Thứ sáu 29/03/2024 13:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt

19:51 | 12/09/2022

(Xây dựng) - Nước sạch không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch. Thực tế hiện nay có tình trạng chất lượng nước sạch từ đầu nguồn đảm bảo chất lượng, nhưng trong quá trình dẫn nước đến nơi tiêu thụ do các thiết bị dẫn và chứa nước không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn nước bị tái ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch sử dụng trong sinh hoạt của người dân.

can kiem soat chat che chat luong nguon nuoc cap cho sinh hoat
TS. Nguyễn Văn Nghiêm đi thực địa kiểm tra chất lượng nguồn nước tự nhiên.

Nguyên nhân ảnh hưởng chất lượng nước sinh hoạt

Liên quan đến vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng đó là do hệ thống đường ống kém chất lượng dùng sau một thời gian sẽ bị han rỉ, đóng cặn trên đường ống phát sinh ra chất cặn, chất rắn làm ảnh hưởng chất lượng của nước. Bên cạnh đó, trong quá trình lưu chuyển nguồn nước cũng sẽ có những rò rỉ, nguồn nước bẩn cũng bị đi vào trong đường ống làm cho đường ống bị ô nhiễm. Hay trong quá trình sử dụng những bồn chứa, nếu như bồn chứa không đảm bảo chất lượng hoặc sử dụng bồn Inox gây ra han rỉ cũng là nguyên nhân phát sinh ra chất lượng của nguồn nước kém.

Thông thường, một số bồn nhựa hiện tại có thương hiệu tên tuổi được sản xuất đảm bảo an toàn rất tốt, nhựa là phải theo tiêu chuẩn FTA (Hiệp định thương mại tự do). Tuy nhiên, một số nhà sản xuất bồn nước lại sử dụng nhựa tái chế, nhựa chất lượng kém cũng có thể làm cho chất lượng của nguồn nước kém. Đặc biệt vấn đề thôi nhiễm của nhựa, ví dụ một số phần thôi nhiễm kim loại nặng, chì, cadimi hoặc là một số chất hữu cơ làm ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn nước.

Về vấn đề vệ sinh đường ống, bồn chứa thông thường thói quen tiêu dùng là bồn, bể để trên cao nên phần vệ sinh cũng sẽ không được đảm bảo theo định kỳ. Bản thân là nước sạch nhưng trong một thời gian sẽ phát sinh ra những lắng cặn làm tích tụ phần cặn gây ảnh hưởng chất lượng của nguồn nước.

Về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cũng cho biết: Chất lượng nước sạch sản xuất tại các nhà máy được kiểm soát chặt chẽ, đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên trong quá trình cấp nước đến người sử dụng, do các nguyên nhân rủi ro về rò rỉ, sự cố đường ống, bể chứa ngầm nhà dân, cơ quan do tác động tự nhiên, thi công các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật... hoặc do không thau rửa, xúc xả định kỳ đường ống bể chứa nước thì nguồn nước sạch dễ bị tái ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Chất lượng nguồn nước cần được kiểm soát chặt chẽ

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, TS. Nguyễn Văn Nghiêm, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho biết: Để đánh giá và kiểm soát chất lượng nguồn nước, về cơ bản cần phải có sự đánh giá một cách tổng thể của đơn vị cung cấp liên quan đến nguồn nước, đơn vị quản lý có chức năng cùng phối hợp và người tiêu dùng tham gia vào sẽ đảm bảo được tính khách quan. Người dân có thể lấy nguồn nước sinh hoạt gửi đi phân tích sẽ biết được chất lượng nước có đảm bảo hay không thông qua các đơn vị có chức năng phân tích chất lượng nước như VNTEST hoặc các đơn vị của Viện môi trường.

Đối với nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước do các thiết bị dẫn và chứa nước không đảm bảo tiêu chuẩn rất khó để xác định và đánh giá cụ thể. Trên thị trường hiện nay, ngoài những sản phẩm thiết bị của các hãng, các thương hiệu lớn có tên tuổi và uy tín, còn có rất nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối nhỏ lẻ, nguồn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng. TS. Nguyễn Văn Nghiêm cho biết thêm: Các thương hiệu uy tín sẽ tuân thủ những tiêu chuẩn chất lượng như cấp giấy chứng nhận chất lượng (Certificate of Quality) đánh giá tính phù hợp tiêu chuẩn, khi đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn của Việt Nam thì lúc đó mới được lưu hành, còn đối với các đơn vị sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ, thông thường họ sẽ không có những kiểm định như vậy. Do đó, để đánh giá và kiểm soát nguồn hàng, tiêu chuẩn chất lượng liên quan đến nguồn nước…, cần phải có sự tham gia vào cuộc của lực lượng Quản lý thị trường, Cục An toàn (Bộ Y tế)…

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay việc sản xuất nước sạch, phân phối, tiêu thụ nước sạch được thực hiện theo quy định của Nghị định về sản xuất, cung cấp nước sạch do Bộ Xây dựng và UBND các cấp chỉ đạo. Việc quản lý, giám sát chất lượng nước sạch sau quá trình sản xuất cho đến cấp nước cho các hộ dân được thực hiện theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế. Còn quản lý việc khai thác nước, bảo vệ nguồn nước nói chung được thực hiện theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, vấn đề quản lý hoạt động khai thác, sử dụng, chất lượng nguồn nước đã được cụ thể hóa bằng các quy định trong Luật và các văn bản dưới Luật như: Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Thông tư số 47/2017/TTBTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước…

can kiem soat chat che chat luong nguon nuoc cap cho sinh hoat
Chất lượng nước sạch tại Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội được kiểm soát chặt chẽ.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước và môi trường, trong đó chú trọng đến nguồn nước và các hoạt động có thể ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho sinh hoạt, cần tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật hiện hành, hoàn thiện các quy định, các thể chế pháp luật, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước và các hành vi vi phạm các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan đến cung cấp, tiêu thụ nước sạch cấp cho người dân. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức và nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao, nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước…

Mai Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load