(Xây dựng) - Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các dự án lớn trong quy hoạch đều đang chậm, không thể hoàn thành tiến độ như quy hoạch đặt ra.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho biết: Trong giai đoạn này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành 12 dự án với tổng công suất 6.100 MW; đang triển khai 10 dự án trọng điểm giai đoạn đến năm 2030.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao làm chủ đầu tư 8 dự án với tổng công suất 11.400 MW đến năm 2030. Trong đó giai đoạn 2016 - 2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021 - 2025 có 5 dự án. Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong đó có 2 dự án đã giao chủ đầu tư khác. Vướng mắc lớn nhất đang tồn tại ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và Long Phú 1.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950 MW. Trong đó có 2 dự án đang triển khai, 2 dự án vẫn chưa thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Như vậy cả 4 dự án đều chậm tiến độ.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với các dự án IPP (dự án điện độc lập), gồm có 7 dự án với tổng công suất gần 2.000 MW. Theo đánh giá, các dự án này đều chậm tiến độ, trong đó một số dự án khó xác định được thời gian hoàn thành, một số dự án chậm do thiếu nguồn vốn vay và các nguyên nhân khác.
Còn đối với các dự án BOT, đến thời điểm này có 19 dự án với tổng công suất khoảng gần 27.000 MW, trong đó 4 dự án đã vào vận hành thương mại, 4 dự án đang xây dựng, 3 dự án đang triển khai ở giai đoạn đầu, chưa đàm phán, 3 dự án đang giải quyết vấn đề về pháp lý.
Phó Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo cân đối cung cầu điện, hiện chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2021 nhiều khả năng sẽ thiếu điện nếu như không có giải pháp kịp thời. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là không để chậm hơn nữa tiến độ các dự án điện đang triển khai. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này cần có sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các DN.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp cụ thể cho từng dự án đang gặp vướng mắc, báo cáo Chính phủ để chỉ đạo; tập trung hoàn thiện nhanh cơ chế chính sách tạo động lực khuyến khích đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án nguồn và lưới điện; sớm triển khai các chỉ đạo của Trung ương về chiến lược phát triển năng lượng, đảm bảo đủ điện cho phát triển bền vững.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ để phát triển hệ thống điện bền vững như: Sớm phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam thay thế Quyết định 11/2017/QĐ-TTg; ban hành cơ chế chính sách đặc thù các dự án điện cấp bách; xem xét và ban hành chỉ thị tăng cường quản lý nhà nước về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thực hiện bồi thường GPMB, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện.
Được biết, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, liên quan đến các dự án điện, Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm như các dự án Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2..., bảo đảm tiến độ hoàn thành.
Cụ thể, đối với Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, bảo đảm tiến độ đưa Tổ máy 1 vào vận hành quý II/2021 và Tổ máy 2 vào quý III/2021; đối với Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện báo cáo trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 để bảo đảm tiến độ đưa Tổ máy 1 vào vận hành trong tháng 12/2020 và Tổ máy 2 vào quý I/2021…
Hà Vy
Theo