(Xây dựng) - Trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các hoạt động đối ngoại của Bộ Xây dựng vẫn thu hút, vận động được các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng ký kết Biên bản thảo luận giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quản lý phát triển đô thị (Ảnh: PV Báo Xây dựng). |
Tích cực thu hút, vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã tổ chức làm việc với 69 Đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu cơ chế chính sách, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, phát triển hạ tầng, đầu tư và kinh doanh nhà ở. Kết quả, đã vận động thành công 02 dự án mới hỗ trợ kỹ thuật và ký kết 01 thỏa thuận hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, cũng đã tổng hợp, đánh giá tình hình hợp tác song phương với 32 quốc gia và tổ chức quốc tế; đề xuất nội dung hợp tác quốc tế ngành Xây dựng như: nâng cao năng lực, hỗ trợ xây dựng chính sách, hợp tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, xuất khẩu vật liệu xây dựng … góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của Ngành Xây dựng giai đoạn tới.
Kết quả đã và đang vận động các nhà tài trợ như WB, ADB, JICA, KOICA, USAID, UNHABITAT để hỗ trợ cho 02 dự án liên quan đến quy hoạch và phát triển đô thị, công nghệ xây dựng mà Bộ Xây dựng đang cần vốn và công nghệ để triển khai thực hiện. Cụ thể: Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua xây dựng hệ thống thông tin quản lý quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam (UPIS)” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua KOICA.
Dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực hoàn thiện khung pháp lý quản lý thoát nước và xử lý nước thải đô thị do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) viện trợ không hoàn lại.
Chủ động giải ngân vốn phù hợp
Về các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn ưu đãi đã ký kết năm 2021: Có 02 Dự án Hỗ trợ kỹ thuật viện trợ không hoàn lại; cơ chế tài chính của các dự án là nguồn vốn nước ngoài do Nhà tài trợ trực tiếp quản lý và giải ngân cho các hoạt động của Dự án, bao gồm: Dự án UPIS do KOICA tài trợ có tổng mức đầu tư 10,450 triệu USD (có 9,5 triệu USD là không hoàn lại) và Dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực hoàn thiện khung pháp lý quản lý thoát nước và xử lý nước thải do JICA tài trợ có tổng mức đầu tư 3,3 triệu USD (trong đó 3,0 triệu USD không hoàn lại).
Theo Vụ Kế hoạch -Tài chính (Bộ Xây dựng), tình hình giải ngân các dự án thì Bộ đã phân bổ kinh phí triển khai cho 10 chương trình, dự án ODA. Kinh phí đã phân bổ gồm: Kinh phí đối ứng là 17,265 tỷ đồng; vốn vay ưu đãi nước ngoài là 7,57 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại là 35,1 tỷ đồng . Năm 2021, Bộ Xây dựng phân bổ và giao dự toán (bao gồm nguồn vốn ODA và vốn đối ứng) đến từng đơn vị thực hiện chương trình, dự án về cơ bản được thực hiện đúng theo các quy định hiện hành. Trong đó, một số chương trình, dự án nổi bật như: Chương trình đô thị miền núi phía Bắc do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 18 triệu USD; Dự án hạ tầng kĩ thuật thoát nước và chống ngập úng cho các đô thị quy mô vừa nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu - giai đoạn 2 do Chính phủ Thụy sỹ tài trợ 5 triệu EUR; Dự án Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 cam kết tài trợ 3 triệu USD…
Về các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn ưu đãi dự kiến ký kết vào Quý I năm 2022 là Dự án “Thành lập Trung tâm Việt - Hàn về Đô thị thông minh và công nghệ xây dựng (VKC)” giai đoạn 2021-2024 do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc. Tổng mức đầu tư là 6,864 triệu USD.
Theo đó, các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi do Bộ Xây dựng quản lý và triển khai theo đúng mục tiêu và đạt các kết quả đầu ra theo dự kiến, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; bám sát định hướng thu hút và sử dụng ODA của Chính phủ và các mục tiêu, chiến lược phát triển của địa phương và của ngành Xây dựng.
Các dự án trong lĩnh vực đô thị góp phần quan trọng trong việc đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và tạo công bằng xã hội. Các chương trình, dự án ODA trong lĩnh vực cấp thoát nước cũng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với nhu cầu của người dân cũng như ưu tiên của các nhà tài trợ. Các dự án nâng cao năng lực và tăng cường thể chế từng bước cải thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Xây dựng, đáp ứng nhu cầu hội nhập và tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Hà Khánh
Theo