(Xây dựng) – Chiều 21/8, tại Bộ Xây dựng, các thành viên Tổ Công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Xây dựng đã họp trực tuyến với Cục Công tác phía Nam để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Xây dựng) đã đi kiểm tra tại công trường Bệnh viện dã chiến Quận 7. |
Tại cuộc họp, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Tổ phó Thường trực Tổ công tác đã báo cáo cập nhật tình hình tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đến Tổ công tác của Bộ Xây dựng. Theo đó, hiện nay tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tổng số Bệnh viện dã chiến là 184 (131.774 giường) và 1425 Khu cách ly (163.077 giường). Trong tuần vừa qua, tổng số Bệnh viện dã chiến tăng 16 (8.847 giường) và 21 khu cách ly (5.654 giường).
Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng 14 Bệnh viện dã chiến, đang xây dựng 03 Bệnh viện dã chiến – đáp ứng khoảng 70.000 giường, tỉnh Bình Dương đã bố trí 05 Bệnh viện dã chiến đáp ứng 15.800 giường, tỉnh Đồng Nai đã bố trí 11 Bệnh viện dã chiến đáp ứng 10.080 giường (tăng 1 so với tuần trước), tỉnh Long An đã bố trí 26 Bệnh viện dã chiến với 12.403 giường, tỉnh Tiền Giang đã bố trí 08 Bệnh viện dã chiến đáp ứng 6.240 giường (tăng 1 so với tuần trước)...
Sau khi nghe các Thành viên Tổ công tác báo cáo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chỉ đạo các Thành viên thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Việc đầu tiên, Bộ Xây dựng có văn bản gửi ngay Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cân nhắc, xem xét các giải pháp để đảm bảo duy trì các dịch vụ sửa chữa đối với các hư hỏng hệ thống điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống kỹ thuật trong và ngoài nhà phục vụ người dân trong thời gian tăng cường giãn cách từ 0h ngày 23/8/2021.
Thứ hai, cần hoàn thiện gấp văn bản bổ sung hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung theo mô hình mới trong điều trị bệnh nhân Covid-19 theo “tháp 3 tầng điều trị” hoặc “tháp 5 tầng điều trị” gửi các địa phương để kịp thời triển khai.
Thứ ba là chuẩn bị nội dung báo cáo Tổ Công tác đặc biệt phòng, chống Covid-19 của Thủ tướng về tình hình đáp ứng dịch vụ hỏa táng tại các địa phương và các đề xuất giải pháp xây dựng, lắp đặt bổ sung lò hỏa táng trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Thứ tư, đề xuất với Chính phủ ban hành giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp luật đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm gây dịch theo Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.
Thứ năm, khẩn trương ban hành Hướng dẫn đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng gửi các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để quyết định việc cho phép các công trình cụ thể được tổ chức thi công xây dựng.
Thứ sáu, nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các hợp đồng xây dựng, xem xét điều kiện bất khả kháng của hợp đồng tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Thứ bảy, Bộ Xây dựng có văn bản gửi các địa phương đồng ý ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương đánh giá sự tuân thủ theo quy định của pháp luật về xây dựng và đảm bảo điều kiện vận hành an toàn phục vụ phòng chống dịch bệnh, tạm thời chấp thuận để chủ đầu tư bàn giao công trình cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương để khẩn trương đưa công trình vào sử dụng phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quang Hùng yêu cầu các Thành viên tổ công tác khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Ngay sau buổi họp, Bộ Xây dựng đã ban hành Văn bản đề nghị TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh phía Nam cân nhắc quan tâm về việc duy trì dịch vụ sửa chữa hệ thống điện, nước trong nhà trong điều kiện tăng cường giãn cách xã hội. |
Ánh Dương
Theo