Chủ nhật 08/12/2024 19:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Cần giải quyết 3 nhóm vấn đề lớn để hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

23:13 | 16/11/2023

(Xây dựng) - Ngày 16/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về nội dung dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội thảo.

Cần giải quyết 3 nhóm vấn đề lớn để hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện các Sở, ban ngành đến từ các tỉnh, thành phố phía Nam. Cùng các chuyên gia, doanh nghiệp trong khu vực. Hội thảo này nhằm đóng góp ý kiến để hoàn thiện các nội dung quan trọng của dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn để kịp trình Chính phủ vào tháng 2/2024.

Giải quyết 3 nhóm vấn đề lớn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, trong hơn 12 năm thi hành Luật Quy hoạch Đô thị và hơn 7 năm thi hành Luật Xây dựng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn đã cơ bản được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị - nông thôn và khu chức năng, khai thác hiệu quả sử dụng đất. Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật thời gian qua đã phát sinh những tồn tại cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Do đó, việc lấy ý kiến của các địa phương, cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Nam sẽ góp phần bổ sung và hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn.

Cần giải quyết 3 nhóm vấn đề lớn để hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Toàn cảnh buổi Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo, ông Vũ Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Phó Tổ trưởng Tổ Biên tập Dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn cho biết, dự thảo Luật lần này (dự thảo 2) cần giải quyết 3 nhóm vấn đề lớn đang gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, 3 nhóm vấn đề lớn gồm: Quy hoạch đô thị và nông thôn được điều chỉnh tại Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009 và chương II Luật Xây dựng năm 2014 chưa đồng bộ, chưa thuận lợi cho việc áp dụng, chưa đảm bảo gắn kết đô thị và nông thôn; quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn còn những tồn tại, hạn chế dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật; pháp luật liên quan đến quy hoạch có những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp.

Trên cơ sở 3 nhóm vấn đề chính, dự thảo 2 đã đưa ra 12 vấn đề nhỏ, bao gồm: Đối tượng lập quy hoạch; phạm vi, quy mô lập quy hoạch; trách nhiệm lập quy hoạch; nội dung quy hoạch; việc lấy ý kiến đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch; thẩm định phê duyệt quy hoạch; tổ chức thực hiện sau khi quy hoạch đô thị, nông thôn được phê duyệt; rà soát quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch; kinh phí lập quy hoạch; lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch; pháp luật liên quan đến quy hoạch có những nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp.

Theo ông Tú, việc chồng chéo, chưa phù hợp giữa các luật dẫn đến thực thi trong thực tiễn khó khăn. Ví dụ như ngay trong Luật Quy hoạch năm 2017 thì những điều khoản chưa quy định cụ thể nội hàm dẫn tới lúng túng khi triển khai đồng thời quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chung tại các thành phố trực thuộc trung ương. Hoặc việc giới hạn 7 khu chức năng và được định hướng tại quy hoạch tỉnh dẫn đến khó khăn trong thực hiện.

Tính thống nhất đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch đất đai, ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng đất, thu hồi và giao đất trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Hoặc tại Luật Nhà ở 2014, phải xác định đất để xây dựng nhà ở xã hội khi phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị nhưng Luật Quy hoạch lại tập trung vào mục đích tổ chức không gian, quy định các khu vực chức năng (chức năng sẽ bao gồm nhà ở xã hội), không cụ thể cho các chính sách phát triển (như nhà ở xã hội).

Trong khi Luật Quy hoạch đáp ứng các vấn đề quản lý, cụ thể hóa dần thì Luật Nhà ở lại yêu cầu xác định quỹ đất ở tại quy hoạch đô thị là chưa phù hợp bởi quy hoạch đô thị gồm 3 cấp độ là quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Như vậy, làm thế nào để không chồng chéo giữa các quy hoạch này, dự thảo lần 2 đã đưa ra 6 nhóm quy hoạch. Trong dự thảo lần này, chỉ có quy hoạch nông thôn là mới.

Nhiều vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam cho rằng, việc đưa quy hoạch nông thôn vào để xây dựng Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn là phù hợp với xu thế phát triển trên toàn thế giới. Đây là cơ hội để nhìn nhận lại các khiếm khuyết của Luật Quy hoạch trước đây.

Theo ông Chính, trong Luật Quy hoạch có quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố… Trong quy hoạch tỉnh có quy hoạch đô thị và nông thôn. Do đó, trong dự thảo lần này, ông Chính đề nghị làm rõ hơn phần quy hoạch cho 5 đô thị trực thuộc trung ương, cũng như cách triển khai cụ thể.

Cần giải quyết 3 nhóm vấn đề lớn để hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Ông Mai Trung Hưng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại Hội thảo.

Còn ông Mai Trung Hưng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì cho rằng, dự thảo luật lần 2 cần quy định rõ hơn việc huỷ bỏ một quy hoạch đã được duyệt khi không còn phù hợp. Theo ông Hưng, thực tiễn tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã có trường hợp khi chính quyền tỉnh thu hồi một dự án của doanh nghiệp, sau đó huỷ bỏ quy hoạch đó thì bị doanh nghiệp kiện lại. Sau đó ra toà thì chính quyền địa phương thua kiện. Hiện nay, ở Vũng Tàu, Xuyên Mộc có nhiều quy hoạch không còn phù hợp nhưng các cơ quan chuyên môn rất lúng túng, không dám đề xuất huỷ.

Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh thì nhận định, trong dự thảo luật nên có một khoảng mở cho các địa phương có tính đặc thù có thể giải quyết được các vấn đề đặc thù phát sinh như hành động ứng phó với thiên tai… dự thảo Luật không nên cột quá chặt. Ông Nhã cũng cho rằng, cần có quy hoạch cụ thể hơn đối với đất quốc phòng và làm rõ một số vấn đề về quy hoạch vùng.

Còn đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận thì thống nhất cao việc tích hợp hai luật gồm Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch Đô thị vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo vị này, Phan Thiết là đô thị loại 2, hiện Thủ Tướng đang yêu cầu Phan Thiết phát triển trở thành đô thị loại 1. Vậy từ loại 2 lên loại 1 có thuộc khái niệm là đô thị mới hay không? Cần làm rõ khái niệm đô thị mới trong dự thảo lần 2 để khi áp dụng vào thực tiễn các địa phương dễ dàng thực hiện.

Cần giải quyết 3 nhóm vấn đề lớn để hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Ông Phùng Phú Phong – Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo.

Ông Phùng Phú Phong – Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cũng thống nhất cao về dự thảo Luật lần này. Theo ông Phong, các điểm mới đã được Ban soạn thảo Luật chỉ ra. Tuy nhiên, trong vấn đề giải thích từ ngữ Đà Nẵng xin đưa vào dự thảo Luật khái niệm “Tái thiết đô thị”. Hiện nay, vấn đề nghiên cứu làm sao để tái thiết đô thị đang được Đà Nẵng quan tâm nhưng vấn đề tái thiết đô thị vẫn chưa được đề cập trong dự thảo Luật. Thực tế, vấn đề tái thiết đô thị đang gặp phải nhiều vướng mắc với các quy định khác.

Ngoài ra, ông Phong cũng cho rằng câu chuyện huỷ bỏ quy hoạch về đất đai tại Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Do đó, ông Phong đề nghị trình tự thủ tục để bỏ một đồ án quy hoạch phải được quy định rõ, cụ thể để đồng bộ, thống nhất trên cả nước.

Đưa ra ý kiến đóng góp tại Hội thảo, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Sóc Trăng đã đề xem xét lại vấn đề lấy ý kiến cộng đồng để làm cơ sở lập quy hoạch được quy định trong dự thảo Luật đã thoả đáng hay chưa. Theo vị này, việc lấy ý kiến cộng đồng chỉ nên có tác dụng tham vấn. Có thể xem quy trình lấy ý kiến cộng đồng là quy trình bắt buộc nhưng không bắt buộc phải theo các ý kiến tham vấn này.

Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đã đề nghị, các địa phương tiếp tục cho ý kiến bằng văn bản về nội dung dự thảo, đồng thời rà soát, đánh giá tồn tại, vướng mắc. Bên cạnh đó, khi tham gia đóng góp ý kiến cần lưu ý tính đồng bộ của pháp luật, chủ động quan tâm góp ý sao cho phù hợp với các Luật liên quan cũng như các quy hoạch khác; chú ý đến quy hoạch đất đai, quy hoạch ngành, quy hoạch của các thành phố trực thuộc Trung ương với quy hoạch tỉnh.

Thiên Nam – Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load