(Xây dựng) - Đơn vị ông Vũ Tiến Dũng (Lào Cai) đang thực hiện một công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đã được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán trước ngày có hiệu lực của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, vì một số lý do, công trình chưa thực hiện các bước tiếp theo.
Ảnh minh họa (Nguồn: TL). |
Đến thời điểm này, công trình tiến hành thẩm tra điều chỉnh, bổ sung dự toán và triển khai các bước tiếp theo. Việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đang có hai quan điểm:
Thứ nhất, áp dụng theo Khoản 3, Điều 44, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, các hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng tiếp theo thực hiện theo quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.
Thứ hai, áp dụng theo Điểm b, Khoản 4, Điều 44, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, các hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP đang áp dụng cho công trình.
Ông Dũng hỏi, hai cách hiểu như trên, cách hiểu nào là đúng?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Việc thực hiện chuyển tiếp các dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt trước ngày Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có hiệu lực thi hành được quy định như sau:
Trường hợp chưa thực hiện công việc nào thuộc giai đoạn thực hiện dự án (đối với trường hợp cần lựa chọn nhà thầu là chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu): Thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 44, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.
Trường hợp đã hoặc đang thực hiện một hoặc một số các công việc thuộc giai đoạn thực hiện dự án: Thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 44, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.
Do đó, đề nghị ông Dũng căn cứ tình hình triển khai cụ thể của dự án để nghiên cứu và thực hiện.
Việc điều chỉnh dự toán xây dựng công trình được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng áp dụng cho dự án.
Thảo Phương
Theo