(Xây dựng) - Ngày 7/10, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đồng thuận việc mở lại các đường bay chở khách thường lệ, đặc biệt là các chuyến bay đi, đến Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 10/10.
Sân bay Nội Bài (Ảnh minh họa). |
Văn bản do ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) ký gửi UBND các tỉnh, thành phố nêu rõ lý do để mở lại các chuyến bay nội địa chở khách thường lệ. Theo đó, hàng không là ngành mang tính động lực có vai trò to lớn đối với kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2019, trước đại dịch, ngành Hàng không vận chuyển 116 triệu khách trong nước và quốc tế, đạt doanh thu trên 200.000 tỷ đồng, nộp thuế phí trực và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, từ khi bùng phát dịch đến nay, doanh thu các hãng hàng không liên tục giảm, hiện chỉ còn chưa đến 10% so với trước dịch. Doanh nghiệp hàng không bị lỗ ngày càng lớn, dự báo năm 2021 có thể lên tới 20.000 tỷ đồng; nợ ngắn hạn và đến hạn phải trả của các hãng lên tới 36.000 tỷ đồng.
Dịch bệnh Covid-19 khiến ngành Hàng không phải dừng bay, mỗi ngày thiệt hại trên 500 tỷ đồng/ngày. Ngành Du lịch thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng/ngày (70% khách du lịch do hàng không vận chuyển)" - Ông Phạm Việt Dũng cho biết thêm.
Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hai sân bay trọng yếu của đất nước, chiếm gần 90% số lượng khách và doanh thu của các hãng hàng không trong nước. Hầu hết, khách đi/đến đều liên quan đến 2 sân bay này. Nếu Nội Bài tiếp tục ngừng tiếp nhận khách bay thương mại thường lệ, sẽ gây thiệt hại lớn cho hàng không, cho người dân và cho kế hoạch phục hồi kinh tế của đất nước.
Cùng đó, hàng không là phương tiện vận chuyển an toàn nhất trong các loại hình vận tải công cộng. Môi trường trên máy bay được đánh giá gần đạt độ vô trùng. Các phi công, tiếp viên, nhân viên hàng không đều đã được ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.
Hiện Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có dịch đạt tỉ lệ tiêm vắc xin rất cao. Theo các kết quả nghiên cứu, xác suất lây nhiễm và nguy cơ tử vong của những người đã tiêm mũi 1, mũi 2 và đã khỏi bệnh thấp hơn so với người chưa tiêm vắc xin. Ngược lại, 6 tháng sau tiêm, tác dụng của vắc xin cũng sẽ giảm.
Thời gian qua, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có dịch đã được ưu tiên tiêm vắc xin trước để kiểm soát dịch bệnh và sớm trở lại làm việc, sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho gia đình, xã hội. Do vậy, cần ưu tiên cho các đối tượng này đi lại, làm việc, sinh hoạt bình thường, kể cả đến từ vùng dịch.
VABA đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đồng thuận việc mở lại các đường bay thương mại chở khách thường lệ, đặc biệt là các chuyến bay đi, đến Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 10/10/2021 và không cách ly tập trung đối với khách âm tính (chỉ theo dõi, quản lý bằng công nghệ)
Đại diện các hãng hàng không cho biết đã sẵn sàng bay trở lại. Nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại sân bay và trên chuyến bay, Vietnam Airlines và Pacific Airlines vẫn áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp như kiểm tra thân nhiệt hành khách, thường xuyên khử khuẩn tàu bay và trang thiết bị mặt đất,...
Trong thời gian đầu, các hãng sẽ bố trí hành khách ngồi giãn cách trên tàu bay. Nhằm tăng cường “lá chắn” bảo vệ hành khách và người lao động, 100% lực lượng tuyến đầu trực tiếp phục vụ hành khách, hàng hóa như phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất cũng đã được Vietnam Airlines và Pacific Airlines tiêm vắc xin phòng Covid-19. Vietjet cũng cho biết đã duy trì các công tác bảo dưỡng đội tàu bay trong suốt thời gian giãn cách, luôn sẵn sàng cho kế hoạch trở lại bầu trời. Là một trong những hãng hàng không được Airline Ratings xếp hạng 7/7 sao - mức cao nhất thế giới về thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống Covid-19 dành cho các hãng hàng không toàn cầu, Vietjet áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tốt nhất theo chuẩn quốc tế trong tất cả hoạt động khai thác. Tất cả nhân viên tuyến đầu phục vụ hành khách đều đã được tiêm vaccine đầy đủ cũng như xét nghiệm thường xuyên, trang bị đầy đủ các thiết bị phòng chống dịch tốt nhất.
Ngày 7/10, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội, văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: "Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Giao thông vận tải đề xuất hai phương án triển khai chuyến bay nội địa thường lệ giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ 10/10/2021".
Cụ thể, theo Bộ Giao thông vận tải, phương án 1, sẽ tổ chức chuyến bay giữa Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 2 chuyến khứ hồi/ngày (chở khách 2 chiều). Phương án 2, chỉ tổ chức vận chuyển hành khách chiều từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất ban đầu là 4 chuyến bay/ngày.
Để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, các hãng hàng không đã phối hợp với bệnh viện chuẩn bị phương án test nhanh Covid-19 đối với tất cả các khách chiều đi tại các sân bay trước khi lên máy bay (kể cả khách đã có kết quả âm tính 72h trước khi đến sân bay). Toàn bộ khách hàng không đều phải sử dụng PC-Covid và bật chế độ truy vết, cho phép quản lý hoàn toàn bằng công nghệ mà không phải cách ly tập trung tại điểm đến.
Lê Mỹ
Theo