(Xây dựng) - Ngày 08/11, Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024. Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vinh dự đứng thứ 9 Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024.
Bảng xếp hạng (BXH) VNR500 đã bước sang năm thứ 18 trên chặng đường tìm kiếm và tôn vinh thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định - những doanh nghiệp với bản lĩnh kiên cường trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động đã góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Công ty BSR đứng thứ 9 trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2024. |
Năm nay, Vietnam Report tiếp tục công bố hai danh sách: Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (thông tin đầy đủ và chi tiết được đăng tải trên website: www.vnr500.com.vn).
Thống kê từ BXH VNR500 năm 2024
Kết quả thống kê từ BXH VNR500 năm 2024 cho thấy, ngành Công nghiệp - Xây dựng vẫn là một trong những động lực phát triển của ngành kinh tế với số lượng doanh nghiệp áp đảo, dù tổng doanh thu có sự giảm nhẹ so với năm trước (-0,7%). Tổng doanh thu nhóm ngành Dịch vụ tăng 13,7% và nhóm ngành Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản giảm 7,8% so với năm trước.
Nhiều nhóm ngành chính trong BXH ghi nhận tổng doanh thu tăng so với năm trước như: Tài chính (+23,1%); Cơ khí (+16,1%); Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (+6,6%); Xây dựng (+6,4%). Trong khi đó, một số nhóm ngành lại ghi nhận doanh thu không mấy lạc quan do nhu cầu tiêu dùng yếu đi, xuất khẩu hàng hóa chững lại như: Bán lẻ (-7,5%), Hóa chất (-7,4%), Khoáng sản (-5,2%), Điện (-4,6%).
Xét về các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp VNR500 2024, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) có chiều hướng giảm, lần lượt là 0,7% và 2,0% so với năm trước; trong đó, khu vực vốn nước ngoài (FDI) ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu tốt nhất.
Cùng chung xu hướng với ROA, ROE, tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân ghi nhận mức giảm 0,2% xét trên tổng thể; trong đó, khu vực Nhà nước và Tư nhân lần lượt giảm 1,9%, và 2,4%, khu vực FDI tăng 0,1% so với năm trước.
“Hừng đông” đến với doanh nghiệp Việt
Năm 2024 được coi là năm bản lề quan trọng cho mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Ở góc độ vĩ mô, GDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 6,82%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023 và tương đồng với mức tăng trưởng cùng kỳ của những năm trước đại dịch.
Trong 10 tháng năm 2024, nguồn vốn FDI đăng ký mới và đăng ký điều chỉnh tăng 14,3% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8%; khách quốc tế trên 14,1 triệu người, tăng 41,3% so với cùng kỳ. Đó là hàng loạt những con số ấn tượng cho thấy "ánh hừng đông" của nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng tăng trưởng so với năm 2023. Tỷ lệ doanh nghiệp có mức tăng lên đáng kể về doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 7,7% và 10,5%, cao hơn nhiều so mới mức gần 5% của năm trước đó.
Khảo sát cũng chỉ ra top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới, đó là: Công nghệ thông tin/ Viễn thông (64,7%); Vận tải/ Logistics (41,2%); và Điện/ Năng lượng (29,4%).
“Cơn gió ngược” chưa tan và chính sách tiếp sức doanh nghiệp Việt
Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang phục hồi trong năm 2024, nhưng những bất ổn địa chính trị vẫn còn, thậm chí có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến kinh tế của các quốc gia/ khu vực khác.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, top 6 khó khăn lớn nhất hiện nay bao gồm: Bất ổn kinh tế - chính trị (77,2%); Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành (74,3%); Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng (57,1%); Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm (51,4%); Các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, logistics, phân phối (40,0%); Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh (40,0%).
Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị một số giải pháp trọng tâm: Tiếp tục hỗ trợ miễn, giảm các loại thuế, phí hoặc gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp (84,6%); Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (71,8%); Cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (53,8%); Cải thiện cơ sở hạ tầng (53,8%); Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại (43,6%).
Năm 2024 là năm ghi dấu các doanh nghiệp trụ vững và thích nghi sau giai đoạn khó khăn, đạt được thành quả đáng khích lệ. Sự kiên trì và đổi mới trong hoạt động kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch mà còn đóng góp vào nỗ lực đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cả năm dự kiến. Đây là nền tảng vững chắc, tạo tiền đề cho các bước phát triển vượt bậc trong năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Nỗ lực này xứng đáng được ghi nhận nhằm lan tỏa động lực tích cực, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
PV
Theo