẫn luật kèm hồ sơ vì luật và văn bản hướng dẫn luật trình một lúc là thể hiện luật ra đời sẽ thực thi được ngay. Hiện nay vẫn còn tình trạng văn bản luật ra nhưng hướng dẫn thực thi luật chưa có, ban hành chậm.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh vấn đề xây dựng chính sách pháp luật là nhiệm vụ chính, chủ yếu và cơ bản của quốc hội, phải coi chính sách pháp luật là nguồn lực để phát triển. Cho nên, cần đầu tư hơn nữa vào con người, vào nguồn lực cho việc xây dựng chính sách pháp luật cũng như tính dự liệu, dự báo trong các văn bản luật. Hiện nay, nhiều Bộ ngành chưa thực sự chọn ra những người có nhiều kinh nghiệm, người giỏi để thực hiện công tác này.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần đầu tư hơn nữa vào con người, vào nguồn lực cho việc xây dựng chính sách pháp luật cũng như tính dự liệu, dự báo trong các văn bản luật. |
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: “Chúng tôi đi dự các Hội nghị làm luật, nhiều cán bộ chuyên viên rất mới, rất trẻ tham gia xây dựng luật, trong khi đó xây dựng luật là quá trình chắt lọc, tổng hợp lại những gì đã diễn ra trong đời sống để thành các quy phạm pháp luật để tổ chức thực hiện. Những cán bộ quá trẻ, ít kinh nghiệm và trải nghiệm không thể chắt lọc, không thể kết tinh được các vấn đề thành quy định pháp luật”.
“Tìm được đạo luật nào tồn tại được 10-15 năm thì hầu hết là những luật ít tác động đến đời sống, còn những luật vào đời sống thì cứ vài năm lại phải thay, có những luật vòng đời rất ngắn. Như vậy tốn kém. Cứ chi hẳn mấy tỷ đồng để đầu tư cho ra đời các đạo luật tốt!” – ông Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm.
Thanh Nga
Theo