Thứ tư 25/12/2024 05:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Du lịch /

Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh

14:40 | 21/03/2023

(Xây dựng) – Kể từ ngày con đường du lịch nối từ Quốc lộ 1 vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh được đầu tư xây dựng, những điểm di tích, tư liệu, hiện vật và cảnh quan thiên nhiên nơi phát lộ các dấu tích của một nền văn minh rực rỡ cách đây hàng nghìn năm, ẩn chứa giá trị lịch sử to lớn… đã đến gần hơn với người dân và du khách gần xa.

Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
Dự án đường du lịch vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh được tỉnh Quảng Ngãi đầu tư vào cuối năm 2020, nhằm mục tiêu kết nối hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan và nghiên cứu Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, cũng như phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho thị xã Đức Phổ nói riêng và cả tỉnh Quảng Ngãi nói chung.
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
Dự án có tổng mức đầu tư 49,7 tỷ đồng, được xây dựng trên địa bàn xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
Theo thiết kế, con đường được mở mới hoàn toàn có chiều dài 1.784m, mặt cắt đường rộng 14m (bề rộng mặt đường bê tông nhựa 8m và vỉa hè mỗi bên 3m). Điểm đầu nối Quốc lộ 1A, đầu tuyến chạy men theo bờ Nam đầm An Khê, gần cuối tuyến băng qua một ngọn đồi và điểm cuối vào khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, vận tốc thiết kế 50km/h.
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
Công trình được thiết kế đồng bộ với vỉa hè hai bên lát gạch terazzo 40x40cm; bó vỉa, gờ chắn vỉa hè và hố trồng cây; hệ thống thoát nước ngang, dọc; gia cố mái taluy phía đầm An Khê; hệ thống điện chiếu sáng đi một bên trên vỉa hè dọc tuyến; trồng cây xanh, sơn phân làn, vạch giới hạn và biển báo giao thông toàn tuyến; bãi đỗ xe.
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
Những ngày cuối tháng 3, trong không khí tất bật chuẩn bị cho Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận công trình đã cơ bản hoàn thành công tác xây lắp. Mặt đường từ Quốc lộ 1 đến Nhà trưng bày đã được hoàn thiện. Các hạng mục: Vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, vạch kẻ đường, phân làn, hộ lan mềm, biển báo giao thông và bãi đỗ xe rộng gần 1.600m2… đã được thi công, lắp dựng hoàn chỉnh.
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
Ông Võ Thành Trung – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến thời điểm hiện tại dự án đã thi công hoàn thiện toàn bộ mặt đường, vỉa hè và điện chiếu sáng khoảng 1,65 Km.
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
Chỉ còn 150m đoạn cuối tuyến nối ra phía biển đang gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên nhà thầu chưa thể tiếp cận. Hiện chủ đầu tư và chính quyền địa phương đang tích cực vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng sạch để đơn vị thi công hoàn thiện những mét đường cuối cùng, đưa toàn bộ công trình vào phục vụ người dân địa phương và du khách.
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
“Tất cả các hạng mục thuộc phần khối lượng đã triển khai của dự án đều hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo các yếu tố kỹ, mỹ thuật và khối lượng theo thiết kế”, ông Trung nói.
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
Con đường mới mở như một dải lụa vắt lên rìa phía Nam đầm An Khê – Đầm nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Từ đây, du khách có thể phóng thẳng tầm mắt bao trọn cảnh sắc của núi, đầm, biển và những đồi cát…
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
Lượng du khách đến với quần thể di sản văn hóa Sa Huỳnh tăng đột biến là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả mà công trình sử dụng vốn đầu tư công mang lại. Ông Huỳnh Chí Cường – Phụ trách Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh cho biết, lúc trước khi đường tiếp cận điểm tham quan này còn là con đường bê tông nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo thì trung bình mỗi tháng chỉ đón khoảng 50 – 100 khách, trong đó đa phần là giới nghiên cứu, học sinh và sinh viên.
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
Từ ngày có con đường mới rộng thênh thang, xe 45 chỗ ra vào thoải mái, đậu đỗ thuận tiện, cũng như các hoạt động văn hóa được tổ chức thường xuyên thì lượng khách đã tăng gấp hàng chục lần. Nhiều đoàn lữ hành lớn đã liên kết, đưa các đoàn khách cả trăm người từ khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh.
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
“Từ Tết đến giờ chúng tôi đã đón hơn 4.000 khách, những ngày cuối tuần phải tăng cường thêm 3 cán bộ trực thuyết minh để đón tiếp và phục vụ từ 300 – 400 người. Cao điểm ngày lễ, hay tổ chức các hoạt động như: Đua ghe, thả diều… thu hút cả nghìn lượt du khách”. Ông Cường vui mừng cho hay.
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
Hơn ai hết, những người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phổ Thạnh và Phổ Khánh cảm nhận rõ sự đổi thay của quê hương mình, kể từ ngày dự án được triển khai xây dựng. Thoăn thoắt tay bán hàng, miệng mời khách ghé quán, chị Lê Thị Ánh Tuyết - Người gắn bó với du lịch cộng đồng Gò Cỏ hơn 4 năm qua phấn khởi cho biết, việc kinh doanh của chị cũng như nhiều hộ lân cận mấy tháng gần đây khá lên trông thấy, do du khách tìm đến ngày một đông. “Ai cũng trằm trồ, xuýt xoa vì con đường mới mở quá đẹp”, chị Tuyết tươi cười.
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển cho biết, cả chính quyền và người dân địa phương đều rất vui mừng khi được tỉnh quan tâm, đầu tư một công trình hết sức ý nghĩa, phát huy hiệu quả đầu tư tức thì. Từ ngày con đường hình thành, việc đi lại, thông thương của hàng trăm hộ dân địa phương và điều kiện tiếp cận các điểm di tích, Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ của du khách đã thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều.
Cận cảnh con đường du lịch tuyệt đẹp dẫn vào Khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh
“Có thể nói công trình đã góp phần thay đổi diện mạo cho cả vùng phía Bắc đô thị Sa Huỳnh. Từ hiệu quả rõ nét này, địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ các nguồn lực để tập trung phát triển hạ tầng địa phương, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch để tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân”. Ông Hiển nói.

Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt gồm có 6 điểm di tích ở thị xã Đức Phổ gồm: Di tích Long Thạnh (còn gọi là Gò Ma Vương), Di tích Thạnh Đức, Di tích Phú Khương, Quần thể di tích Champa trong không gian Sa Huỳnh, Đầm An Khê và Lạch An Khê - sông Cửa Lỗ.

Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M. Vinet phát hiện năm 1909, tại Sa Huỳnh Quảng Ngãi và được lấy tên địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là “Văn hóa Sa Huỳnh”.

Năm 1997, Di tích khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia với 2 khu vực bảo vệ là địa điểm Phú Khương và địa điểm Gò Ma Vương, xã Phổ Khánh.

Di tích được phân bố chủ yếu ở phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh. Từ khu mộ chum Sa Huỳnh, qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã liên tục phát hiện các dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử. Từ những hiện vật phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ tại các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cho thấy Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh.

Không gian di tích văn hóa Sa Huỳnh có các giá trị về cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như: Đầm nước ngọt An Khê, biển Sa Huỳnh với bãi cát, rừng dương, vũng vịnh còn nguyên sơ. Các giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Chăm pa, Đại Việt vẫn còn giữ nguyên vẹn với tính xác thực cao. Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa nhận định, sự hiện diện của nền văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi là thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Đây là vốn quý để Quảng Ngãi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, nghiên cứu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Lê Danh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load