Thứ bảy 27/07/2024 07:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng):

Cải tạo, nâng cấp công viên cần đồng bộ nhiều tiêu chí

08:34 | 03/03/2024

Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, thành phố đã và đang cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhiều công viên, vườn hoa trên địa bàn.

Để các công trình này phát huy đúng công năng, nâng cao chất lượng sống của người dân và góp thêm giá trị cho không gian đô thị, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng).

Cải tạo, nâng cấp công viên cần đồng bộ nhiều tiêu chí
Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng).

Thêm các không gian thiết yếu

- Năm 2023, với nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, thành phố Hà Nội đã hoàn thành xây dựng mới và cải tạo nhiều công viên, vườn hoa nhằm nâng cao đời sống người dân. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, thành phố còn thiếu nhiều khu vui chơi, sinh hoạt công cộng thì việc có thêm những không gian như vậy có ý nghĩa ra sao thưa ông?

- Những năm qua, như đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, Hà Nội thiếu khá nhiều diện tích các công viên, vườn hoa có “chất lượng” so với nhu cầu thực tế, đặc biệt trong khu vực các quận nội đô vốn quỹ đất xây dựng mới khá hạn hẹp và nhiều không gian công viên, vườn hoa cũ bị xuống cấp.

Tin vui là trong năm 2023, thành phố đã hoàn thành 6 công viên, 9 vườn hoa, trong số này có những công viên lớn, có mức đầu tư cao. Trong bối cảnh Hà Nội là một trong các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, với nhiều khu nhà cao tầng có diện tích và mật độ xây dựng lớn, việc gia tăng các công viên cây xanh như trên sẽ góp phần làm “mềm hóa” không gian, tạo nên nhiều điểm nhấn thẩm mỹ - xanh - sinh thái cho khu vực nội đô, cũng như nâng cao tiện ích sống cho người dân đô thị, tiệm cận đến các giá trị sống xanh và sinh thái, cũng như cung cấp thêm các không gian thiết yếu cho nhu cầu giao lưu sinh hoạt cộng đồng, nghỉ ngơi thư giãn, luyện tập thể thao của người dân.

- Thời gian qua, thành phố cải tạo nhiều vườn hoa, công viên đã xuống cấp trong khu vực nội đô, trong đó có những địa chỉ mang ý nghĩa lịch sử và giá trị về kiến trúc cảnh quan. Ông đánh giá như thế nào về giá trị của việc cải tạo đã mang lại?

- Đối với các vườn hoa, công viên, đặc biệt là ở khu vực các quận nội đô, đã được xây dựng từ lâu, chất lượng thẩm mỹ và tiện nghi sử dụng bị giảm sút theo thời gian thì việc cải tạo đồng bộ là rất cần thiết.

Về kiến trúc cảnh quan, do đây là những không gian nằm ở các vị trí điểm nhấn “vàng” tại trung tâm nội đô như Vườn hoa Diên Hồng, Tao Đàn, Ngô Quyền (thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm), liền kề với không gian Hồ Gươm và phụ cận; các điểm không gian hồ Trúc Bạch, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Lê Trực (quận Ba Đình) nằm trong Khu trung tâm chính trị Ba Đình… gắn liền với hệ thống các không gian chính trị, văn hóa lịch sử đặc trưng của Thủ đô nên việc nâng cấp cải tạo đồng bộ sẽ góp phần đổi mới toàn diện tính nhận diện, bản sắc về kiến trúc cảnh quan cho từng khu vực cũng như tổng thể chung đô thị.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này không đơn giản bởi bên cạnh việc phải nhận diện rõ hiện trạng, đặc biệt là các giá trị về văn hóa, lịch sử gắn liền tổng thể không gian có liên quan còn đòi hỏi cách tiếp cận mang tính khoa học liên ngành.

Tư duy hiện đại cũng cần áp dụng cùng với kế thừa và phát huy có chọn lọc các giá trị truyền thống, nhưng không bị xưa cũ, lối mòn mà phải truyền tải hơi thở thời đại như tổ chức cải tạo không gian hấp dẫn, bổ sung thêm công năng tiện ích mới phù hợp với nhu cầu của đông đảo người dân, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hình thức trang trí, sử dụng, bảo đảm an toàn…

Cải tạo, nâng cấp công viên cần đồng bộ nhiều tiêu chí
Vườn hoa Trúc Bạch (quận Ba Đình) sau khi được đầu tư, cải tạo có diện mạo khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vui chơi, sinh hoạt của nhân dân. Ảnh: Nguyễn Quang

Tiếp cận bài bản và khoa học

- Bên cạnh những cảm nhận tích cực của người dân, việc cải tạo công viên, vườn hoa vừa qua cũng đã nhận được không ít phản hồi, ý kiến đóng góp để hạn chế tình trạng “bê tông” hóa, tăng mảng xanh... Vậy theo ông công tác cải tạo công viên, vườn hoa của Hà Nội phải thuân theo những tiêu chuẩn chung nào?

- Như đã đề cập ở trên, việc nâng cấp, cải tạo và xây mới đồng bộ hệ thống các không gian công cộng nói chung, đặc biệt là các công viên, vườn hoa trong khu vực nội đô Hà Nội là rất cần thiết. Tuy nhiên, do đặc thù đa dạng về vị trí phân bố, loại hình, chức năng sử dụng nên để hoàn thành kế hoạch nâng cấp, cải tạo, xây mới đồng bộ hệ thống các công viên, vườn hoa như trên đòi hỏi sự quyết tâm của chính quyền và người dân Thủ đô cũng như một cách tiếp cận bài bản và khoa học.

Trước tiên, việc cải tạo công viên, vườn hoa của Hà Nội phải tuân thủ theo đúng quy hoạch như Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các quy hoạch phân khu cấp dưới đã được phê duyệt gần đây cũng như các quy hoạch định hướng tiếp theo.

Việc nâng cấp, cải tạo, xây mới các vườn hoa, công viên phải bảo đảm theo đúng số lượng và tiến độ đã đề ra, hạn chế tình trạng “quy hoạch treo” như một số trường hợp thời gian qua. Tiếp đến, việc thiết kế nâng cấp, cải tạo, xây mới các công viên, vườn hoa, có thể được xem là một trong những khâu then chốt và quan trọng nhất, cần bảo đảm cách tiếp cận theo các tiêu chí.

- Ông vừa đề cập đến các tiêu chí. Vậy theo ông, việc nâng cấp, cải tạo, xây mới các vườn hoa, công viên cần dựa trên những tiêu chí nào?

- Theo tôi có 7 tiêu chí cần quan tâm. Thứ nhất là hài hòa với không gian tổng thể chung và có sự kết nối vững chắc với văn hóa bản địa trên cơ sở phù hợp đa dạng với nhiều hình thức hoạt động văn hóa cộng đồng, đặc biệt như lễ hội truyền thống.

Thứ hai là có bản sắc và tính nhận diện riêng để tạo dựng tính điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị kiến trúc/văn hóa đặc trưng cũng như tiếp thu tinh hoa văn hóa kiến trúc của thế giới.

Thứ ba là có tính thẩm mỹ và hướng đến các giá trị xanh, sinh thái trên cơ sở nghiên cứu tổ chức tốt hệ thống cây xanh bóng mát và trang trí, sử dụng đa dạng nhiều hình thức trang trí như tranh hoành tráng, phù điêu, tượng điêu khắc, trang trí ánh sáng ngoài trời, sử dụng các vật liệu bản địa, thân thiện môi trường.

Thứ tư là có công năng sử dụng đa dạng, tối ưu sử dụng quỹ đất nội đô cho cùng lúc nhiều giá trị sử dụng khác nhau như: Sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi thư giãn, luyện tập thể thao, dịch vụ (nếu có)… Ưu tiên khuyến khích tận dụng bố trí sử dụng bổ sung các không gian ngầm cho các chức năng phụ trợ.

Thứ năm là bảo đảm sự tự do tiếp cận của người dân.

Thứ sáu là bảo đảm tính tiện nghi như bố trí đầy đủ hạ tầng thiết yếu: Bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng, thiết bị đô thị…

Và cuối cùng là bảo đảm an toàn cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người khuyết tật, người già, trẻ em… như bố trí đủ đường dốc cho xe lăn tại các vị trí tiếp cận, hạn chế các hố sâu, hồ nước không có rào chắn, gờ sắc nhọn, các cây trồng gây dị ứng, bố trí đủ hệ thống cảnh báo và giám sát an ninh như camera, nhà bảo vệ tại các vị trí thiết yếu…

- Ngoài ra, trong quá trình triển khai nâng cấp, cải tạo, xây mới các vườn hoa, công viên, còn cần lưu ý những việc gì nữa không, thưa ông?

- Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh thêm, việc đấu thầu, lựa chọn đơn vị thi công cũng cần lựa chọn được những đơn vị chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, bảo đảm được cả yếu tố kỹ thuật, chất lượng và tiến độ theo đúng thiết kế đề ra.

Đồng thời, cần chú trọng công tác quản lý giám sát đầu tư xây dựng trên cơ sở các kế hoạch, tiến độ triển khai đồng bộ và cụ thể để hạn chế được nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục đã được chỉ ra như bị đội vốn, kém chất lượng, đình trệ hoặc bỏ dở…

Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình cải tạo công viên, vườn hoa cần được xem là một quy trình bắt buộc, cần được triển khai trước và sau giai đoạn thiết kế. Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, đây là phần việc quan trọng nhất, luôn được chú trọng thực hiện.

Cùng với đó, sau khi đồ án thiết kế đã được lập, tùy theo điều kiện cụ thể có thể tổ chức trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng để hoàn thiện thêm tính hiệu quả của phương án thiết kế.

Tuy nhiên, thực tiễn ở nước ta cho thấy, do tính phức tạp về chuyên môn sâu của các đồ án thiết kế kiến trúc, quy hoạch nói chung, bao gồm các đồ án cải tạo, xây mới công viên, vườn hoa, nên khả năng đóng góp tham gia ý kiến của cộng đồng trong giai đoạn triển khai này còn hạn chế. Do vậy, trong giai đoạn này, cùng với cộng đồng dân cư, vai trò của các hội đồng chuyên gia liên ngành về kiến trúc, văn hóa, lịch sử, quản lý phát triển đô thị… dưới nhiều hình thức cần được đẩy mạnh và phát huy để góp phần gia tăng hiệu quả chung.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bảo Hân/Hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Định hướng phát triển thành phố Hạ Long trở thành đô thị đa cực

    (Xây dựng) - Ngày 18/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội nghị nghe và cho ý kiến về quy hoạch phân khu khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục tại thành phố Hạ Long.

    17:12 | 20/07/2024
  • Công nhận khu vực dự kiến thành lập các phường thuộc quận Hồng Bàng mở rộng, thành phố Hải Phòng

    (Xây dựng) - Bộ Xây dựng vừa ra Quyết định 670/QĐ-BXD về việc công nhận quận Hồng Bàng mở rộng và khu vực dự kiến thành lập các phường thuộc quận Hồng Bàng mở rộng, thành phố Hải Phòng đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

    13:25 | 20/07/2024
  • Công nhận khu vực dự kiến thành lập quận An Dương, thành phố Hải Phòng

    (Xây dựng) - Bộ Xây dựng vừa có Quyết định 669/QĐ-BXD về việc công nhận khu vực dự kiến thành lập quận, thành lập phường tại huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

    13:00 | 20/07/2024
  • Để Bắc sông Hồng “cất cánh”

    Trong định hướng phát triển không gian Thủ đô, trục cảnh quan sông Hồng cùng các mô hình chùm đô thị đa cực, đa trung tâm, “thành phố trong thành phố” được nhắc đến nhiều với kỳ vọng tạo sự chuyển biến lớn cho diện mạo Hà Nội.

    08:18 | 20/07/2024
  • Bắc Ninh hợp tác với Hàn Quốc xây dựng khu đô thị kiểu mẫu

    (Xây dựng) - Vừa qua, Đoàn công tác cấp cao do Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc Park Sang Woo làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Ninh (Đoàn công tác). Chuyến thăm này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển đô thị.

    22:22 | 19/07/2024
  • Chuyên gia JICA khuyến nghị chính sách phòng chống ngập đô thị

    (Xây dựng) - Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng, đều chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với lượng mưa có xu hướng tăng mạnh. Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo chính sách của Nhật Bản để đưa ra những giải pháp phòng chống và ứng phó kịp thời tránh ngập úng đô thị.

    20:50 | 19/07/2024
  • Thực hiện đúng quy hoạch và khai thác có hiệu quả, tạo nên "kỳ tích sông Hồng"

    Sáng 18-7, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu HĐND thành phố - Đơn vị bầu cử số 2 đã tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, sau kỳ họp thứ mười bảy, HĐND thành phố khóa XVI.

    14:56 | 18/07/2024
  • Định hướng phát triển đô thị Hà Nội: Rõ hình hài không gian thành phố

    Cùng với việc hoàn tất đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đến nay các định hướng phát triển không gian, đặc biệt là không gian đô thị thành phố đã rõ hình hài.

    08:58 | 18/07/2024
  • Long An: Nâng cao chất lượng đô thị theo hướng phát triển bền vững

    (Xây dựng) - Những năm gần đây, số lượng các khu đô thị công nghiệp tại Long An đang có xu hướng ngày càng tăng. Đô thị hóa và phát triển đô thị đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy Long An phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng sống của người dân từng bước được nâng cao. Với định hướng phát triển đô thị và thị trường bất động sản từ nay đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển bền vững với mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực, toàn quốc và thế giới.

    21:22 | 17/07/2024
  • Ninh Bình: Thông qua chủ trương thành lập thành phố Hoa Lư

    (Xây dựng) – Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Ninh Bình khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 – 2026, các đại biểu đã tán thành dự thảo Nghị quyết về việc thông qua chủ trương thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường trực thuộc.

    16:06 | 17/07/2024
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load