Xác định công tác quản lý lĩnh vực trật tự đô thị rất quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc quản lý chất lượng công trình, dự án và tăng cường quản lý trật tự xây dựng.
Ghi nhận qua khảo sát của Ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội ở một số đơn vị về lĩnh vực này cho thấy, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần sớm được khắc phục triệt để thông qua những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt.
Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hoàn Kiếm tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm trên địa bàn quận. Ảnh: Doãn Thành |
Còn tồn đọng nhiều vi phạm
Theo ghi nhận của Ban Đô thị HĐND thành phố, trên cơ sở tham mưu của Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian qua, UBND thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng. Căn cứ các kế hoạch của UBND thành phố, Sở Xây dựng đã giao các phòng, ban, đơn vị thuộc sở thực hiện. Thanh tra Sở Xây dựng thường xuyên ban hành các văn bản và tổ chức các buổi làm việc, hướng dẫn UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm tại địa bàn.
Từ năm 2021 đến tháng 2-2024, UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị đối với gần 1.000 công trình; trong đó đã hoàn thành xử lý 671 công trình, còn lại đang tiếp tục xử lý. Cũng trong giai đoạn này, Thanh tra Sở Xây dựng đã thanh tra, kiểm tra 31 công trình, dự án, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng đối với 2/31 dự án.
Tại huyện Hoài Đức, UBND huyện đã lập đường dây nóng 24/24 giờ và công khai trên trang thông tin điện tử của huyện để tiếp thu thông tin phản ánh của nhân dân và báo chí về tình hình quản lý trật tự xây dựng. UBND huyện định kỳ, đột xuất tổ chức hội nghị giao ban về quản lý đất đai, trật tự xây dựng để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo. Từ năm 2021 đến nay, huyện Hoài Đức đã kiểm tra, phát hiện 13 trường hợp vi phạm mới và tiến hành các bước xử lý. Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn cũng từng bước rà soát, tổng hợp trường hợp vi phạm được nêu tại các kết luận thanh tra và xử lý cơ bản dứt điểm nhiều trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp. Theo đó, các địa phương đã xử lý xong 123/174 vụ việc, đang xử lý 51 vụ việc còn tồn đọng.
Còn tại huyện Thạch Thất, khảo sát của Ban Đô thị cho thấy, một số công trình vi phạm chưa được xử lý triệt để. Điển hình là vụ vi phạm tại chung cư mini My House (thôn Phú Hữu, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất), do không xử lý quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu thi công nên vi phạm hiện hữu của công trình có quy mô khá lớn. UBND xã Tân Xã và UBND huyện Thạch Thất đã, đang tuyên truyền, vận động chủ đầu tư tự tháo dỡ công trình vi phạm, tuy nhiên tiến độ xử lý còn chậm.
Công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức đã được tháo dỡ. |
Thiết lập biện pháp ngăn chặn
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương, thực tế vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực cấp phép xây dựng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, tại Khoản 1, Điều 91 Luật Xây dựng (sửa đổi, bổ sung năm 2020) về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị, quy định: “Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý và thiết kế đô thị trên địa bàn thành phố chưa được phủ kín hoặc các đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt trước đây tại một số địa bàn quận trung tâm không còn phù hợp, do vậy phát sinh khó khăn trong công tác thực hiện cấp giấy phép xây dựng.
Với các công trình đề nghị cấp giấy phép xây dựng chưa đáp ứng các điều kiện nêu trên, một số địa phương phải xin ý kiến về thông tin quy hoạch cho từng công trình cụ thể, từ đó mới có cơ sở để cấp giấy phép xây dựng. Tại một số địa phương đã có quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, việc cấp phép đã thực hiện theo quy định, song việc phê duyệt quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn còn chậm, dẫn đến cơ sở cấp giấy phép xây dựng gặp nhiều khó khăn...
Trước thực trạng này, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND cấp huyện sớm thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, thiết kế đô thị 2 bên tuyến đường (đặc biệt các tuyến đường mới mở…) để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng đã có nhiều chuyển biến tích cực, song trên địa bàn thành phố vẫn phát sinh một số vụ việc vi phạm chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Nguyên nhân một phần là do các đội thanh tra xây dựng (nay là đội quản lý trật tự xây dựng đô thị) là mô hình thí điểm nên tổ chức bộ máy không ổn định; thanh tra viên được bổ nhiệm trước đây, hiện đang công tác tại các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị không được hưởng phụ cấp, không có thẩm quyền xử phạt; các quy định của pháp luật về quản lý trật tự xây dựng chưa rõ ràng, chặt chẽ...
Thời gian tới, triển khai Luật Thủ đô năm 2024, UBND thành phố sẽ ban hành, thiết lập các biện pháp ngăn chặn triệt để đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, bao gồm việc hoàn thiện chính sách, đề ra những chế tài xử lý đủ sức răn đe (ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước). Hy vọng rằng, những giải pháp mạnh sẽ tạo chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực này.
Theo Tuấn Việt/Hanoimoi.vn