(Xây dựng) - Hiện nay, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến giai đoạn chuẩn bị báo cáo Bộ Xây dựng để trình Hội đồng thẩm định quốc gia. Để tiếp tục hoàn thiện đồ án, ngày 18/12, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức tham vấn, lấy ý kiến Tổ công tác Bộ Xây dựng. Đây là nội dung quan trọng nhất để hình thành, triển khai lập thẩm định và phê duyệt đồ án.
Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình đô thị theo chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm (Ảnh minh họa). |
Tiến tới phát triển mô hình “Thành phố trong Thủ đô”
Theo ông Lê Hoàng Phương - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn đến 2065 có thêm các nội dung trọng tâm điều chỉnh và đề xuất mới. Đồ án đề xuất mô hình “Thành phố trong Thủ đô” để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa), từ đó hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Hà Nội.
Hệ thống đô thị sẽ có 1 đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và hệ thống các thị trấn sinh thái nằm trong vùng hành lang xanh. Mô hình phát triển đô thị theo chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm gồm: Đô thị trung tâm (đô thị phía Nam sông Hồng; Đô thị Long Biên, Gia Lâm); Thành phố phía Bắc thuộc các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Thành phố phía Tây (gồm đô thị vệ tinh Hòa Lạc, thị trấn Xuân Mai), các đô thị về tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và các thị trấn sinh thái, thị trấn.
Về mô hình cấu trúc phát triển, Thủ đô Hà Nội sẽ có cấu trúc vùng đô thị lớn, khai thác 5 không gian (không gian xây dựng; không gian sinh thái; không gian văn hóa; không gian số; không gian ngầm); hình thành cấu trúc vành đai và hướng tâm gồm 1 trung tâm (khu vực nội đô), 3 vành đai, 8 trục hướng tâm và 1 trục không gian cảnh quan sông Hồng; 5 vùng đô thị nông thôn. Hệ thống đô thị phân cách bằng hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai.
Thủ đô sẽ được xây dựng là thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm động lực phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; xây dựng trục sông Hồng là trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng; sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam; phát triển đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng); cải tạo và tái thiết đô thị...
Đồ án cũng điều chỉnh, bổ sung các tuyến cao tốc đô thị, đường sắt trên cao, đường trục đô thị kết nối đô thị trung tâm với cảng hàng không quốc tế Nội Bài và cảng hàng không thứ 2 (dự kiến nâng cấp, điều chỉnh hướng tuyến đường trục phía Nam, đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên thành cao tốc đô thị kết nối); bổ sung, tăng cường khả năng kết nối giao thông qua các sông lớn (bổ sung thêm các cầu đường bộ, cầu đường sắt đô thị kết hợp đi riêng hoặc đi chung với cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà).
Với định hướng quy hoạch mạng lưới đường thủy, Hà Nội dự định bổ sung tuyến giao thông thủy phục vụ du lịch (du thuyền trên sông) hành trình văn hóa di sản từ Đền Hùng - Sơn Tây - Hoàng Thành - Cổ Loa - Phố Hiến. Bên cạnh đó, Hà Nội mở rộng không gian phát triển đô thị khu vực phía đông huyện Gia Lâm và phát triển khu vực này theo hướng đô thị nén, cao tầng với bán kính khoảng 0,5 - 1km xung quanh khu vực ga đường sắt đô thị…
Cân bằng 3 yếu tố văn hiến, văn minh và hiện đại
Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Tổ trưởng Tổ công tác Bộ Xây dựng, các quy hoạch cần làm rõ hơn nữa vị thế của Hà Nội là Thủ đô của một đất nước có hơn 100 triệu dân và là một trong 16 thành phố có diện tích lớn nhất thế giới; làm rõ về các vấn đề về dân số, phát triển kinh tế, sử dụng đất đai; đảm bảo khung hạ tầng kết nối; làm rõ định hướng phát triển trục sông Hồng; phát triển mô hình đô thị sân bay, đô thị theo mô hình TOD.
Còn theo ông Lê Quang Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đồ án điều chỉnh cần nhận diện những vấn đề mang tính “điểm nghẽn”, từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết như việc di dời dân cư và tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ tại khu vực nội đô lịch sử.
Hà Nội cần có định hướng rõ cho từng khu vực không gian; thành phố phía Tây cần phải xây dựng cấu trúc, định hướng phát triển rõ ràng; có lộ trình xây thêm các cây cầu để kết nối đối với trục sông Hồng, tạo điểm nhấn và nêu bật vị trí của sông Hồng đối với Thủ đô; tập trung các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là về nguồn lực thực hiện; nghiên cứu kỹ công tác xử lý nước thải trên địa bàn thành phố để đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất, Hà Nội cần xem xét, xác định kỹ lưỡng trong việc xác lập mô hình “Thành phố trong thành phố”, đô thị vệ tinh với cấu trúc chặt chẽ; cân bằng giữa nội hàm 3 yếu tố văn hiến, văn minh và hiện đại…
Về phía chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh UBND thành phố đang tổ chức lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năn 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đây là các đồ án quy hoạch có ảnh hưởng lớn đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo.
Đối với nội dung mô hình “Thành phố trong Thủ đô”, Hà Nội sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng thành phố phía Nam trong giai đoạn 2045 – 2065 nhằm đồng bộ với kế hoạch đầu tư xây dựng sân bay thứ hai - Vùng thủ đô vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng năm 2050.
Ông Dương Đức Tuấn cho biết, các đơn vị tổ chức lập quy hoạch, tư vấn lập quy hoạch sẽ tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của thành viên Tổ công tác, sớm hoàn chỉnh song song hai quy hoạch đảm bảo đồng bộ, thống nhất để trình các Hội đồng thẩm định trong thời gian tới.
Yến Mai
Theo