(Xây dựng) - Tỉnh Cà Mau sẽ đầu tư xây dựng 6 công trình cấp nước tập trung, với tổng nguồn vốn 180 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn.
Cứ khô hạn là thiếu nước ngọt
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, Cà Mau là một trong những địa phương thiếu nước sinh hoạt gay gắt nếu mùa khô kéo dài. Địa phương cũng là tỉnh duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa tiếp cận được nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu, sông Tiền. Nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng ngọt chủ yếu nhờ vào nguồn nước mưa và nước ngầm khai thác dưới lòng đất. Cũng vì lẽ đó, tình cảnh “khát nước” liên tục tái diễn vào những năm nào nắng hạn gay gắt.
Mùa khô năm 2024, tỉnh Cà Mau chi 10 tỷ đồng, trong đó, có mua bồn chứa nước cho người dân vùng khát nước. |
Mùa khô năm 2024, người dân chứng kiến cảnh thiếu nước ngọt. Huyện Trần Văn Thời có 600 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Nhiều xã tiếp giáp với biển thì tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt tăng lên gấp đôi. Trong mùa hạn năm 2024, trên địa bàn xã Biển Bạch có 581 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt, tập trung nhiều tại các Ấp 18, 11, Thanh Tùng và Trương Thoại có khoảng hơn 400 hộ phải mua nước để sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày.
Báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Cà Mau, khu vực “khát nước” ở Cà Mau hơn 3.000 hộ được phân thành bốn nhóm. Theo đó, nhóm sinh sống ở khu vực thưa thớt, phân tán; nhóm sinh sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng; nhóm sinh sống ở khu vực có hệ thống nước nối mạng nhưng bị xuống cấp, không cung cấp đủ nước sinh hoạt và nhóm sinh sống tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước.
Qua rà soát thực tế nhu cầu nước sinh hoạt của người dân mùa khô năm 2024, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản chấp thuận việc sử dụng 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân. Ngành nông nghiệp Cà Mau đề xuất, UBND tỉnh gấp rút cho triển khai việc cấp nước cho nhóm đối tượng dân cư sinh sống ở khu vực thưa thớt, phân tán có 1.344 hộ. Giải pháp là cấp phát một bồn nhựa loại 1m3 để trữ nước cho đối tượng đặc biệt khó khăn, không có dụng cụ trữ nước, cần sự hỗ trợ là 758 hộ.
586 hộ còn lại thuộc nhóm đối tượng vừa nêu, cần thiết lập 46 điểm cấp nước tập trung cho người dân sử dụng tại các xã: Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Đông, Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời); xã Biển Bạch (huyện Thới Bình); Xã Việt Thắng, Việt Khái (huyện Phú Tân); xã Đất Mới, Lâm Hải (huyện Năm Căn); xã Trần Thới (huyện Cái Nước).
Đối với nhóm sinh sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng (977 hộ), cần nhanh chóng mở rộng mạng đường ống cấp nước tại 6 công trình cấp nước tập trung, tổng chiều dài tuyến ống khoảng 83,5 km để cung cấp nước cho người dân.
Lực lượng vũ trang Quân khu 9 chở nước ngọt giúp người dân vùng hạn mặn Cà Mau. |
Để giúp người dân, tỉnh huy động lực lượng Đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang và người dân địa phương tham gia lắp đường ống nổi trên mặt đất và vòi nước công cộng (vòi cách vòi khoảng 500m), để cho người dân thuận tiện lấy nước sử dụng. Các đơn vị cấp nước cần chủ động cấp nước luân phiên (cấp theo tuyến, theo giờ) để đảm bảo cho người dân có nước sử dụng…
Một chính sách kịp thời
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh có ba mặt giáp biển và nằm xa nhất về phía biển cho nên địa phương duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không được tiếp nước ngọt từ sông Mê Công. Mọi hoạt động liên quan đến sản xuất, đời sống của người dân đều nhờ tích trữ nước mưa, hoặc khai thác tầng nước ngầm. Vùng đất thấp và chưa có hệ thống trữ nước mưa cho nên mùa mưa thì kênh, rạch vùng ngọt bị ngập, trong khi mùa khô thì lại thiếu nước ngọt. Khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt thì điệp khúc thiếu nước ngọt trong mùa khô hạn khắc nghiệt lại xuất hiện nhiều hơn.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, khác với 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau chỉ có tích nước tại chỗ (nước mưa) mà chưa có nguồn nước ngọt khác bổ sung. Như huyện Trần Văn Thời, trong mùa khô 2024 này, hiện cơ bản không có nước, gây ra sụt lún, hư hỏng hàng loạt tuyến đường giao thông.
Vừa qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau phối hợp với các địa phương chuẩn bị mặt bằng để đầu tư xây dựng 6 công trình cấp nước tập trung nông thôn, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Trung tâm sẽ đầu tư mạng đường ống và 6 công trình cấp nước tập trung.
Người dân nhận nước ngọt. |
Dự kiến, công trình sẽ cấp nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 hộ dân tại các vùng nông thôn hiếm nước, nguồn nước bị ô nhiễm, xâm nhập mặn. Tổng nguồn vốn đầu tư 180 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của Bộ NN&PTNT 106 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của tỉnh Cà Mau.
Việc đầu tư xây dựng công trình trên hết sức kịp thời khắc phục tình hình thiếu nước cho nhóm đối tượng dân cư sinh sống ở khu vực thưa thớt, phân tán và nhóm đối tượng sinh sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng. Để đến mùa khô, người dân Cà Mau không còn lo khát nước sinh hoạt.
Đào Văn
Theo