Thứ năm 02/05/2024 10:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Các tỉnh Thái Bình, Nam Định chủ động ứng phó với bão số 1

21:15 | 17/07/2023

(Xây dựng) - Từ 12 giờ ngày 17/7, các tỉnh Thái Bình và Nam Định tiến hành lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi. Đồng thời kêu gọi các phương tiện, con người đang hoạt động trên biển, ven biển, cửa sông vào nơi tránh trú an toàn.

Các tỉnh Thái Bình, Nam Định chủ động ứng phó với bão số 1
Nhiều tàu thuyền đã về nơi neo đậu an toàn (Trong ảnh: Cảng cá Ninh Cơ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).

Tại Thái Bình, để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp, các ngành thực hiện nghiêm Công điện số 01/CĐ-PCTT ngày 14/7/2023, số 02/CĐ-PCTT ngày 15/7/2023 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 12 giờ 00 phút ngày 17/7/2023; bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.

Di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, bang két đê biển, đê cửa sông.

Khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, xí nghiệp, biển hiệu và các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở trên sông, ven biển để giảm thiệt hại về người và tài sản đặc biệt ở hai huyện ven biển; cắt tỉa cây lớn để đảm bao an toàn trong trường hợp bão đổ bộ.

Triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối tại các tuyến đê cửa sông, đê biển; bảo đảm an toàn cho người và tài sản ở khu vực bao vùng cửa sông, ven biển đề phòng bão đổ bộ trong điều kiện triều cường kết hợp nước dâng cao do bão gây tràn, vỡ bờ bao. Nếu phát hiện thấy công trình không đảm bảo an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay. Các đơn vị quản lý hệ thống thủy nông cử cán bộ thường trực 24/24h, theo dõi mực nước, đóng các cống tưới, mở các công tiêu, giải phóng dòng chảy, triệt để tiêu nước trong hệ thống; kiểm tra hoạt động các trạm bơm để sẵn sàng kích hoạt tiêu nước cho lúa mới cấy, hoa màu và các khu vực trũng, thấp. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, HTX nông nghiệp khẩn trương khơi thông dòng chảy, tháo cạn nước trên mặt ruộng phục vụ bảo vệ lúa mới cấy, cây màu đã trồng.

Thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị của tỉnh và cán bộ kỹ thuật làm công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão năm 2023 đến ngay vị trí được phân công để chỉ đạo, đôn đốc, tham mưu biện pháp xử lý sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN.

Tại Nam Định, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nam Định dự kiến cấm biển từ 12 giờ ngày 17/7 đến khi có tin bão cuối cùng. Kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 18 giờ ngày 17/7; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 12 giờ ngày 17/7; dự kiến sẽ sơ tán toàn bộ 1.228 lao động ngoài các lều, chòi nuôi trồng thủy sản, lao động trên các lồng bè vào trong đê, tổ chức sơ tán dân theo các phương án đã xây dựng đối với các tình huống thiên tai trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cùng các địa phương tiếp tục công tác kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra toàn tuyến đê trên địa bàn (đặc biệt đối với các tuyến đê biển), có phương án xử lý giờ đầu đối với những điểm xung yếu, nhất là ở những vị trí đã bị sạt lở; rà soát thống kê số lượng nhà yếu, nhà tạm kèm theo số nhân khẩu trên địa bàn dự kiến phải sơ tán, đồng thời có phương án sơ tán cụ thể khi có lệnh; kiểm tra, rà soát các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu bảo đảm như phương án đã được phê duyệt; khoanh vùng, vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi để tiêu thoát nước chống ngập úng do mưa lớn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có 14.700 ha nuôi trồng thủy, hải sản; trên 1.000 lều, chòi với gần 1.300 lao động tại vùng đầm bãi nuôi trồng thủy sản ngoài đê. Hiện đã có 213 lồng bè nuôi trồng thủy sản của 20 cơ sở nhận được thông tin về bão số 1. Các lực lượng chức năng đã liên lạc được với tất cả các tàu thuyền của tỉnh gồm 1.776 phương tiện với 5.344 lao động; hiện có 1.478 phương tiện với 4.454 lao động đang neo đậu tại bến, chỉ còn 298 tàu với 890 lao động đang hoạt động trên biển.

Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 27 trọng điểm xung yếu, trong đó 21 trọng điểm trên đê sông, 6 trọng điểm trên tuyến đê biển; các trọng điểm đã xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống lụt bão theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Các cấp, các ngành quyết liệt chỉ đạo tổ chức tiêu rút nước đệm theo đúng quy trình vận hành; khi xảy ra ngập úng tập trung mở các cống tiêu vùng triều, vùng phía bắc tỉnh vận hành các trạm bơm điện lớn; khoanh vùng, sử dụng bơm dã chiến để bảo vệ diện tích lúa mới cấy và rau màu; cử lực lượng ứng trực tại các nơi úng ngập, tổ chức hướng dẫn giao thông và thu dọn vệ sinh cho tới khi nước rút hết.

Văn Đạt

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load