Thứ năm 26/12/2024 21:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Du lịch /

Các tỉnh phía Đông ĐBSCL: Tìm giải pháp liên kết vùng đánh thức tiềm năng phát triển du lịch

19:37 | 17/11/2024

(Xây dựng) – Sáng 17/11, tại thành phố Vĩnh Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Hội nghị đánh giá sản phẩm du lịch hiện có và tiềm năng phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng. Trước đó, các tỉnh phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phối hợp tổ chức Famtrip cho các doanh nghiệp lữ hành Thành phố Hà Hội, Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát du lịch các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Các tỉnh phía Đông ĐBSCL: Tìm giải pháp liên kết vùng đánh thức tiềm năng phát triển du lịch
Các doanh nghiệp ký kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL.

Tài nguyên du lịch dồi dào phong phú nhưng sản phẩm du lịch chưa xứng tầm

Tại Hội nghị đánh giá sản phẩm du lịch hiện có và tiềm năng phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng, các doanh nghiệp lữ hành đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch các tỉnh phía Đông ĐBSCL. Theo ông Diệp Đức Duy, Giám đốc Sao Biển Tourist (Đoàn Famtrip số 1 Long An - Tiền Giang - Vĩnh Long), Long An có vị trí địa lý thuận lợi, sản phẩm du lịch có. Tuy nhiên chỉ thỏa nhu cầu đi 01 ngày. Chưa có sản phẩm níu chân du khách. Tiền Giang đã làm tốt tour Mekong cơ bản, tuy nhiên là sản phẩm trùng lặp. Tiềm năng về phát triển du lịch tại Gò Công, sản phẩm du lịch mới, điển hình như Làng gạch, gốm Mang Thít. Tuy nhiên cần phải đầu tư hơn để phục nhu cầu khách tham quan như xây dựng tháp quan sát để du khách cảm nhận từ trên cao mới thấy được vẻ đẹp của làng gạch, gốm di sản đương đại Mang Thít.

“Tiềm năng phát triển du lịch đã có nhưng mỗi tỉnh nên xây dựng sản phẩm riêng biệt để hấp dẫn du khách. Mỗi tỉnh nên có một sản phẩm du lịch đêm riêng biệt để du khách tham quan, trải nghiệm, giải trí về đêm. Vì hiện nay các tỉnh chưa có sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn…”, ông Diệp Đức Duy đề xuất.

Các tỉnh phía Đông ĐBSCL: Tìm giải pháp liên kết vùng đánh thức tiềm năng phát triển du lịch
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phát biểu với Hội nghị.

TS. Lê Minh Quang, Giám đốc phát triển, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trọng Điểm, Tập đoàn Focus cho rằng: Mặc dù có nhiều tiềm năng, song các sản phẩm du lịch tại Vĩnh Long và các tỉnh liên kết vẫn chưa thực sự đa dạng và phù hợp. Sự trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng là yếu tố gây khó khăn cho việc thu hút khách lưu trú dài ngày. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng để phục vụ cho du lịch chưa đồng đều và chưa đáp ứng được kỳ vọng của du khách. Các tuyến đường giao thông chưa được nâng cấp, thiếu các cơ sở lưu trú, ăn uống hiện đại và khu vui chơi giải trí, gây khó cho du khách trong việc di chuyển và tham quan. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của du khách và làm giảm sức hấp dẫn của các điểm đến. Bên cạnh đó, còn thiếu sự liên kết về phát triển du lịch giữa tỉnh với các vùng và địa phương lân cận. Hoạt động xúc tiến du lịch còn rời rạc, chưa được liên tục, dẫn đến hiệu quả hợp tác phát triển du lịch giữa các bên chưa cao…

Các tỉnh phía Đông ĐBSCL: Tìm giải pháp liên kết vùng đánh thức tiềm năng phát triển du lịch
TS. Lê Minh Quang, Giám đốc phát triển, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trọng Điểm, Tập đoàn Focus phát biểu tại Hội nghị.

“Du lịch Vĩnh Long và vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ và bền vững. Với vị trí địa lý thuận lợi, văn hóa phong phú và các sản phẩm du lịch độc đáo. Khu vực này hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, các tỉnh cần khắc phục những hạn chế hiện tại, như thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng dịch vụ chưa đồng đều và hạ tầng du lịch chưa hoàn thiện. Tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh trong vùng ĐBSCL, cần xây dựng các tour du lịch kết hợp giữa văn hóa, lịch sử và thiên nhiên, tổ chức các sự kiện văn hóa quy mô lớn và đầu tư vào hạ tầng du lịch. Những giải pháp này, nếu được thực hiện hiệu quả, sẽ giúp khai thác tối đa lợi thế của vùng tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn, chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường du lịch, và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. Việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng ĐBSCL là điều cần thiết để khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của khu vực. Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng cần chung tay thực hiện các giải pháp đề xuất để phát triển du lịch bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng…”, TS. Lê Minh Quang chia sẻ.

Làm gì đánh thức được lợi thế tiềm năng du lịch phía Đông?

Theo nhận định của diễn giả, tài nguyên du lịch nhân văn có thể khai thác thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo tại các tỉnh thuộc cụm liên kết phía Đông ĐBSCL còn rất đa dạng và phong phú. Vì thế, tăng cường sự liên kết du lịch cụm phía Đông ĐBSCL phát triển sản phẩm khác biệt, độc đáo của từng mảng màu ở mỗi địa phương để tạo nên bức tranh tổng thể đa dạng và hấp dẫn, góp phần phát triển du lịch bền vững hơn là giải pháp hàng đầu.

Các tỉnh phía Đông ĐBSCL: Tìm giải pháp liên kết vùng đánh thức tiềm năng phát triển du lịch
Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đề nghị các đại biểu, diễn giả hiến kế các giải pháp liên kết phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL: “Đêm qua, nhiều đại biểu có mặt tại Hội nghị hôm nay đã tham dự Lễ khai mạc Festival gạch, gốm đỏ - Kinh tế xanh Vĩnh Long lần I-2024. Festival là sự thể hiện quyết tâm của tỉnh Vĩnh Long trong việc quảng bá, mời gọi đầu tư, phát huy một làng nghề trăm năm trở thành khu du lịch với sự đa dạng dịch vụ truyền thống và hiện đại, tạo đột phá cho du lịch Vĩnh Long trong thời gian tới. Chúng tôi tin tưởng rằng với những giá trị gạch, gốm Mang Thít sớm trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của ĐBSCL và cả nước.

Tại Hội nghị này, tôi đề nghị các đại biểu tập trung phát biểu về giải pháp nào cho sự liên kết phát triển các sản phẩm du lịch của các tỉnh phía Đông ĐBSCL, về đường bộ, đường thủy? Làm gì và làm thế nào để phát triển, tạo nét đặc sắc riêng cho các điểm du lịch mà đại biểu đã đến?”.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour, Giảng viên Doanh nhân Khoa Du lịch, Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng: “Bên cạnh sông nước, sân chim, vườn cây… Tây Nam bộ có nhiều sản phẩm du lịch không đụng hàng, tỉnh thành nào cũng có nhưng chưa được nhận diện đầy đủ, thiếu các trạm dừng bán đặc sản địa phương chuẩn.

Dứt điểm những chuyện nhỏ, tạo sự khác biệt lớn như: Không dùng nước chấm chung; Có đồ chia thức ăn chung ra từng người; Từng món ăn có tên gọi riêng kiểu Nam bộ với thực đơn chăm chút. Lấy nụ cười thân thiện để nâng cấp tinh thần và thái độ phục vụ, làm vũ khí cạnh tranh. Tận dụng sân nhà để quảng bá danh thắng, món ngon địa phương.

Các tỉnh phía Đông ĐBSCL: Tìm giải pháp liên kết vùng đánh thức tiềm năng phát triển du lịch
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour phát biểu.

Rất cần những chính sách đột phá, thu hút đầu tư các dịch vụ lưu trú, giải trí, mua sắm cao cấp và lộ trình cải tạo giao thông. Chưa mời được “đại bàng” về thì tạo điều kiện tối đa cho “chim sẻ” địa phương làm tổ. Muốn đón được nhiều khách quốc tế phải làm tốt du lịch nội địa. Không thể từ ao làng ra biển lớn…”.

Đến dự và phát biểu với Hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề nghị các tỉnh phía Đông ĐBSCL: “Chúng ta đang trăn trở cho ngành Du lịch là làm sao để phát huy những tài nguyên hiện có. Chúng ta nhận diện được giá trị tài nguyên cũng như tiềm năng. Chúng ta đánh giá đúng chúng ta đang ở đâu, một cách cầu thị, biết điểm mạnh điểm yếu của mình để có hướng đi mới.

Chúng ta chưa phát huy được thế mạnh tính địa phương để tạo ra sự khác biệt, sản phẩm đặc thù. Đối với phía Đông ĐBSCL, sản phẩm chúng ta cần xây dựng riêng biệt, bổ trợ cho nhau nhưng không sao chép lẫn nhau. Chúng tôi nghĩ rằng sản phẩm dựa trên văn hóa bản địa phải tập hợp được cộng đồng. Chúng ta cần có định hướng, tư vấn và cách làm của người dân địa phương để phát huy được sức mạnh của cộng đồng. Trong đặc thù của vùng về đầu tư, đường bộ hạn chế, đường thủy tiềm năng còn sơ khai thì kêu gọi nhà đầu tư chiến lược. Tôi nghĩ đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình tầm cao mới thì nguồn lực đầu tư sẽ tập trung vào đầu tư chiến lược, đường thủy nội địa ĐBSCL sẽ nhiều cơ hội đầu tư hơn… Nói đến quảng bá rất dễ nhưng làm rất khó. Quảng bá sản phẩm và điểm đến phải có định hướng sáng tạo. Phải đổi mới mạnh mẽ quảng bá xúc tiến điểm đến qua các mạng xã hội, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo…”.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load