(Xây dựng) - Mảng bán lẻ của Tập đoàn Masan, WinCommerce hiện sở hữu mô hình tiêu dùng bán lẻ "New Commerce" với lợi thế duy nhất trên thị trường: Nền tảng sản xuất, phân phối và bộ phận logistics nội bộ. Sau khi “về tay” Masan, chuỗi WinCommerce đã có lãi sau 10 năm hoạt động.
WinMart với không gian mua sắm mới mẻ kết hợp cùng các chương trình ưu đãi lớn thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. |
Theo số liệu từ Eurominitor về mức độ thâm nhập của bán lẻ hiện đại (Mordern trade hay MT) tại Việt Nam còn tương đối thấp và hiện đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển với tỷ trọng khiêm tốn là ~12% thị phần bán lẻ. Nếu so sánh với “xứ sở vạn đảo” Indonesia, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn năm 2010 của quốc gia này khi mức độ thâm nhập của MT là ~12%. Tuy nhiên, nhờ những “ông lớn” của bán lẻ Indonesia là Indomaret và Alfamart tăng tốc mở rộng chuỗi cửa hàng giúp tăng tốc hiện đại hóa bán lẻ thị trường MT của Indonesia. Theo đó, thị trường MT tại “xứ sở vạn đảo” đã đạt mức tăng trưởng 18% mỗi năm trong vòng 5 năm.
Tại Việt Nam, mặc dù MT và E-commerce (Thương mại điện tử) đạt tăng trưởng mạnh mẽ, các giao dịch mua sắm tiêu dùng hàng ngày dự kiến vẫn sẽ phần lớn diễn ra ở kênh bán lẻ truyền thống (General trade hay GT) với tỷ trọng ~75 đến 80% thị phần bán lẻ trong tương lai 5 năm tới. Báo cáo của Monitor chỉ ra rằng nếu thị trường MT của Việt Nam phát triển như Indonesia thì quy mô thị trường được dự báo sẽ tăng hơn gấp ba lần trong thập kỷ tới, đạt quy mô thị trường ~20 tỷ USD.
Vậy doanh nghiệp nào có khả năng tài chính, nền tảng bán lẻ và năng lực vận hành để xây dựng “New Commerce” ở Việt Nam sẽ nắm giữ cơ hội để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam như Reliance Retail đã làm ở Ấn Độ và Indomaret, Alfamart đã hiện đại hóa bán lẻ Indonesia.
WinCommerce hiện đại hóa bán lẻ Việt Nam
Có mặt tại 62 tỉnh thành trên cả nước, WinCommerce (WCM, công ty vận hành chuỗi WinMart/WinMart+/WiN) sở hữu mạng lưới gần 3.700 điểm bán. Đây là nhà bán lẻ hiện đại có quy mô lớn nhất Việt Nam với hơn 50% thị phần bán lẻ hiện đại. Mỗi tháng, chuỗi WinMart/WinMart+/WiN phục vụ hơn 30 triệu lượt khách mua sắm.
Năm 2023, WinCommerce đã hoàn tất tái cấu trúc và trở lại chiến lược mở rộng điểm chuỗi bán lẻ; tập trung vào các mô hình riêng biệt cho từng khu vực và phân khúc khách hàng. Đến cuối năm 2024, kế hoạch mở rộng quy mô của WinCommerce dự kiến sẽ đạt tổng cộng khoảng 4.000 cửa hàng trên toàn quốc; đồng nghĩa mỗi ngày 1 điểm bán mới sẽ xuất hiện. Đây cũng là cách mà Indomaret và Alfamart “hiện đại hóa” bán lẻ Indonesia và đã thành công.
Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô chỉ là một phần đóng góp trong bức tranh “New Commerce” của WinCommerce, bởi doanh nghiệp này còn kết hợp những năng lực cốt lõi từ hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ của Tập đoàn Masan (Công ty mẹ của WinCommerce). Cụ thể, WinCommerce kết hợp năng lực sản xuất và khả năng xây dựng thương hiệu mạnh của Masan Consumer (Đơn vị sở hữu các thương hiệu có doanh thu ngàn tỷ như CHIN-SU, Omachi). Hơn thế nữa, Masan Consumer còn vận hành một trong những mạng lưới phân phối thực phẩm và đồ uống lớn nhất tại Việt Nam. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể như khả năng cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng một cách hiệu quả trong khi giảm được chi phí vận chuyển. Điều này rất quan trọng vì gần 70% dân số Việt Nam hiện sinh sống ở vùng nông thôn và ngành bán lẻ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào kênh bán hàng truyền thống.
Sự kết hợp trên được hoàn thiện thêm bởi bộ phận logistics nội bộ của WinCommerce là Supra. Được thành lập năm 2022, hiện tại, Supra sở hữu hệ thống trung tâm phân phối (Distribution Center) gồm 10 cụm kho (bao gồm cả kho khô và kho lạnh) trên cả ba miền Tổ quốc. Supra đang chịu trách nhiệm giao 60% tổng sản lượng hàng hóa của WinCommerce. Theo thống kê của WinCommerce, Supra đã hỗ trợ tiết giảm 11% chi phí logistics đối với hàng hóa, góp phần trực tiếp giảm giá thành lên từng sản phẩm, mang lại lợi ích cho khách hàng.
Những điều trên có nghĩa rằng mô hình “New Commerce” của WinCommerce là một chuỗi giá trị tiêu dùng bán lẻ hoàn thiện từ khâu sản xuất, phân phối và logistics, góp phần “hiện đại hóa” thị trường bán lẻ Việt Nam.
Tối ưu, mở rộng và mang về lợi nhuận
Mở rộng quy mô kinh doanh là một mục tiêu mà doanh nghiệp luôn hướng đến. Khi tiềm lực doanh nghiệp đủ mạnh, mở rộng quy mô sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, danh tiếng thương hiệu và nhiều yếu tố khác. Lời giải cho bài toán mở rộng một cách có lợi nhuận đã được WinCommerce thực thi và đã “hái quả ngọt” trong năm 2024.
Theo báo cáo mới đây, trong quý II/2024, WCM ghi nhận doanh thu 7.844 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thành quả của công tác nâng cấp, cải tiến cửa hàng WiN (hướng đến người tiêu dùng ở khu vực thành thị) và WinMart+ Rural (phục vụ người tiêu dùng ở khu vực ở nông thôn). Hai mô hình cửa hàng này đạt hiệu quả vượt trội so với mô hình truyền thống với mức tăng trưởng LFL lần lượt là 6,3% và 10,7% trong quý II/2024 so với cùng kỳ. Đáng chú ý, WCM đã đạt lợi nhuận sau thế (LNST) dương trong tháng 6 vừa qua, đánh dấu bước tiến đáng kể từ khi về tay Masan. WCM dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm 2024.
WinCommerce là nền móng trụ cột vững chắc trong hành trình phục sự người tiêu dùng của Tập đoàn Masan. Mạng lưới siêu thị, cửa hàng tiện lợi của WCM là điểm đến lý tưởng, nơi kết nối mọi nhu cầu “tất cả trong một” từ nhu yếu phẩm hàng ngày cho đến sản phẩm, dịch vụ tài chính của người tiêu dùng. Trong tương lai, cùng với sự phát triển của thị trường MT, WinCommerce sẽ tăng tốc khả năng sinh lời qua đó giúp giá trị nội tại doanh nghiệp ngày một tăng cao.
Hải Dương
Theo