Sau gần 20 năm phê duyệt dự án, tạm ngừng thi công nhiều năm, dự án cầu Long Kiểng được đầu tư gần 600 tỷ đổng đang dần "về đích", lộ rõ hình hài sau 6 tháng tái khởi công.
Sau nhiều năm ngừng thi công, dự án cầu Long Kiểng nối 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TPHCM) đã khởi công trở lại 6 tháng qua và đang dần hoàn thành những công đoạn quan trọng nhất, cam kết "về đích" trong năm 2023.
Ông Nguyễn Mậu Điểu - Tư vấn giám sát công trình (thuộc Ban 4, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM) cho biết, sau hơn 6 tháng tái khởi động, cầu Long Kiểng đang thi công hạng mục gác dầm. Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để có thể thông xe vào cuối năm 2023.
Đại diện đơn vị tư vấn giám sát cho biết, khối lượng công việc hiện đạt trên 65%. Dự kiến, ngày 25/3 sẽ hoàn thiện công tác lao dầm, sau đó tăng cường nhân lực, thiết bị để thi công phần còn lại.
Ghi nhận tại công trường, có hơn 40 kỹ sư, công nhân đang làm việc khẩn trương để kịp tiến độ công trình và bàn giao cho UBND TP vào 2/9 tới theo đúng cam kết phía nhà thầu.
Hiện tại, nhà thầu đã hoàn thành lao dầm 7/9 nhịp cầu, đơn vị thi công đang tập trung máy móc, công nhân hoàn thiện lao 54 dầm cầu tại các trụ hai bên bờ.
Dự án được phê duyệt từ năm 2001, đến tháng 8/2018, cầu mới được khởi công. Cầu có thiết kế dài 318m, rộng 15m, đường dẫn hai đầu 661m, tổng mức đầu tư 589 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2019.
Đến tháng 12/2019, khi công trình đã thi công xong 8 mố trụ (từ T1 đến T8) thì ngừng lại. Đến tháng 9/2022, UBND huyện Nhà Bè phối hợp với Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông, Sở Giao thông Vận tải TPHCM tổ chức lễ bàn giao - tiếp nhận mặt bằng để tiếp tục triển khai dự án.
Thiết kế cầu có 2 mố và 8 trụ, với các loại dầm cầu dài từ 33 - 40m, nặng 36 - 76 tấn. Hiện các dầm cầu bờ phía Nam đã được gác hoàn thiện, còn lại các dầm ở bờ phía Bắc đang tiếp tục thi công.
Thời gian thi công bị hạn chế bởi các dầm cầu được vận chuyển tới bằng xà lan trên rạch Long Kiểng, phải chờ thời điểm thủy triều lên đơn vị mới có thể thi công.
Hơn 20 năm trước (năm 2001), dự án cầu Long Kiểng mới đã được phê duyệt và triển khai thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư 557 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư. UBND huyện Nhà Bè chịu trách nhiệm bồi thường, giải tỏa, bố trí tái định cư để bàn giao mặt bằng sạch cho dự án.
Đến năm 2007, dự án mới giải phóng mặt bằng được một số hộ dân trong giai đoạn 1. Tháng 8/2018 (hơn 10 năm sau), dù chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư quyết định thi công cầu Long Kiểng trên cơ sở mặt bằng được bàn giao.
Theo ông Nguyễn Mậu Điểu - Tư vấn giám sát công trình, khó khăn hiện tại là còn vướng mặt bằng, hệ thống điện thì chủ đầu tư cũng đang tháo gỡ để nhà thầu hoàn thiện sớm nhất.
Tuyến đường dân sinh cũng đang được thi công song song để tạo điều kiện cho người dân lưu thông trong quá trình hoàn thiện đường dẫn cầu Long Kiểng mới.
"Mấy năm nay công trình tạm ngừng, việc đi lại, buôn bán gặp nhiều khó khăn, giờ chỉ mong công trình sớm hoàn thiện để cuộc sống người dân thuận tiện hơn", chị Nguyễn Thị Hòa (huyện Nhà Bè) chia sẻ.
Cầu Long Kiểng là dự án giao thông trọng điểm ở cửa ngõ phía Nam TPHCM, kết nối tỉnh Long An, huyện Nhà Bè, quận 7 về trung tâm thành phố. Hiện phía nhà thầu đang triển khai làm tường chắn, nạo vét, bơm cát nền đường, hoàn thiện hệ thống thoát nước dọc tuyến.
Mặt cầu phía Nam đã hoàn thiện gác dầm, đang chuẩn bị cho phần trải nhựa mặt cầu.
Cầu Long Kiểng (cũ) được xây từ năm 1976 thuộc huyện Nhà Bè, TPHCM. Là cầu sắt dài hơn 100m, rộng 3m đã xuống cấp nghiêm trọng. Cầu bắt qua rạch Long Kiểng, nối hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức của huyện Nhà Bè.
Tháng 1/2019, một nhịp cầu này bất ngờ sập khi xe trọng tải lớn chạy qua. Sau đó đơn vị chức năng đã sửa chữa và thay thế nhịp cầu mới để người dân tiếp tục qua lại.
Cầu nằm trên trục đường Lê Văn Lương, đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TPHCM với tỉnh Long An. Mặt cầu hẹp nên tình trạng tắc nghẽn xe cộ trên cầu thường xuyên xảy ra, nhất là vào khung giờ cao điểm khi có một ôtô lên từ phía bên này, thì dòng xe hướng bên kia phải dừng lại đợi.
Cầu sắt cũ có tải trọng thấp, chỉ dành cho xe dưới 3,5 tấn, chiều cao khống chế dưới 2,2m. Sở Giao thông Vận tải TPHCM từng xác định chiếc cầu này cần được thay thế khẩn cấp.
Theo Hải Long - Phương Nhi/Dantri.com.vn