Chủ nhật 28/04/2024 12:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bộ Xây dựng đang đồng hành, sát cánh cùng Bộ Giao thông vận tải

11:51 | 02/01/2024

(Xây dựng) - Bộ Giao thông vận tải trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2023 đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, “vượt nắng, thắng mưa” để đạt được những thành tựu to lớn nhằm thực hiện chiến lược phát triển hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng chiến lược quốc gia đồng bộ, hiện đại, góp phần vào thắng lợi Nghị quyết đại hội XIII của Đảng. Cụ thể đã chỉ đạo khởi công 26 dự án lớn trên hầu hết các lĩnh vực từ giao thông đường bộ, đường sắt, đến hàng hải, hàng không và đã hoàn thành 20 Dự án (Đường bộ 17 dự án; Hàng hải 01 dự án; Đường thủy 02 dự án), trong đó có 9 Dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892km.

Bộ Xây dựng đang đồng hành, sát cánh cùng Bộ Giao thông vận tải

Thành tích của ngành Giao thông vận tải đã mở ra một không gian phát triển mới cho đất nước, điều này càng có ý nghĩa quan trọng hơn với ngành Xây dựng trong việc kết nối, mở rộng không gian phát triển cho hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam, giúp hiện thực hóa các mục tiêu về quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị Việt Nam bền vững theo chủ trương Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị, tạo ra một diện mạo mới cho đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Các thành tựu to lớn nêu trên trước hết là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ; sự hỗ trợ giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của ngành Giao thông vận tải trong suốt thời gian vừa qua, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khôn lường, chưa có tiền lệ. Xu hướng cạnh tranh kinh tế, cạnh tranh địa chính trị đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa biến động lớn, sự mất giá đồng tiền của nhiều quốc gia đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế trong nước nói chung và sự biến động chi phí của ngành giao thông vận tải nói riêng.

Hiện thực không thể phủ nhận: Hệ thống giao thông đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hệ thống cao tốc Bắc – Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều công nghệ thi công hiện đại, biện pháp thi công tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí của các dự án. Hệ thống đường sắt đô thị bắt đầu được hình thành từ các tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội tại Thành phố Hà Nội; tuyến Bến Thành – Suối Tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh với tiến độ nhanh hơn, đội ngũ kỹ sư, cán bộ quản lý ngày càng giàu kinh nghiệm; hệ thống đường sắt quốc gia được cải tạo, nâng cấp về chất lượng và năng lực quản lý. Đây là những tiền đề hết sức quan trọng cho ngành Giao thông vận tải thực hiện đầu tư đồng bộ hiện đại hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong thời gian tới. Hệ thống các cụm cảng hàng không, sân bay được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp và mở rộng tại 02 thành phố lớn và một số địa phương trong cả nước đã góp phần tăng cường kết nối nội địa và quốc tế. Hệ thống đường thủy nội địa, hàng hải tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ trong nước và quốc tế. Hệ thống kết cấu giao thông đồng bộ đã và đang tạo ra các điều kiện để hình thành các trung tâm Logistic tầm cỡ khu vực và thế giới.

Trong những thành tích đó, với chức năng nhiệm vụ theo thẩm quyền, trách nhiệm trước đất nước, Bộ Xây dựng đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ ngành Giao thông vận tải, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải, trong công tác quản lý nhà nước, công tác quản trị tại các dự án đầu tư của ngành Giao thông vận tải.

Bộ Xây dựng đã có nhiều lần làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thậm chí làm việc chuyên đề về hệ thống cao tốc, hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, cụm cảng hàng không với các Cục, Vụ, Viện và các Ban Quản lý dự án của ngành Giao thông vận tải về công tác quản lý Nhà nước, công tác quản trị dự án, công tác quản lý kỹ thuật, quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn, nghiệm thu, công tác quản lý tổng mức đầu tư, dự toán, quản lý định mức, đơn giá, hợp đồng, góp phần nâng cao chất lượng, tiến độ hiệu quả dự án.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên Bộ Xây dựng còn rất băn khoăn mong muốn Bộ Giao thông vận tải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý nhà nước, công tác quản lý đầu tư xây dựng của ngành giao thông. Dẫu biết rằng khối lượng thi công ngoài công trường trường là hết sức đồ sộ nhưng khối lượng công tác quản lý Nhà nước, quản lý dự án cũng là khối lượng rất lớn, với tính chất khó khăn, phức tạp và không kém phần quan trọng.

Như chúng ta đã biết, thể chế và pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản đã rõ về thẩm quyền, trách nhiệm, quy trình, phương pháp quản lý đối với từng chủ thể từ người quyết định đầu tư đến chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các đơn vị tư vấn. Hiện nay công việc phát sinh mới là chủ trương áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, các Nghị quyết số 60/NQ-CP Nghị quyết số 133/NQ-CP CP năm 2021 và các Nghị quyết số 18/NQ-CP, Nghị quyết số 119/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ đối với cơ chế giao mỏ cho nhà thầu thi công, nâng công suất không quá 50% đối với các mỏ đã cấp phép. Đây là vấn đề mới, chúng ta cần phải tập trung chỉ đạo để sớm có giải pháp tháo gỡ với cách tiếp cận là làm rõ quy trình theo cơ chế đặc thù, làm cơ sở xác định rõ các chi phí, cơ cấu hình thành chi phí nếu giá vật liệu xây dựng áp dụng như quy định pháp luật hiện hành, đúng nguyên tắc thị trường, công bằng, minh bạch. Kết quả sẽ xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Xây dựng và các địa phương, nhà thầu trong việc xác định giá vật liệu xây dựng tại mỏ, để áp dụng các quy định pháp luật cho phù hợp theo từng giai đoạn.

Thông tin do Bộ Xây dựng tổng hợp: Hệ thống quản lý chi phí đầu tư công, PPP trên thế giới phổ biến có 2 phương pháp; một là quản lý định mức, đơn giá, dự toán như Nhật Bản, Trung Quốc; hai là phương pháp giá tổng hợp theo kết cấu, hạng mục công trình như Anh, Mỹ. Phương pháp quản lý chi phí của chúng ta tương đồng với Nhật Bản, Trung Quốc, phương pháp nào cũng có mặt ưu, mặt hạn chế, Bộ Xây dựng đang tổng kết thực tiễn để tiếp tục đổi mới hệ thống quản lý nhà nước theo nguyên tắc thị trường, nâng cao hiệu quả dự án.

Qua đánh giá tổng kết, Bộ Xây dựng nhận thấy ngành Giao thông vận tải còn gặp những khó khăn trong công tác quản lý, quản trị dự án như sau:

Một là về công tác định mức: Luật Xây dựng, Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Chính phủ, đã quy định phân cấp, phân quyền cụ thể đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, Bộ Xây dựng ban hành các định mức sử dụng chung cho nhiều ngành. Các Bộ chuyên ngành có trách nhiệm ban hành các định mức chuyên ngành hoặc đặc thù của ngành mình. Bộ Xây dựng ban hành các phương pháp thu thập số liệu, phân tích, đánh giá và ban hành, công bố định mức xây dựng.

Hiện nay, ngành Giao thông vận tải còn phải hoàn thành khoảng 500 định mức dự toán cho các lĩnh vực trong đó đường bộ 136 định mức; đường sắt 221 định mức; hàng không 91 định mức; đường thủy 21 định mức. Đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải và sự vào cuộc của các cơ quan tư vấn, các nhà thầu thi công, các chủ đầu tư trong quá trình thu thập số liệu, phân tích đánh giá, xác định, ban hành và công bố các định mức.

Bộ Xây dựng đang rà soát 846 định mức và xây dựng mới khoảng 210 định mức, Bộ Xây dựng tập trung để hoàn thành việc ban hành, công bố định mức thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó Bộ Xây dựng tiếp tục tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đổi mới, hiệu chỉnh, bổ sung phương pháp nội dung, cũng như rà soát lại các quy định, hướng dẫn theo hướng minh bạch, cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện cho nhiều chủ thể trong công tác quản lý Nhà nước.

Hai là về công tác giá vật liệu xây dựng và giá vật liệu tại mỏ: Chi phí vật liệu xây dựng trong các dự án giao thông chiếm tỷ trọng từ 60-70% trong các dự án của ngành Giao thông vận tải.

Do vậy nguồn cung vật liệu và giá vật liệu xây dựng thường xuyên được các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng quan tâm. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương triển khai hướng dẫn công bố giá vật liệu; theo tháng, quý, năm, đảm bảo nguyên tắc thị trường đồng thời đồng thời bổ sung hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý việc khai thác, kinh doanh tại các mỏ trên địa bàn để đảm bảo đáp ứng nguồn cung và đúng giá niêm yết, công bố trên thị trường.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác thu thập, phân tích, đánh giá, công bố giá vật liệu xây dựng của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do khối lượng công việc lớn, năng lực, nguồn lực thực thi nhiệm vụ còn hạn chế nhất là những thời điểm diễn biến thị trường biến động lớn, do nhiều yếu tố về cung-cầu, biến động của giá thế giới, đứt gãy chuỗi Logistic.

Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương sẽ phải tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để giá vật liệu xây dựng theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch.

Đặc biệt, đối với giá vật liệu xây dựng tại mỏ thực hiện theo cơ chế đặc thù giao mỏ cho nhà thầu thi công. Việc xác định giá vật liệu đối với trường hợp này có nội dung này khác so với trường hợp xác định giá vật liệu đến chân công trình. Do đó còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, liên quan đến quy trình thu thập, đánh giá, xác định những yếu tố mới tác động nên cơ cấu hình thành giá và thẩm quyền của các Bộ, ngành liên quan như: Ngành Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Giao thông và UBND các tỉnh. Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải và tiếp tục sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải làm việc với các địa phương để hướng dẫn rõ quy trình, thẩm quyền, trách nhiệm, bản chất chi phí, cơ cấu chi phí trong quản lý chi phí đầu tư.

Bộ Xây dựng đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tập trung hướng chỉ đạo để làm rõ giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền, đảm bảo quản lý chi phí chặt chẽ.

Ba là về công tác nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ mới Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu để có các vật liệu mới, công nghệ, giải pháp thi công mới, áp dụng số hóa, mô hình quản lý thông tin công trình BIM để đẩy nhanh tiến độ tạo nên các yếu tố tổng hợp, góp phần nâng cao năng suất lao động theo chỉ tiêu tổng hợp TFP.

Bốn là về công tác nghiệm thu quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, tiến độ công trình.

Mặc dù, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các tiêu chuẩn cơ sở về thiết kế, thi công nghiệm thu công trình giao thông đường bộ, nhưng cần hoàn thiện các hướng dẫn việc thực hiện đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất đối với các dự án đang triển khai thi công xây dựng; đồng thời sớm ban hành các định mức áp dụng cho công tác thi công nghiệm thu các công trình giao thông đường bộ.

Nhìn chung công tác quản lý Nhà nước, quản trị dự án còn rất lớn, Bộ Xây dựng rất mong ngành Giao thông vận tải nói chung và Bộ Giao thông vận tải nói riêng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và các chủ thể có liên quan tiếp tục nỗ lực để hoàn công tác quản lý nhà nước về quản lý chi phí, tổng mức đầu tư, công tác định mức, đơn giá, đổi mới công tác quản lý chất lượng, an toàn, nghiệm thu, quyết toán các dự án công trình hiệu quả nhất.

Bộ Xây dựng với chức năng quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng ngành giao thông và Bộ Giao thông vận tải trong quá trình quản lý Nhà nước, quản lý dự án các công trình thuộc hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia đồng thời tổng kết thực tiễn, phương pháp luận để tiếp tục đổi mới công tác quản lý Nhà nước, quản trị dự án nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng đầu tư góp phần hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, tạo ra một diện mạo mới cho đất nước đến năm 2030 tầm nhìn 2045.

Bùi Hồng Minh
Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load