Các địa phương có sự phát triển như ngày hôm nay là có sự đóng góp, ủng hộ, đồng tình của nhân dân và có một bộ phận nhân dân phải chấp nhận hy sinh một phần lợi ích của mình. Vì vậy, khi thực hiện các dự án cần thu hồi đất, phải quan tâm đến lợi ích của người dân, thậm chí cần có chính sách đặc biệt trong những trường hợp đặc biệt.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đối thoại với công dân - Ảnh: Quang Hiếu
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP tiếp công dân Thái Nguyên |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh điều này trong buổi làm việc, đối thoại và trao đổi ý kiến với công dân xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được tổ chức tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh Thái Nguyên sáng 9/7.
Buổi tiếp công dân có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa và đại diện Thanh tra Chính phủ; Cục An ninh xã hội (A88, Tổng cục An ninh II, Bộ Công an), Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long và các Sở, ngành, địa phương có liên quan của tỉnh Thái Nguyên.
Gần 13 năm khiếu nại của 20 hộ dân
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã trực tiếp nghe các ý kiến của ông Nguyễn Chính Quy cùng 4 công dân đại diện cho 20 hộ dân xóm Chiến Thắng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có liên quan đến vụ việc khiếu kiện kéo dài từ năm 2002 đến nay.
Đây là những công dân nhiều lần đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương trình bày khiếu nại, kiến nghị liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ khi UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định thu hồi đất của các hộ dân tại xã Yên Lãng, huyện Đại Từ để giao cho Xí nghiệp Than Núi Hồng thuê thực hiện dự án khai thác than và sản xuất vật liệu xây dựng; không có phương án bồi thường trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ.
Dự án khai thác than tại khu 6 thấu kính II – mỏ than Núi Hồng thực hiện từ năm 2002 – 2007. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 200 hộ (trong đó có 196 hộ có đất). Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, mỏ than hiện đã đi vào hoạt động, trung bình mỗi năm nộp từ 70 - 80 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, UBND tỉnh Thái Nguyên và Thanh tra Chính phủ đã kết luận, việc bồi thường, có sai sót về thủ tục, cụ thể là không lập phương án đền bù trình Hội đồng thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt mà chỉ lập dự toán đền bù trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ là không phù hợp quy định của Chính phủ, cần kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi không bị ảnh hưởng và việc giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Thái Nguyên là phù hợp quy định của pháp luật.
Đại diện các hộ dân có liên quan phát biểu tại cuộc đối thoại. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại buổi làm việc, các hộ dân mong muốn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quan tâm chỉ đạo việc hỗ trợ các hộ dân trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ tuyển dụng khi đã bị thu hồi đất; hỗ trợ ổn định cuộc sống do hơn 10 năm bị thu hồi đất không có việc làm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long cũng nhận định, khiếu nại của người dân là có cơ sở do quy trình thu hồi đất ban đầu thực hiện chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật. Ông Dương Ngọc Long đề nghị Công ty Than Núi Hồng thực hiện cam kết với người dân về tuyển dụng lao động vào làm việc khi thu hồi đất. Đồng thời, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cần phối hợp với địa phương rà soát số lao động của các hộ dân bị thu hồi đất chưa có việc làm bố trí việc làm hợp lý tại các doanh nghiệp địa phương.
Cần tạo sự đồng thuận của nhân dân
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đánh giá buổi làm việc được trao đổi trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, dân chủ và có trách nhiệm. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã có những trao đổi mạnh dạn, phê phán những việc làm còn thiếu trách nhiệm, còn sai sót trong quá trình thực hiện thu hồi đất, đồng thời cũng thể hiện được tinh thần trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ việc.
Người dân khiếu nại cũng thể hiện trách nhiệm công dân khi ủng hộ các phương án quy hoạch phát triển thành phố nói chung và phát triển từng dự án nói riêng. Các hộ dân đồng tình ủng hộ phương án quy hoạch phát triển chung nhưng các dự án về kinh tế thì phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, chặt chẽ và đúng quy trình.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng nêu trách nhiệm của Công ty Than Núi Hồng trong kế hoạch thu hồi đất có phương án thu hồi chi tiết rõ đến đối tượng, hộ dân nhưng quá trình triển khai lại không thực hiện công khai đến hộ dân. Đây là cách làm chưa thấu đáo để tạo được sự đồng thuận của người dân cho nên dẫn đến người dân chưa đồng thuận, nghi ngờ trong việc thực hiện dự án.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo rà soát lại chính sách và phương án thu hồi đất đã được phê duyệt; quan tâm tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân; đặc biệt chú ý đời sống của 20 hộ dân đang khiếu nại, 200 hộ dân đã thực hiện thu hồi đất, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, có giải pháp thỏa đáng nếu các hộ dân gặp khó khăn. Khi chính quyền làm đúng và hết trách nhiệm thì dân sẽ sẵn sàng chia sẻ và đồng thuận với sự phát triển chung của địa phương.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Than và Khoáng sản chỉ đạo Công ty Than Núi Hồng tiếp tục có chính sách phù hợp thể hiện sự quan tâm đối với những hộ dân đã giao đất cho công ty thực hiện dự án bằng cách tuyển dụng lao động vào làm việc và các chính sách lâu dài khi đã thực hiện khai thác và hoàn lại đất cho người dân canh tác.
Chia sẻ những khó khăn trong thời gian qua với các hộ dân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên đề nghị các hộ dân tin tưởng vào đại diện các cơ quan chức năng có mặt tại buổi làm việc và không tiếp tục đi khiếu nại tại các cơ quan Trung ương và địa phương.
Theo Chinhphu.vn