(Xây dựng) – Trong 9 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm và thoái vốn Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai kế hoạch thoái vốn theo đúng lộ trình. |
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã đẩy mạnh công tác phê duyệt Đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp và kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 – 2025. Bộ đã hoàn thành phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) giai đoạn 2021 - 2025; Thông qua Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (COMA) giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ cũng đang thẩm định để phê duyệt, cho ý kiến Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) giai đoạn 2021 - 2025 và xem xét, thẩm định Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP).
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 – 2025, Bộ đã phê duyệt kế hoạch của HUD và đang thẩm định kế hoạch của VICEM.
Đối với công tác cổ phần hóa và thoái vốn, các Tổng công ty có kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn cụ thể đã và đang tích cực triển khai các bước công việc. Theo đó, VICEM sẽ tiếp tục duy trì mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) trong giai đoạn 2022 - 2025. HUD sẽ thực hiện cổ phần hóa vào năm 2025 với tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
2 Tổng Công ty Viglacera và Sông Hồng có kế hoạch thoái toàn bộ vốn Nhà nước trong năm 2023, nhưng trường hợp của Sông Hồng sẽ được thúc đẩy thực hiện sớm hơn, còn Viglacera sẽ mất thời gian dài vì quy mô tổng công ty lớn.
Trong khi đó, COMA sẽ thoái toàn bộ vốn Nhà nước trong giai đoạn 2024 - 2025. LILAMA sẽ thoái giảm vốn Nhà nước về 51% vốn điều lệ trong giai đoạn 2024 - 2025. Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại HANCORP về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Hiện nay, Bộ đã phê duyệt kế hoạch, hoàn thành lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định giá và tư vấn lập phương án thoái vốn Nhà nước tại Viglacera; đang xem xét phương án thoái vốn Nhà nước tại Sông Hồng; đồng thời tập trung công tác sắp xếp các cơ sở nhà đất của HUD để xây dựng kế hoạch cổ phần hóa.
Tổng Công ty Viglacera có kế hoạch thoái toàn bộ vốn Nhà nước trong năm 2023. |
Bên cạnh đó, Bộ đang tiếp tục rà soát, thực hiện phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp; xử lý các vướng mắc để thực hiện quyết toán vốn Nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần các Tổng Công ty Sông Đà, FICO, COMA hay LILAMA.
Có thể nói, kể từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng vẫn còn gặp những khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Nhưng trong bức tranh xám màu vẫn có những điểm sáng như Viglacera đã hoàn thành chỉ tiêu về lợi nhuận và doanh thu đến hết quý III/2023. HUD đã hoàn thành Đề án tái cấu trúc, Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm và quy chế tài chính. LILAMA cũng đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn và cơ bản hoàn thành Đề án tái cơ cấu cùng Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm…
Chỉ đạo về phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai kế hoạch thoái vốn theo đúng lộ trình. Vụ Kế hoạch Tài chính cần tập trung tham mưu cho Tổng Công ty Sông Hồng và Viglacera hoàn thành thoái vốn trong năm nay, sau đó là VICEM và HANCORP.
Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp cần nghiên cứu lại giải pháp tổng thể để tháo gỡ các khó khăn hiện tại, cố gắng vượt qua khó khăn để tiếp tục đầu tư sản xuất, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Phương Trang
Theo